.
.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam:

Giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp

Thứ Năm, 17/11/2016|16:21

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Địa bàn cao su đứng chân đóng trên 29 tỉnh, thành phố từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc và hai nước bạn Lào, Campuchia với tổng diện tích cây cao su Tập đoàn đang quản lý 416.916 ha. Tập đoàn có 84 đơn vị thành viên với tổng số 87.000 lao động, trong đó trên 30.000 lao động là người dân tộc, tỷ lệ lao động nữ chiếm gần 40%. Những năm qua Đảng ủy Tập đoàn đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất  kinh doanh, tích cực thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đảng ủy Khối DNTW trao tặng Cờ cho Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2010 - 2015
Đảng ủy Khối DNTW trao tặng Cờ cho Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp và kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song Tập đoàn vẫn giữ vững được sản xuất phát triển, kinh doanh có hiệu quả; tăng trưởng, lợi nhuận khá, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo về môi sinh, môi trường. Đồng thời, góp phần vào việc giữ vững an ninh, quốc phòng và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trong cả nước; nhất là kết quả đầu tư trồng và phát triển cao su ở các tỉnh Tây Bắc, Lào, Campuchia bước đầu đã đi vào khai thác, có hiệu quả kinh tế thiết thực.

Trong các năm 2014, 2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Quy định, phê duyệt các giải pháp để tiết giảm suất đầu tư và suất đầu tư tối đa trồng và chăm sóc cao su. Thực hiện chủ trương tiết giảm suất đầu tư của Tập đoàn, các đơn vị thành viên đã trình Tập đoàn thỏa thuận suất đầu tư bình quân năm 2015 đều thấp hơn so với suất đầu tư tối đa của Tập đoàn ban hành. Tổng diện tích trồng mới, tái canh năm 2015 đã được Tập đoàn thỏa thuận suất đầu tư:  21.144,26 ha. Tổng giá trị suất đầu tư trồng mới, tái canh năm 2015 trong toàn Tập đoàn giảm 812,35 tỷ đồng so với suất đầu tư bình quân năm 2014, bình quân chung giảm 35,65%.

Cao su
Người lao động gắn bó với ngành cao su.

Hiện tại, Tập đoàn đang tiến hành đánh giá hiệu quả bước đầu việc tiết giảm suất đầu tư đến chất lượng vườn cây, cũng như tác động của việc trồng xen các loại cây trồng khác để tiếp tục có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Theo đó, trong năm 2016 Tập đoàn chỉ đạo giảm định mức nhân công so với suất đầu tư tối đa năm 2015 và năm cuối của chu kỳ KTCB thực hiện chăm sóc tối thiểu. Các đơn vị chủ động phân bổ định mức nhân công theo từng năm phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đồng thời chủ động cân đối lại lao động trong thời gian KTCB cho phù hợp với định mức này, tăng cường việc sử dụng lao động thời vụ, cơ giới hóa để giảm các khoản phải chi trong chi phí quản lý chung.

Các chỉ tiêu về hàm lượng phân bón, chi phí quản lý chung, chi phí dự phòng, đơn giá nhân công… cũng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.Đối với các vườn cây trồng từ năm 2014 trở về trước, tổng giá trị suất đầu tư được phê duyệt (phê duyệt mới hoặc điều chỉnh) theo suất đầu tư tối đa năm 2015 giảm 1.823 tỷ đồng, tương đương gần 17% so với suất đầu tư đã được thỏa thuận trước đó, trong đó chủ yếu chỉ giảm những năm còn lại tiếp tục chăm sóc, phần trồng mới, chăm sóc các năm trước đã thực hiện theo suất đầu tư cũ nên chỉ lũy kế và ghi nhận giá trị đã đầu tư. Riêng khu vực duyên hải miền Trung điều chỉnh tăng thêm 32,43 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng đã giảm 2.635 tỷ đồng /13.394 tỷ đồng, tương đương 19,67%. Nếu không thực hiện chủ trương tiết giảm suất đầu tư thì tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2015 là 3.011 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm suất đầu tư, tổng số vốn đầu tư thực hiện là 2.135 tỷ đồng, giảm 876 tỷ đồng, tương đương 29%.

Chế biến mủ cao su tại Công ty Cao su Dầu Tiếng.
Chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng.

Từ các giải pháp trên, suất đầu tư tối đa năm 2016 giảm từ 10,9% - 26,7% so với suất đầu tư tối đa năm 2015 tùy thuộc vào từng khu vực. Đến nay đã có 25/31 công ty cao su thành viên đã được Tập đoàn phê duyệt thỏa thuận suất đầu tư năm 2016 theo đúng quy định. Tổng số diện tích 14.151,64 ha đã được phê duyệt suất đầu tư năm 2016, đạt 88,89% kế hoạch trồng mới/tái canh năm 2016, trong đó gồm có 1.141,94 ha trồng mới và 13.009,7 ha trồng tái canh. Tổng suất đầu tư tiết giảm được so với suất đầu tư tối đa năm 2015 là 275,76 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ tiết giảm cao nhất là khu vực Đông Nam Bộ 26,38%, thấp nhất là khu vực Campuchia 12,16%.

Trong thời gian tới Tập đoàn sẽ tiếp tục phê duyệt thỏa thuận suất đầu tư cho diện tích còn lại theo kế hoạch thì tổng suất đầu tư tiết giảm được so với suất đầu tư tối đa năm 2015 trong toàn Tập đoàn dự kiến sẽ đạt khoảng 313 tỷ đồng.

Tích cực thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp, từ năm 2013 đến nay Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành nhiều Nghị quyết về lãnh đạo và tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg  ngày 5/01/2013, với các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Vườn cao su giống tại Công ty CPCS Bà Rịa
Vườn cao su giống tại Công ty CPCS Bà Rịa.

Trước hết, thực hiện rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính và kế hoạch thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Theo đó, Tập đoàn chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là trồng, chăm sóc và chế biến cao su; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh; tích cực tham gia bảo đảm an ninh, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Về ngành nghề kinh doanh, từ khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, Tập đoàn chỉ đầu tư vào ngành, nghề kinh doanh chính: Trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; Công nghiệp cao su; Đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp trên đất cao su của Tập đoàn chuyển đổi theo quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt. Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính: Đầu tư tài chính và kinh doanh vốn Nhà nước giao Tập đoàn; Tổ chức nghiên cứu, tư vấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su, cây rừng trồng.

Quá trình hình thành và phát triển Tập đoàn trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Quyết định thành lập đầu tiên trước ngày giải phóng miền Nam là Ban Cao su Nam bộ, tháng 4/1975 chuyển thành Tổng cục Cao su thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 7/1977 chuyển thành Tổng Công ty Cao su Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp; tháng 3/1980 chuyển thành Tổng cục Cao su trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng; đến năm 1989 chuyển thành Tổng Công ty Cao su Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm; từ 1995 chuyển sang tổ chức hoạt động theo mô hình Tổng Công ty 91 và từ tháng 10/2006 Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 249/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và ngày 25/6/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 981/QĐ-TTg chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đối với việc sắp xếp các đơn vị thành viên hiện có giai đoạn 2011-2015: Duy trì Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các đơn vị trong cơ cấu Công ty mẹ - Tập đoàn (4 đơn vị: Viện Nghiên cứu Cao su, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nghiệp vụ Cao su, Tạp chí Cao su VN, Trung tâm Y tế Cao su). Duy trì 22 Công ty TNHH MTV do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ. Duy trì 18 Công ty cổ phần (thuộc ngành kinh doanh chính) do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Duy trì 20 Công ty cổ phần (thuộc ngành kinh doanh chính) do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Đã sáp nhập Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam vào Công ty mẹ -Tập đoàn.

Trên cơ sở Điều lệ Tập đoàn và các văn bản pháp quy có liên quan, Tập đoàn hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý nội bộ. Chuẩn hóa các quy trình quản lý nội bộ,chuẩn hoá các hệ thống báo cáo  phù hợp với yêu cầu quản lý của Tập đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước, tận dụng tối đa công nghệ thông tin và các tiến bộ trong công nghệ thông tin vào quản lý theo khả năng tiếp nhận trong toàn Tập đoàn, đã hoàn thành chương trình quản lý thống kê, quản lý dự án, văn phòng điện tử, họp trực tuyến, ... các chương trình này hoàn thành trong năm 2015.

Theo Đề án tái cơ cấu được duyệt, Tập đoàn không thực hiện cổ phần hoá các đơn vị thành viên trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 06/3/2014 của Chính phủ về việc đẩy mạnh cổ phần hoá, Tập đoàn đã trình cổ phần hoá 05 công ty cao su gồm Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bà Rịa, Tân Biên trong năm 2015 và đã được Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 9843/VPCP- ĐMDN ngày 09/12/2014. Đến nay Tập đoàn đã hoàn thành việc cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV cao su Tân Biên và Bà Rịa vào ngày 11/03/2016.

Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có tổng vốn đầu tư trên 630 tỷ đồng, với 2 dây chuyền thiết bị hiện đại công nghệ Châu Âu, công suất gần 6.000 tấn sản phẩm chỉ sợi/năm, được khánh thành vào ngày 24/3, tại Khu Công nghiệp Dầu Giây, Đồng Nai.
Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo của Tập đoàn Cao su Việt Nam có tổng vốn đầu tư trên 630 tỷ đồng, với 2 dây chuyền thiết bị hiện đại công nghệ Châu Âu, công suất gần 6.000 tấn sản phẩm chỉ sợi/năm, được khánh thành vào ngày 24/3/2016, tại Khu Công nghiệp Dầu Giây, Đồng Nai.

Đối với việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phương án thoái vốn cho 24 công ty ngoài ngành chính tại Quyết định số 3369/QĐ-BNN-ĐMDN. Theo Quyết định, Tập đoàn sẽ thoái vốn ở 24 đơn vị, và tính đến 31/12/2015, toàn Tập đoàn đã thực hiện thoái vốn tại các đơn vị ngoài ngành chính thu về 1.447,38  tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 1.230,19 tỷ đồng). Trong đó riêng năm 2015, Tập đoàn thoái vốn được 552,72 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách là 457,690 tỷ đồng). Trong 8 tháng đầu năm 2016, Tập đoàn đã thực hiện với tổng giá trị thu hồi 258,677 tỷ đồng trên giá vốn 189,27 tỷ đồng.

iNhà máy
Dây chuyền II - Công ty CP Gỗ MDF Geruco Quảng Trị.

Hiện tại Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình quy định. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã trình Bộ NN&PTNT, Bộ cũng đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, được phê duyệt theo văn bản số 2296/TTg-ĐMDN ngày 16/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ cổ phần hoá đồng thời Công ty Mẹ Tập đoàn cùng 20 đơn vị thành viên và 4 đơn vị sự nghiệp. Theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp & PTNT, sau khi hoàn tất công tác xác định và công bố giá trị doanh nghiệp, việc phê duyệt phương án cổ phần hóa được tiến hành trong quý IV/2016 đến quý I/2017; Tổ chức thực hiện phương án CPH: quý I-2017. Dự kiến thời gian hoàn thành việc cổ phần hóa là 18 tháng theo quy định, trong trường hợp có vướng mắc, sẽ xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

Phát huy truyền thống của ngành Cao su Việt Nam, những năm qua Đảng ủy Tập đoàn lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương giảm suất đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất  kinh doanh, tích cực thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp. Lãnh đạo Tập đoàn vượt qua khó khăn, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sát tình hình thực tế, giải quyết ổn định việc làm và đời sống cho người lao động; xây dựng giải pháp giảm suất đầu tư, tiết giảm chi phí để đảm bảo có lợi nhuận, thực hiện công tác an sinh xã hội nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác an ninh, quốc phòng, bảo quản an toàn máy móc thiết bị và tài sản hàng hóa của các đơn vị, phòng chóng cháy nổ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và vùng biên giới có đơn vị cao su đứng chân, góp phần xây dựng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

                                                                                                 VÕ SỸ LỰC                                                                                                                        Chủ tịch HĐTV Tập đoàn CN Cao su Việt Nam

.
.
.
.