.
.

NHTM Nhà nước: Vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô

Thứ Sáu, 06/06/2014|10:21

Nhìn lại suốt chiều dài phát triển kinh tế, DNNN luôn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu những năm qua, nỗ lực đạt được nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ tiếp tục ghi nhận những đóng góp không nhỏ của các DNNN.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ (CSTT) đóng góp vào sự thành công ổn định kinh tế vĩ mô trong 2 năm qua, có vai trò quan trọng của các NHTM Nhà nước. Bám sát các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, các NHTM Nhà nước đã kịp thời và nỗ lực triển khai các giải pháp, hiện thực hóa bằng các hoạt động cụ thể trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với mục tiêu chính trị.

4 NHTM Nhà nước ký hợp đồng tài trợ tín dụng đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Lai Châu với EVN - tháng 7/2013
4 Ngân hàng thương mại Nhà nước ký hợp đồng tài trợ tín dụng đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Lai Châu với EVN - tháng 7/2013

Tiên phong thực thi CSTT, góp phần ổn định KTVM

Nghiêm túc quán triệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN, các NHTM Nhà nước luôn là những TCTD đi đầu trong việc thực thi các chính sách lãi suất, tỷ giá, điều hành tín dụng… Có thể khẳng định, đây chính là những đơn vị chủ đạo, góp phần tạo lập sự ổn định trên thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các TCTD này luôn tuân thủ và kịp thời triển khai các quy định của NHNN, chủ động dẫn dắt thị trường, tạo lập mặt bằng lãi suất, tỷ giá theo mục tiêu điều hành CSTT. Trong giai đoạn từ tháng 8/2011- 5/2014, đã có rất nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay được đưa ra, trong đó các NHTM Nhà nước như BIDV, Vietcombank luôn là những đơn vị tiên phong giảm lãi suất. Cũng chính các TCTD này góp phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho các DN thông qua các giải pháp như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, mua bán sáp nhập DN, bán nợ…

Về tín dụng, tính cả năm 2013, VietinBank, Vietcombank và BIDV có mức TTTD lần lượt là 13,1%; 13,6% và 15,2%, vượt mức bình quân chung của toàn Ngành và có thể coi đây là một trong những dấu hiệu thể hiện rõ nét vai trò "chèo lái" của các NHTM Nhà nước đối với thị trường.

Trong những năm khó khăn vừa qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp như là một trụ đỡ thực sự của nền kinh tế. Với tư cách là một NHTM Nhà nước lớn hoạt động chính ở mảng nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã đóng góp một phần quan trọng trong đầu tư vốn, phát triển kinh tế khu vực này. Agribank chính là ngân hàng đầu tiên khởi xướng và luôn giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực cho vay tam nông; góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại.

Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank liên tục tăng qua các năm: năm 2011 chiếm tỷ trọng trên 60%; năm 2012 là gần 70%; năm 2013 là trên 70% và phấn đấu trong năm 2014 và các năm tiếp theo phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 80%. Qua đó, góp phần quan trọng tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân; đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Các NHTM Nhà nước cũng tham gia tích cực vào các giao dịch tín phiếu, hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện bơm hút tiền nhịp nhàng trên thị trường mở nhằm điều tiết dòng vốn trong nền kinh tế, góp phần giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đơn cử trong giai đoạn 2013 đến nay, riêng BIDV đã tham gia giao dịch khoảng 7.500 tỷ đồng tín phiếu NHNN. Công tác tham mưu, đề xuất cho các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ và NHNN về các giải pháp điều hành KTVM, thị trường tài chính tiền tệ cũng được các NHTM Nhà nước tiến hành thường xuyên, chủ động. Có thể thấy rõ các hoạt động này từ trường hợp Trung tâm nghiên cứu (TTNC) của BIDV. Chỉ tính từ khi thành lập (tháng 12/2012) đến nay, TTNC này đã phát hành 90 báo cáo tập trung vào những vấn đề nóng của nền kinh tế, gắn kèm với các tham mưu, đề xuất được ghi nhận, đánh giá là có tính ứng dụng cao và thực tế một số nội dung đã được sử dụng trong điều hành.

Nỗ lực vì cộng đồng

Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, các NHTM Nhà nước còn thực hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua các chương trình an sinh xã hội (ASXH) vì cộng đồng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo theo tinh thần của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

Tại BIDV, giai đoạn 2006 – 2013, ngân hàng này đã triển khai các đề án, chương trình ASXH tổng thể dài hạn lớn trên khắp địa bàn trong cả nước với tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng, đặc biệt là việc nhận hỗ trợ xóa nghèo bền vững cho 10/69 huyện nghèo. Còn VietinBank đã và đang thực hiện tài trợ số tiền trên 4.500 tỷ đồng từ các nguồn quỹ phúc lợi, chi phí hoạt động kinh doanh, nguồn đóng góp của gần 20.000 cán bộ, đảng viên và người lao động trong toàn hệ thống để thực hiện công tác ASXH tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Agribank đã triển khai cho vay ưu đãi lãi suất và hỗ trợ lãi suất đối với 61 huyện nghèo, góp phần cùng Đảng bộ chính quyền và nhân dân các địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững. Kết quả đến 30/4/2014, doanh số cho vay đạt 5.912 tỷ đồng/110 ngàn lượt khách hàng vay; tổng số lãi tiền vay đã hỗ trợ là 345 tỷ đồng; dư nợ đạt 1.821 tỷ đồng.

Các hoạt động ASXH tập trung chủ yếu vào các chương trình như: Xây nhà ở cho các hộ gia đình nghèo; xây dựng cầu, đường giao thông, công trình thủy lợi nông thôn; xây dựng trường học cho các địa phương nghèo; xây nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh thiên tai tại các tỉnh; tài trợ cho lĩnh vực y tế; thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng…

Tích cực tham gia tái cơ cấu nền kinh tế

Các NHTM Nhà nước cũng tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Như trường hợp của BIDV, thông qua Công ty cổ phần chứng khoán BIDV, đã đóng vai trò là trung gian tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các DNNN thông qua hỗ trợ tài chính, lành mạnh hóa tài chính các DNNN trước khi cổ phần hóa... qua đó góp phần thực hiện một bước quan trọng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các NHTM Nhà nước đã phát huy vai trò là những ngân hàng chủ lực, là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc ổn định hoạt động các NHTM, xử lý NHTMCP yếu kém. Sau khi hoàn tất tiến trình M&A tự nguyện đầu tiên của 3 NHTMCP yếu kém là: NHTMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và NHTMCP Sài Gòn, BIDV được NHNN chỉ định là pháp nhân đại diện vốn Nhà nước, tham gia hỗ trợ toàn diện vào hoạt động của ngân hàng mới này.

Vietcombank gần đây cũng cho biết đang có kế hoạch M&A khi điều kiện cho phép và tìm được đối tượng phù hợp. Bởi M&A, một mặt giúp Vietcombank nhanh chóng mở rộng quy mô, tạo đà nâng cao hiệu quả hoạt động và hướng đến việc trở thành ngân hàng số 1 trên thị trường. Mặt khác, đây cũng là một trong những cách thức đóng góp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD đang được triển khai.

Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu và thúc đẩy tái cơ cấu TCTD, các NHTM Nhà nước đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN khẩn trương xây dựng hướng dẫn cụ thể về vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN để các NHTM Nhà nước có thể nhanh chóng vào cuộc. Đồng thời, đề xuất nâng cao chất lượng và quy mô của TTCK để thực sự là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả cho DN, nền kinh tế, trong khi giảm bớt sức ép cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng.

Các NHTM Nhà nước cũng đề xuất việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ theo hướng cần có sự gắn kết chặt chẽ trong quá trình thực hiện. Trong đó, NHNN đang khẩn trương chỉ đạo các TCTD rà soát, xây dựng, hoàn thiện phân bổ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chính sách cụ thể để các TCTD có thể triển khai cho vay các đối tượng ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đỗ Lê (Thời báo Ngân hàng)

.
.
.
.