Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền lớn hơn Tổng giám đốc
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh khẳng định điều này trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời, phát trên VTV1, tối 25/11.
Bộ trưởng Bùi Quang Vin |
Nâng cao hiệu quả đồng vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty luôn là vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm. Đây cũng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và các Bộ, ngành đang ráo riết theo đuổi. Một hành lang pháp lý mới vừa được ban hành liệu sẽ phát huy hiệu quả như thế nào trong thời gian tới? Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh trả lời phỏng vấn trên VTV1, tối 25/11, về vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, nói đến hiệu quả đồng vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty, ông nghĩ ngay đến những từ nào trong những từ sau đây: cao, trung bình, rất thấp, không có hiệu quả?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Nói một câu thì quả thực không hết ý, nhưng nếu phải chọn trong 4 từ trên, tôi chọn từ cuối cùng, nhưng muốn chữa thành “chưa hiệu quả”.
PV: Ông chọn từ “chưa hiệu quả”, ắt có lý do của nó?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có thể nói, trong thời điểm này, theo báo cáo gần đây nhất mà Chính phủ gửi cho Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vừa qua đã thống kê có rất nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có số nợ trên vốn chủ sở hữu của mình rất lớn và kinh doanh cũng không hiệu quả. Điều đó chúng ta cảm thấy rất đau xót. Nhưng bên cạnh đó, có những Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động rất hiệu quả. Ví dụ, đó là tập đoàn Viettel của quân đội, và không phải chỉ riêng Viettel mà còn một số tập đoàn nữa. Như vậy, khi chúng ta đánh đồng tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty đều sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả thì oan cho họ. Cho nên, tôi nói là “chưa hiệu quả”.
PV: Thưa Bộ trưởng, một số Tập đoàn, Tổng công ty như Vinashin, Vinalines, các Bộ, ngành đã kiểm điểm, nhưng đến bây giờ vẫn chưa rõ trách nhiệm. Nguyên nhân là cho đến giờ vẫn chưa có phân định cụ thể về trách nhiệm cho từng Bộ. Vậy thời gian tới, những hạn chế này sẽ được khắc phục như thế nào?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng là trong thời gian trước đây, nhất là thời điểm năm 2005, chúng ta đã quá nhấn mạnh đến quyền tự chủ của doanh nghiệp, trong khi chúng ta chưa có đủ luật lệ, những quy định, chế tài cần thiết để quản lý nó trong điều kiện mới như vậy. Cho nên, thực sự việc phân công trách nhiệm của bộ quản lý ngành, các bộ tổng hợp đối với hoạt động của các doanh nghiệp có nhiều khâu không chặt chẽ, thậm chí không rõ ràng.
Vừa qua, sau nhiều lần soạn thảo và đã xin ý kiến Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã cho hoàn thiện và xin ý kiến Chính phủ để ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 132, đó là Nghị định 99/2012 ban hành ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Doanh nghiệp Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đây là Nghị định mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 30/12/2012.
Tại Nghị định này, đã có những bổ sung, sửa đổi, thậm chí thay thế rất nhiều so với Nghị định 132 trước đây. Trong Nghị định lần này phân định rất rõ Bộ quản lý ngành sẽ là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên của doanh nghiệp và là người chịu trách nhiệm và là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và việc chấp hành pháp luật tại doanh nghiệp. Cho nên, họ có rất nhiều trách nhiệm, quyền hạn trong việc đề xuất Chính phủ thực hiện 4 quyền của Thủ tướng đồng thời tự mình thực hiện các quyền, trách nhiệm khác, ví dụ bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, bổ nhiệm tổng giám đốc, duyệt các kế hoạch hằng năm.
PV: Thưa Bộ trưởng, cố ý làm trái là một hành vi khá phổ biến trong các vụ việc sai phạm vừa qua. Liệu Nghị định 99 có rào cản nào để hạn chế các hành vi này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Rút kinh nghiệm các bài học trước đây đã xảy ra, trong Nghị định 99 lần này đã đưa ra nhiều giải pháp để có tính ngăn chặn. Ví dụ, quy trình xem xét, thẩm định để bổ nhiệm cán bộ cũng hợp lý hơn. Chẳng hạn, Thủ tướng chỉ có thể bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, còn lại Tổng giám đốc phải là Bộ quản lý ngành vì theo sát hơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngang bằng với Tổng giám đốc để làm cho quản lý bị rối. Cho nên, lập tức có cấp trên cấp dưới, Chủ tịch Hội đồng quản trị cấp trên là cấp trên của Tổng giám đốc.
Trong các vấn đề về quản lý vốn, ngoài Bộ quản lý ngành được giao theo dõi sát từng dự án đầu tư, thì có các bộ quản lý tổng hợp. Ví dụ, Bộ Tài chính phải xem xét cụ thể về tiêu chí và cách thức quản lý, sử dụng đồng vốn đầu tư thế nào, hằng năm đều có kiểm toán, đánh giá.
PV: Bộ Kế hoạch - Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định 99, Bộ trưởng cảm thấy thực sự hài lòng và tự tin với công cụ pháp lý mới này hay chưa?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Lựa chọn một phương án nào để thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước là không đơn giản. Chính vì thế, đây là Nghị định được trăn trở nhiều nhất. Theo tôi biết, suốt từ 2010 đến nay, 8 lần trình lên Thủ tướng Chính phủ, 3 lần trình sang Bộ Tư pháp để thẩm định, phê duyệt nhưng lại phải làm lại vì có rất nhiều trăn trở, ý kiến khác nhau. Vừa rồi, Chính phủ phải trình ra Ban Chấp hành Trung ương để tham khảo ý kiến trước khi quyết định. Nhưng khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI vừa qua, cũng còn hai luồng ý kiến khác nhau. Thực lòng, tôi chưa thực sự thấy việc này đã hoàn tất. Trước mắt, để kịp thời chấn chỉnh và quản lý tốt hơn, ngăn chặn các sai phạm xảy ra tiếp tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, Nghị định 99 ngay lập tức được ra đời để thực hiện tăng cường quản lý trong thời gian trước mắt. Song song với việc đó, phải tiếp tục nghiên cứu một mô hình mới, mô hình này chúng tôi đã dự thảo thành lập Ủy ban cấp Nhà nước hoặc Bộ chuyên ngành gọi là “Bộ Quản lý Nhà nước” hoặc Ủy ban Quản lý doanh nghiệp nhà nước.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.
Hà Trần/VOV online
Theo VTV1