Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi là phải tập trung tổng lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và việc này thực chất là lo công ăn việc làm cho người lao động.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác liên ngành để đánh giá “sức khỏe” doanh nghiệp (DN), từ đó sớm có những giải pháp phù hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Sẽ triển khai nhiều giải pháp
Đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội quý I/2012, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI0 tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,55% so với cuối năm 2011. Dự kiến tháng 4 này CPI chỉ tăng dưới 0,1%.
Tuy nhiên, tình hình những tháng đầu năm 2012 vẫn đang nổi lên các khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ và quý IV/2011. Lãi suất tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tại diễn đàn kinh doanh giải pháp thị trường do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 19/4, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng cho rằng, thanh khoản ngân hàng, thanh khoản nền kinh tế gặp nhiều khó khăn làm cho DN phá sản ngày càng nhiều.
Trong quý I/2012, việc kiềm chế lạm phát đã thành công theo đúng mục tiêu đặt ra, tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
Theo ông Kiêm, vẫn phải chống lạm phát, đảm bảo mục tiêu 8-9% vì nếu xuống quá thấp hay quá cao đều nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là giảm lạm phát mà còn phải đẩy mạnh sản xuất để giảm bớt khó khăn cho DN, tạo thêm thời cơ cho DN trụ lại, vượt qua để phát triển. Để làm được điều này, ông Kiêm cho rằng phải có sự điều chỉnh về chính sách cũng như quan điểm chỉ đạo.
Về một số chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các DN, theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, có hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp cho DN, trong đó bao gồm các phương án như giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho DN và kéo lãi suất đi xuống.
Nhóm giải pháp thứ hai sẽ tập trung vào việc kích cầu, tăng sức mua ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay khác hẳn năm 2009 nên các biện pháp hỗ trợ không phải là một gói mạnh mẽ như năm 2009. Trong một số trường hợp chúng ta cũng cần phải chấp nhận trả giá để thay đổi cơ cấu phát triển DN trong thời gian tới.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp, quan trọng nhất là phải tạo điều kiện để DN tiếp cận được vốn tín dụng. Điều này trước hết đòi hỏi phải thực hiện việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN... Sau khi nợ cũ được khoanh lại, từng DN sẽ được xem xét để cho vay, trong đó ưu tiên cho DN vừa và nhỏ, cho nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu...
Với nhóm giải pháp kích cầu, đó là cho vay tiêu dùng, giảm thuế VAT đối với một số mặt hàng, hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với an sinh xã hội với những vùng khó khăn, có thu nhập thấp...
Đặc biệt với lĩnh vực bất động sản, Nhà nước có thể bỏ tiền mua lại một số dự án thích hợp, vừa tạo thanh khoản cho thị trường vừa bổ sung một số dự án vào quỹ nhà ở xã hội.
Chính quyền và doanh nghiệp cùng vào cuộc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết đã “thành lập một tổ công tác để có đánh giá chính xác về những khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp về tài chính để tháo gỡ”.
Tổ công tác này gồm đại diện của Viện Chiến lược tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Tài chính DN, Vụ Ngân sách, Ủy ban Chứng khoán… Số liệu tập hợp từ DN để phân tích sẽ được chốt đến hết quý I/2012.
Bộ Tài chính là sẽ tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ cơ chế chính sách, vốn, tài chính cho DN. Hiện nay, DN tiếp tục được dãn thuế trong 6 tháng đầu năm 2012. Bộ Tài chính đang xem xét khả năng dãn thuế, miễn thuế trình Chính phủ để đưa vào nội dung kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII.
Quan điểm của Bộ Tài chính là phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ cơ chế chính sách, vốn tài chính cho doanh nghiệp. Nhưng hỗ trợ phải có địa chỉ, chỗ nào khó khăn thì mới được hỗ trợ.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần 9 chiều 13/4, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP - nhấn mạnh nhiệm vụ cốt lõi tới đây là phải tập trung tổng lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và việc này thực chất là lo công ăn việc làm cho người lao động. Cần tập trung phát huy tối đa các công cụ hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ lãi vay.
Ông Lê Thanh Hải gợi ý nên có những tổ công tác của UBND TP đến trực tiếp cơ sở, quận huyện... để giải quyết nhanh chóng, rốt ráo những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Trước đó, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội quý I/2012, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị phải làm mọi cách để duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng DN làm ăn đình đốn, thua lỗ, đồng thời yêu cầu tất cả quận, huyện và sở, ngành phải vào cuộc để tổng kiểm tra “sức khỏe” của DN.
Công Trí/ Chinhphu.vn