Những yêu cầu về xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Trong những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã quan tâm chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt đời sống văn hóa cơ sở. Văn hóa được thể hiện trong quy chế làm việc, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của lãnh đạo doanh nghiệp, của các đối tác tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa; quy định các hành vi ứng xử, giao tiếp nơi công sở.
Đặc biệt là những hoạt động ở cơ sở như: hoạt động thông tin, tuyên truyền cổ động; câu lạc bộ, nhà văn hoá, thư viện, sách báo; giáo dục truyền thống; hoạt động nghệ thuật quần chúng; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, v.v… Xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường được gắn với mục tiêu, phương hướng và tầm nhìn chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh, từ đó hình thành những nét văn hoá đặc trưng tạo nên thương hiệu bản sắc, truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam là một trong những đơn vị triển khai thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, công tác tuyên tuyền để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho công nhân, viên chức và người lao động còn hạn chế; ở nơi này, nơi khác vẫn còn doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Cán bộ lãnh đạo, quản lý điều hành doanh nghiệp ở một số doanh nghiệp liên doanh, liên kết, vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn biểu hiện một số hành vi ứng xử chưa phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa vùng, miền... Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ doanh nghiệp thường chú trọng nhiều hơn đến lợi nhuận, hiệu quả kinh tế, do đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã bị hạn chế.
Nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc các mục tiêu, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Ban chấp hành Trung 5 (khóa VIII) và kết luận Hội nghị TW lần thứ mười (khóa IX) về văn hóa, nghị quyết đã chỉ rõ: “Xây dựng văn hóa bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách thanh thiếu niên; chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa”[1]. Cùng với 4 giải pháp lớn, trong đó, giải pháp hàng đầu, cấp thiết là “Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng và cấp ủy đối với lĩnh vực văn hóa”. Vận dụng, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm của Đảng về văn hóa và xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, theo chúng tôi cấp ủy, lãnh đạo các doanh nghiệp cần thực hiện những yêu cầu cơ bản sau đây:
Một là, quan tâm lãnh đạo xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp bảo đảm cho sự phát triển văn hóa mạnh mẽ, đúng hướng, để văn hóa giữ vai trò nền tảng tinh thần của xã hội; động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng lãnh đạo xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng được thể hiện qua việc đề ra chủ trương đường lối, nghị quyết, quyết định một cách khoa học, đảm bảo tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối, được áp dụng trong thực tiễn cuộc sống mang lại lợi ích phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân có tính nhân văn cao đẹp, phù hợp “lòng dân, ý Đảng”. Nhìn lại quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam Đảng rất coi trọng lãnh đạo lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, và thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng: “Đường lối văn hóa đúng đắn cùng với phương thức lãnh đạo phù hợp là 2 yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự phát triển văn hóa mạnh mẽ, đúng hướng, đóng vai trò nền tảng tinh thần của xã hội, động lực cổ vũ, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chiến lược trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam”. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng vậy, có môi trường văn hóa tốt sẽ góp phần quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu chủ trương, phương hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh sai lệch thì doanh nghiệp sẽ thất bại, kém phát triển và dẫn đến phá sản.
Hai là, lãnh đạo việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị. Người đứng đầu doanh nghiệp là người đề xướng, hướng dẫn, xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp; trực tiếp tổ chức tuyên truyền hướng mọi thành viên trong doanh nghiệp suy nghĩ, hành động thực hiện các mục tiêu đó vì lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của chính họ. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong việc xua tan những mối nghi ngờ, lo âu và cảm giác thiếu an toàn của công nhân viên chức, người lao động. Vì vậy, người lãnh đạo doanh nghiệp phải là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống, đi đầu trong các hoạt động văn hóa; luôn biết lắng nghe và có tinh thần làm việc quên mình vì sự phát triển của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp có tồn tại phát triển, giữ vững được uy tín, thương hiệu hay không là thể hiện cả nội dung và hình thức, bản chất giá trị bản sắc văn hóa của doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải tập trung vào việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tạo hình ảnh có uy tín trong xã hội và khách hàng. Mỗi doanh nghiệp cần tạo ra một logo đặc biệt của mình, một thương hiệu đặc trưng, phù hợp với ngành nghề. Logo, thương hiệu là kết tinh văn hóa của từng thành viên và là triết lý văn hóa doanh nghiệp vào từng sản phẩm và mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việc đầu tư, nâng cao uy tín, lôgô, thương hiệu thực chất cũng là đầu tư vào công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo các phẩm chất văn hóa tốt đẹp cho mỗi thành viên và nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là phải hướng toàn bộ hoạt động sáng tạo của cán bộ, nhân viên tạo ra các giá trị vật chất và văn hóa tinh thần ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn cái lợi với cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Bản chất của văn hóa một doanh nghiệp thể hiện ở trình độ văn hóa cao của các thành viên trong doanh nghiệp; đó là tinh thần kinh doanh năng động, sáng tạo, có lương tâm nghề nghiệp, có lòng nhân ái, khoan dung, trung thực, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, có phong cách, lối sống công nghiệp, tinh thần đoàn kết hợp tác vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp,
Ba là, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải luôn gắn với xây dựng phong cách của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động. Nâng cao chất lượng văn hóa doanh nghiệp, cần bắt đầu ngay từ việc xây dựng con người qua công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nắm vững khoa học kỹ thuật, biết áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, có phẩm chất đạo đức văn hóa kinh doanh. Trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, Giám đốc có vai trò quan trọng quyết định việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, là người quyết định và trực tiếp lãnh đạo tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ, nhân viên và vì vậy, Giám đốc phải luôn là tấm gương văn hóa để mọi thành viên phấn đấu noi theo.
Phát triển văn hoá doanh nghiệp gắn với xây dựng phong cách người cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, trước hết là lề lối làm việc, cách ứng xử, tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp. Qua đó, khai thác tốt tiềm năng của từng cá nhân, bộ phận trong doanh nghiệp, tạo uy tín tốt trên thị trường, ứng xử có văn hoá với đối tác và khách hàng. Hiện nay, trong thời kỳ hội nhập giao lưu quốc tế, ngoài việc phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa doanh nghiệp thì việc tiếp cận với văn hóa hiện đại và quốc tế đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm, bổ sung nhiều nội dung, hướng dẫn, quy định trong giao tiếp, ứng xử; trong quảng bá thương hiệu doanh nghiệp; trong giao dịch quốc tế... Đặc biệt là trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần chú trọng lấy “xây” để “chống”. Việc tôn vinh, biểu dương, khen thưởng và xây dựng, nhân điển hình những cá nhân, tập thể tiên tiến trong lao động sản xuất, trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ quan…là những việc làm thường xuyên để vun đắp nên những giá trị văn hóa mới, thấm sâu vào cuộc sống.
Bốn là, lãnh đạo việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội nhằm xây dựng nâng cao phẩm chất toàn diện của con người; nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới việc xây dựng nâng cao tố chất toàn diện của con người, làm trung tâm để nâng cao trình độ năng lực của người lãnh đạo, quản lý điều hành doanh nghiệp; nâng cao chất lượng cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động. Phát triển tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đó chính là hạt nhân lãnh đạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu quan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nói chung, và doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói riêng vững mạnh sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong thực tế, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Số lượng tổ chức đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp được tăng lên từng năm. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của người lao động để tham gia với chủ doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, lãn công xảy ra trong doanh nghiệp, góp phần làm nên thương hiệu văn hóa doanh nghiệp. Nhận thức quan niệm giá trị của doanh nghiệp đã thẩm thấu, trở thành hệ tư tưởng của mọi thành viên trong doanh nghiệp, để họ góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một giai đoạn phát triển của tư tưởng quản lý doanh nghiệp hiện đại, thể hiện sự chuyển dịch chiến lược phát triển kỹ năng, kỹ thuật nhằm tạo nên những sản phẩm chứa hàm lượng văn hóa cao. Vì vậy, xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp phải gắn với việc xây dựng nguồn nhân lực, bồi dưỡng quan điểm, giá trị và tinh thần doanh nghiệp để nó trở thành nhận thức chung của mọi thành viên và trở thành động lực nội tại, khích lệ mọi người phấn đấu làm việc hăng say, chính là phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân vào xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, số tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chiếm tỷ lệ thấp. Công tác kết nạp đảng viên, đoàn viên và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Mặt khác số đông công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp chưa chịu khó học tập, cho mình là người lao động làm thuê nên thờ ơ với các hoạt động chính trị, xã hội, không thiết tha phấn đấu vào Đảng, vào Đoàn, ít quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trước tình hình này, để việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với việc xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các biện pháp cơ bản sau đây:
1. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo sự thống nhất nhận thức trong các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và người lao động. Đặc biệt, làm cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp; hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể là có lợi, góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật, chính là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
2. Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các thành viên trong hệ thống chính trị (cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể) trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển, làm cơ sở để thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị trong doanh nghiệp.
3. Phải tiến hành khảo sát, phân loại doanh nghiệp theo đặc điểm, quy mô, hiệu quả hoạt động để xây dựng kế hoạch cụ thể về việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể chính trị trong các doanh nghiệp. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm chỉ đạo, trực tiếp gặp gỡ, làm việc với chủ doanh nghiệp và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành và có bước đi thích hợp.
4. Bản thân tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp đặc điểm tính chất của từng doanh nghiệp; coi trọng xây dựng quy chế làm việc, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể. Những hoạt động và việc làm cụ thể của tổ chức đảng, các đoàn thể phải gắn với lợi ích và sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của chủ doanh nghiệp.
Trần Văn Quang
Phó trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Khối DNTW