.
.

Lạm phát quay lại nếu nới lỏng chính sách tiền tệ

Thứ Ba, 05/03/2013|21:28

 

Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các lĩnh vực yếu kém
Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các lĩnh vực yếu kém

 

Theo nghiên cứu này, HSBC tin rằng thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là việc lạm phát quay lại nếu Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các lĩnh vực yếu kém.

HSBC dẫn chứng rằng, lạm phát tháng 2/2013 cho thấy giá cả đã được kiềm chế, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 7,1% trong tháng 1/2013. Ngược lại, lạm phát cơ bản tháng 2 tương tự như tháng 1 vẫn ở mức cao 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong tháng, lạm phát cơ bản có điều chỉnh yếu tố mùa vụ so với tháng trước đã giảm 0,5% từ mức 0,9% của tháng 1. Lạm phát thực phẩm tháng 2 tăng nhẹ từ mức 1,3% của tháng 1 lên mức 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là lạm phát thực phẩm tháng 2 có điều chỉnh mùa vụ so sánh theo tháng tăng 0,2% từ mức 0,6% trong tháng 1. “Điều này chứng tỏ rằng một hành vi tiêu dùng thận trọng hơn đã làm giảm giá thực phẩm sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên đán”- HSBC nhận xét.

Liên quan đến việc phê duyệt Đề án tổng thể Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020 của Chính phủ chú trọng tới việc tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công, các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước được đánh giá là tích cực.

Tuy nhiên, HSBC đánh giá Đề án tổng thể đó còn thiếu các điểm chi tiết về mặt thực thi. Ví dụ, đề án nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội; tạo ra một hệ thống các nguồn lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng hợp lý, ổn định và lâu dài đặc biệt là các chính sách ưu đãi thuế và những công cụ khuyến khích đầu tư khác; thúc đẩy sự phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội cho các lĩnh vực và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tăng cường năng sức lao động và tính cạnh tranh”.

Về tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, HSBC đánh giá các kế hoạch đề ra đều hướng tới những cải cách mang tính mục tiêu hơn là tính thực thi. Ví dụ, Chính phủ nhắm tới việc: xác định và tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước chuyên tập trung đến ngành công nghiệp quân đội, các ngành công nghiệp độc quyền, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chính yếu và công nghệ tiên tiến; tăng cường cổ phần hoá và đa dạng hoá các doanh nghiệp Nhà nước nơi sở hữu Nhà nước 100% vốn là không cần thiết.

Đồng thời, Đề án còn yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước tái cơ cấu hoạt động đầu tư và kinh doanh để tập trung vào những mảng kinh doanh cơ bản, loại bỏ những mảng kinh doanh không trọng tâm và những công ty liên doanh mà ở đó Nhà nước không cần phải là cổ đông ưu thế.

Tuy nhiên, về tổng thể HSBC tin rằng Việt Nam đang thật sự đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng nền tảng cho nhiều cải cách hơn nữa. Hạn chế bớt hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiếu hiệu quả trong những năm gần đây là một ví dụ. Sự ổn định của lạm phát và nhiều chỉ số kinh tế quan trọng như cán cân thương mại và dự trữ ngoại tệ là những ví dụ khác./.

Xuân Thân/VOV online

.
.
.
.