.
.

Nhận diện tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm

Chủ Nhật, 29/06/2014|14:11

Việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2014 đã đi qua một nửa thời gian với xu hướng tích cực. Tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm nay (5,18%) cao hơn của cùng kỳ 2 năm trước (4,93% và 4,9%) . Xu hướng cao lên này là tín hiệu khả quan, để tốc độ tăng GDP cả năm nay cao hơn hai năm trước (năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%). Đây là xu hướng tích cực, là kết quả của việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành.

Kết quả này đạt được càng có ý nghĩa, bởi tăng trưởng kinh tế cao hơn đạt được cùng với việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn (6 tháng năm nay tăng 1,38%, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng cùng kỳ 2,4% của năm 2013; 2,52% của năm 2012). Đây là kết quả kép, bởi lạm phát và tăng trưởng kinh tế thường hiếm khi song hành cùng một chiều như vậy.

Xu hướng cao lên so với cùng kỳ của tăng trưởng chung đạt được ở cả 3 nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ). Trong 3 nhóm ngành trên, tăng trưởng GDP của nhóm ngành dịch vụ vừa cao hơn cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế. Đây là xu hướng tích cực, phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, trong điều kiện Việt Nam mở cửa hội nhập ngày một sâu, rộng hơn.

Nhóm ngành dịch vụ tăng trưởng cao hơn tốc độ chung đã góp phần đưa tỷ trọng nhóm ngành này trong GDP cao lên. Tăng trưởng cao hơn của nhóm ngành dịch vụ đã góp phần tăng tỷ trọng lao động làm việc của nhóm ngành này trong tổng số lao động đang làm việc của toàn bộ nền kinh tế (năm 1990 chiếm 15,8%, năm 2000 chiếm 21,8%, năm 2010 chiếm 30,5%, năm 2013 chiếm 32%, 6 tháng năm nay đạt 32,1%, cao hơn). Tăng trưởng cao hơn của nhóm ngành dịch vụ góp phần nâng cao năng suất lao động chung, khi năng suất lao động của nhóm ngành này năm 2013 cao gấp 1,4 lần năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản.

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP lại thấp hơn (30,1% so với 30,4% của cả năm 2013). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư đã có dấu hiệu được cải thiện. Đó là tín hiệu tốt theo mục tiêu tổng quát và yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng.

Mặc dù vẫn tiếp tục tăng trưởng và có xu hướng cao lên, nhưng hai nhóm ngành kinh tế thực là nông, lâm nghiệp-thủy sản và công nghiệp-xây dựng vẫn còn tăng thấp. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản tăng thấp chủ yếu do tiêu thụ còn gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu gạo, chè, sắn, cao su...; một số mặt hàng khối lượng xuất khẩu tăng, nhưng kim ngạch tăng thấp hơn như cà phê... Nhóm ngành công nghiệp-xây dựng trong nhiều năm tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn và trở thành động lực, đầu tầu tăng trưởng chung, nhưng do mấy năm trước tăng trưởng còn thấp có năm tăng thấp hơn tốc độ tăng chung 6 tháng năm nay cao hơn nhưng không nhiều nên vẫn chưa hồi phục. Tổng cầu của nền kinh tế vẫn thấp.

Từ kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, để thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch cả năm (tăng 5,8%), thì 6 tháng cuối năm phải tăng 6,27%. Đây là tốc độ tăng khá cao, không dễ đạt được nếu không có các giải pháp thực hiện quyết liệt và đồng bộ trong việc giải quyết nợ xấu, cải thiện môi trường đầu tư, giảm tồn kho, giải quyết xử lý các vấn đề phát sinh...

Việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và cả năm 2014 còn phải tính đến việc tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao hơn (6-6,2%) theo Chỉ thị về xây dựng kế hoạch năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và những vấn đề mới phát sinh trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở biển đông và ưu tiên dành nguồn lực triển khai chiến lược Biển Đông.

Minh Ngọc (Theo Chinhphu.vn)

.
.
.
.