.
.

Năm 2013, tăng trưởng của Việt Nam cao nhất là 5,35%

Thứ Tư, 29/05/2013|21:40

 

Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”.
Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”.

 

Sáng 27/5/2013, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2013: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”.

Báo cáo năm nay, có đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2012, phân tích những vấn đề chuyên sâu bao gồm đặc tính của lạm phát trong giai đoạn hậu gia nhập WTO, giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, nguy cơ giải công nghiệp hóa trước sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, và những biến đổi trên thị trường lao động trong thời kỳ suy giảm và tái cơ cấu kinh tế. Và, đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2013 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

PGS, TS Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Báo cáo này ra đời với chủ đề trong đó phản ánh một dự cảm lo ngại cho tiến trình tái cơ cấu kinh tế dường như đang mất đà so với những ngày đầu tiên được đề xuất cách đây 2 năm, và cùng với đó là những cơ hội mà Việt Nam đang dần để lỡ, nếu không có những cam kết cải cách mạnh mẽ, với những kết quả cụ thể hơn”.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, kinh tế Việt Nam giống như một cỗ xe nặng nề đang chậm chạp đi vào tương lai trên một con đường gập ghềnh. Khi năm 2013 kết thúc cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (2008-2013), mà trong quãng thời gian đó nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 5,8%/năm, so với mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 6 năm trước đó (2002-2007).

Đồng thời, lạm phát bình quân hàng năm trong giai đoạn 6 năm trước đó chỉ là 7,35%, còn giai đoạn hiện nay là 11,5%. Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ. 

Đánh giá về viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, GDP có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Tăng trưởng 5,04% hoặc 5,35%. Tương ứng với đó, lạm phát có thể là 4,95% hoặc 6,64%.

Vì thế, trong ngắn hạn, TS Thành cho rằng, có một số vấn đề về ưu tiên giữa chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp và chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát ổn  định vĩ mô. Nhưng dù thế nào, ổn định vĩ mô luôn là tiền đề cho các chính sách căn bản khác. Không được bỏ lỡ, mơ hồ về việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, lãi suất huy động có sức ép hạ vì dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, nếu lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm. Ngân hàng hoàn toàn có cơ sở, thậm chí “bị cám dỗ” để làm được điều này. Nhưng nếu đi quá xa trong giảm lãi suất tiền Việt sẽ gây ra những xáo trộn trên thị trường vốn.

Diễn biến trên thị trường vàng, đặc biệt sau ngày 30/6/2013, cần được hiểu từ bản chất của chính sách quản lý vàng. Phương pháp quản lý thị trường vàng hiện nay đang dần đạt mục đích, nhưng vấn đề là ứng xử của NHNN như thế nào cho phù hợp.

Định hướng của chính sách tỷ giá, TS Thành cho rằng, không chỉ những điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà là một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Hiện nay, chính sách đưa ra thường bị cản trở bởi công luận, nếu không thay đổi tỷ giá thì như tự lấy đá ghè vào chân.

Một số vấn đề tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam rất căn bản như: Giải quyết nợ xấu, sau sự ra đời của VAMC là việc tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Cổ phần hóa DNNN để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; Những nguy cơ về quỹ đạo phát triển khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các liên kết quốc tế có mức độ tư do cao (ACFTA, TPP, các FTAs khác);

Bên cạnh đó, còn có vấn đề phân cấp trong quản lý nguồn lực đất nước, giữa trung ương và địa phương, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư; Cải thiện mức độ cam kết thực hiện lộ trình cải cách, tái cơ cấu; cần sự tập trung, tránh phân tán làm mất thời gian và cơ hội. Hơn nữa, việc hoạch định chính sách phát triển ngành thực dụng, rõ ràng và hiệu quả hơn. Chủ động định hướng thị trường lao động tái cơ cấu theo chiều nâng cao chất lượng./.

Xuân Thân/VOV online

 

.
.
.
.