Bảo Việt gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược phát triển doanh nghiệp
Trước sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của môi trường và các vấn nạn xã hội đang ngày càng gia tăng, phát triển bền vững (PTBV) trở thành mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt là một trong các doanh nghiệp đang thực hiện khá tốt việc kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình như là một phần của chiến lược phát triển dài hạn. Với những giải pháp cụ thể, Bảo Việt đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn 2025 “Giữ vững vị thế Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng hiệu quả và bền vững”, thông qua việc cân đối giữa các mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường và gắn kết các mục tiêu này trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đảng ủy Khối DNTW tặng Đảng bộ Tập đoàn Bảo Việt bức trướng "Đoàn kết, hợp lực, đổi mới, tiên phong" tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020. |
Doanh nghiệp Việt Nam với xu hướng phát triển bền vững
Những bất ổn chưa từng có trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường trên toàn cầu trong thời gian qua cho thấy, sự phát triển thiếu bền vững đã tạo ra những hậu quả khó lường, gây mất kiểm soát cho tất cả các quốc gia. Mặc dù vấn đề này đã được phổ biến từ năm 1987, từ báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới với định nghĩa PTBV là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...”. Nhưng rõ ràng, từ nhận thức đến hành động vẫn cần rất nhiều nỗ lực và trách nhiệm của không chỉ một số nước đầu tàu mà cần sự chung tay của cộng đồng các quốc gia, và sâu hơn nữa là cộng đồng các doanh nghiệp – những tác nhân chính đóng góp cho sự PTBV của quốc gia.
Trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam đã xây dựng chiến lược PTBV giai đoạn 2011-2020, chú trọng đến việc cân bằng các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường. Doanh nghiệp cần thể hiện rõ những đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.
Quầy giao dịch Bảo Việt Nhân thọ. |
Thực tế, việc xây dựng mục tiêu PTBV cũng mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp khi đóng góp trực tiếp đến giá trị kinh doanh, như tạo ra doanh thu, kiểm soát chi phí, quản lý rủi ro và các giá trị dài hạn khác. Một lợi ích khác cho doanh nghiệp đó là tạo dựng uy tín và thương hiệu khi mà “người tiêu dùng hiện nay rất nhạy cảm với các vấn đề về môi trường, xã hội và họ càng ngày càng ý thức hơn về các vấn đề này” - Walter Dondi, Giám đốc Co-op Adriatica (Doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất nước Ý). Sức mạnh của công nghệ thông tin đã tạo nên một ‘thế giới phẳng’, ở đó, khách hàng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn, họ nắm bắt thông tin trên thế giới một cách nhanh chóng và họ thể hiện tiếng nói của mình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn và mạng xã hội. Cán cân quyền lực giữa xã hội và doanh nghiệp đang dần thay đổi và nghiêng về phía xã hội nhiều hơn, doanh nghiệp muốn tạo sự khác biệt về thương hiệu, về sản phẩm thì họ phải quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, của môi trường tại địa bàn mà công ty đang hoạt động.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình như là một phần của chiến lược phát triển dài hạn. Tại Việt Nam, Bảo Việt là doanh nghiệp đang thực hiện khá tốt vấn đề này. Thông qua các báo cáo PTBV qua các năm của doanh nghiệp này, có thể thấy, Bảo Việt đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn 2025 “Giữ vững vị thế Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng hiệu quả và bền vững”, thông qua việc đảm bảo PTBV, cân đối giữa các mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường và gắn kết các mục tiêu này trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, những năm qua Tập đoàn đã triển khai nhiều biện pháp hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững phù hợp với tình hình doanh nghiệp .
Cân đối giữa các mục tiêu Kinh tế - Xã hội – Môi trường
Trong báo cáo PTBV từ năm 2012, Bảo Việt đã nêu rõ quan điểm của mình: “Bảo Việt không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên, sự phát triển mất cân đối trong xã hội tạo ra các ảnh hưởng mang tính hệ thống và tác động ngược trở lại, hạn chế các hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp. Vì vậy, chiến lược PTBV của Bảo Việt tập trung vào việc thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế vững chắc trong dài hạn, kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan”.
Như vậy, mục tiêu kinh tế được xác định là mục tiêu quan trọng nhất của Bảo Việt vì việc thực hiện mục tiêu này là điều kiện cần để thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường. Việc kết hợp các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường nhằm cân bằng giữa lợi ích các bên liên quan thông qua hoạt động trong hiện tại và tương lai, nhằm đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển dài hạn và bền vững của Bảo Việt.
Ngày 16/7/2016, tại lễ trao giải “Nhãn hiệu nổi tiếng - Nhãn hiệu Cạnh tranh Việt Nam 2016”, Tập đoàn Bảo Việt lần thứ 7 được tôn vinh trong TOP10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. |
Năm 2016 là năm khởi đầu của chiến lược 5 năm (2016-2020) hướng tới một Bảo Việt có năng lực cạnh tranh quốc tế và là định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam đến năm 2020. Do vậy, Bảo Việt đã cụ thể hóa kế hoạch 2016 bằng các giải pháp đầu tư mạnh mẽ vào việc tăng cường năng lực tài chính các đơn vị thành viên, chuyển đổi mô hình đầu tư, chuyển đổi cách tiếp cận về quản trị chiến lược, thương hiệu và đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin để tạo bứt phá trên mọi mặt hoạt động.
6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 11.707 tỷ đồng, tăng trưởng 20,2% so với cùng kỳ năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 789 tỷ đồng, hoàn thành 66,3% kế hoạch năm. Doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 6.080 tỷ đồng, tăng trưởng 31,9%, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm; doanh thu từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 3.225 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ, bám sát kế hoạch cả năm. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 30/6/2016 đạt 64.364 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh khả quan đã góp phần đưa Bảo Việt duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước trong 5 năm (2011-2015). Với đặc thù là doanh nghiệp cổ phần với hơn 70% vốn Nhà nước, Công ty mẹ - Tập đoàn Bảo Việt ngoài việc nộp thuế, còn nộp vào ngân sách Nhà nước số cổ tức từ kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ tính riêng năm 2015, toàn Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt (bao gồm công ty mẹ và các đơn vị thành viên) đã kê khai và nộp cho ngân sách Nhà nước trên 1.300 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào Ngân sách Nhà nước lên đến gần 11.000 tỷ đồng.
Đóng góp cho cộng đồng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Phát triển sản phẩm vì cộng đồng: Với đặc thù sản phẩm bảo hiểm mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự sẻ chia của doanh nghiệp và khách hàng, Bảo Việt đã tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho cộng đồng thông qua việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho khách hàng có thu nhập thấp nhằm chia sẻ các gánh nặng tài chính khi gặp rủi ro về sức khỏe, tài sản... Bảo Việt đã thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ, giúp hơn 17 triệu khách hàng tiếp cận các sản phẩm tài chính thông qua các dịch vụ bảo hiểm - tài chính.
Tháng 11/2015, Bảo Việt Nhân thọ đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tên gọi Bảo hiểm hưu trí vững nghiệp. Sản phẩm nhằm bổ sung cho bảo hiểm hưu trí bắt buộc, tạo nên một hệ thống an sinh xã hội tương đối toàn diện, đầy đủ, đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo hiểm hưu trí của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thông qua việc huy động nguồn phí bảo hiểm từ người lao động và chủ sử dụng lao động, các doanh nghiệp sẽ tập hợp được nguồn vốn lớn và dài hạn, góp phần thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ là một trong bốn trọng tâm trong hoạt động cộng đồng của Tập đoàn Bảo Việt. |
Tạo việc làm, đóng góp cho sự phát triển của địa phương: Với mạng lưới hoạt động gồm 173 chi nhánh và 700 điểm giao dịch, Bảo Việt hiện có trên 6.000 cán bộ nhân viên cùng 95.000 đại lý, tư vấn viên trên toàn hệ thống. Thông qua các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ với lao động, Bảo Việt góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Năm 2015, Bảo Việt đã tuyển dụng thêm 395 cán bộ trong đó, số lượng cán bộ nữ chiếm 43%. Với chính sách quản lý và trả lương theo hiệu quả, Bảo Việt có cơ sở đánh giá và bổ nhiệm 170 cán bộ có năng lực, đồng thời thực hiện nâng lương cho 1.389 cán bộ trên toàn hệ thống.
Thực hiện trách nhiệm xã hội: Bảo Việt đóng góp cho sự PTBV của xã hội thông qua việc tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể bao gồm: Xóa đói giảm nghèo; Đầu tư cho giáo dục và thế hệ trẻ; Tri ân anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; Khắc phục hậu quả thiên tai và các hoạt động khác. Tính đến nay, Bảo Việt đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, trong đó, tập trung thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo theo chương trình 30A của chính phủ tại Quế Phong (Nghệ An) và Pắc Nặm (Bắc Kạn) và một số địa phương khó khăn khác nằm ngoài cam kết của chương trình 30A như Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Phú Yên, Kiên Giang, Bến Tre, Thái Nguyên,…
Với mục tiêu “giảm bớt tác động của nền kinh tế lên sự phát triển bất cân đối giữa các khu vực thành thị và nông thôn thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho đồng bào các tỉnh khó khăn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất để nuôi sống bản thân và gia đình”, các dự án xóa đói giảm nghèo của Bảo Việt tập trung cho xây dựng trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, đầu tư xây dựng trường học, trường bán trú dân nuôi; trang bị cơ sở vật chất cho trường học; trao quà và tặng sách vở hỗ trợ cho các em học sinh vùng cao…
Ông Phạm Ngọc Tú, Phó Giám đốc phụ trách Khối Quản lý Tài chính, Tập đoàn Bảo Việt nhận giải Nhất Báo cáo phát triển bền vững 2016. |
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, Bảo Việt đã triển khai các chương trình như 10 năm đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam trong chương trình Học bổng An sinh Giáo dục cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt; phối hợp tài trợ chương trình Vi-Olympic – cuộc thi Toán trên Internet dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có niềm đam mê toán học; ký kết hợp tác với các trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Tài chính trong công tác nghiên cứu, đào tạo và trao học bổng cho các sinh viên ưu tú.
Chung tay bảo vệ môi trường, “Hành động nhỏ cho thay đổi lớn” là chiến dịch được triển khai nhằm nâng cao ý thức của cán bộ nhân viên đối với sự thay đổi của môi trường. Các chiến dịch như Baoviet - GoGreen, hành động vì môi trường với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Cuộc thi vẽ tranh vì môi trường của con em cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống nhằm gửi gắm thông điệp “Mỗi chúng ta cùng đóng góp một bàn tay, chung sức vì một môi trường không còn ô nhiễm, khói bụi. Hãy cùng chung tay để biến giấc mơ của con em chúng ta thành hiện thực”…; Phát động chương trình 5S - Xây dựng môi trường trong sạch nơi làm việc, bảo đảm hệ thống hồ sơ, tài liệu được “Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Săn sóc - Sẵn sàng”, lưu trữ một cách khoa học giúp hiệu quả công việc, tránh được những lãng phí không cần thiết về giấy tờ, vật phẩm văn phòng tiêu thụ.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững
Vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục được vinh danh trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bảo Việt đạt được danh hiệu này. |
Như vậy, chiến lược PTBV với các mục tiêu cụ thể sẽ giúp cho doanh nghiệp định hình rõ nét hơn các hành động cần triển khai để hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, việc đánh giá kết quả hoạt động là yếu tố khác cần được xem xét để đảm bảo thực hiện chiến lược PTBV một cách hiệu quả. Việc này được thực hiện thông qua Báo cáo PTBV của doanh nghiệp bởi mục đích báo cáo PTBV là lượng hóa các kết quả hoạt động triển khai của chiến lược PTBV của doanh nghiệp.
Báo cáo PTBV là sự rà soát lại chiến lược bền vững của Bảo Việt cũng như nhìn nhận và đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện trong năm. Báo cáo được xây dựng dựa theo các tiêu chí của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu – là tổ chức mạng lưới đi đầu có khuôn khổ báo cáo bền vững được sử dụng nhiều nhất trên thế giới với cách tiếp cận toàn diện, đầy đủ và có hệ thống nhất từ trước tới nay. Hệ thống báo cáo này đã giúp Bảo Việt xây dựng các chỉ tiêu KPIs cụ thể trong từng lĩnh vực phát triển, hợp tác đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, thực hiện theo dõi đánh giá và thực hiện truyền thông một cách có hệ thống.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững diễn ra từ ngày 25-27/9/2015 tại New York (Hoa Kỳ) nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là một đối tác quan trọng trong việc hiện thực hoá các mục tiêu PTBV. Các công ty có thể đóng góp vào quá trình này thông qua những hoạt động cốt lõi của họ và Liên Hiệp quốc kêu gọi các công ty trên toàn thế giới đánh giá tác động của mình, đặt ra những mục tiêu tham vọng với quyết tâm mạnh mẽ và công bố kết quả thực hiện một cách minh bạch”. |
Thông qua việc thực hiện báo cáo bền vững, doanh nghiệp cũng nhìn nhận và đánh giá được những đóng góp về mặt xã hội và môi trường, từ đó giúp doanh nghiệp cân bằng được các yếu tố trong những hoạt động sắp tới vì mục tiêu PTBV của doanh nghiệp và xã hội.
Để PTBV có thể triển khai tại doanh nghiệp, cần có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp thông qua việc gắn kết các vấn đề bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp một cách hài hòa, phù hợp với mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua báo cáo PTBV sẽ cung cấp cho doanh nghiệp bức tranh tổng thể từ đó có những đánh giá và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với định hướng và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
ThS. ĐÀO ĐÌNH THI
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt