Chính thức ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia
Sáng 6/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm 15 thành viên đã chính thức ra mắt, với kỳ vọng sẽ thúc đẩy cơ chế đối thoại, đàm phán tiền lương, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động.
Hội đồng tiền lương quốc gia gồm 15 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân làm Chủ tịch |
Hội đồng tiền lương quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1055 ngày 3/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 15 thành viên, do Thứ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân làm Chủ tịch.
Các thành viên còn lại của Hội đồng là đại diện các cơ quan, gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hai hiệp hội ngành nghề có sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giày.
Hội đồng này sẽ thực hiện chức năng tư vấn cho Chính phủ tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập, nhằm phát huy vai trò đồng thuận của các bên: đại diện của cơ quan Chính phủ, đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp.
Nghiên cứu, khuyến nghị với Chính phủ mức lương tối thiểu theo giờ áp dụng đối với một số nghề, công việc không thường xuyên hoặc làm việc không trọn thời gian. Tổ chức rà soát, đánh giá việc phân vùng địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh, công bố mức lương tối thiểu vùng.
Để quyết định mức tăng lương cụ thể, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có nhiều buổi họp ba bên với công đoàn và 5 đại diện của giới chủ. Các bên sẽ đưa ra các mức lương mong muốn của mình rồi bàn bạc với nhau để thống nhất phương án hợp lý nhất, giảm khoảng cách trong các phương án đưa ra, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên cũng như phù hợp với tình hình kinh tế để khuyến nghị với Chính phủ quyết định.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sự ra đời của Hội đồng tiền lương sẽ góp phần tăng cường sự đồng thuận khi đối thoại, đàm phán tiền lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng Tiền lương Quốc gia chuẩn bị kỹ các số liệu tham chiếu về kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, mức sống tối thiểu của người lao động để nhanh chóng, họp bàn, quyết định mức lương tối thiểu vùng khối doanh nghiệp cho năm 2014.
Theo Baodautu.vn