Tập trung xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế
Năm 2013, nền kinh tế vẫn đối mặt khó khăn
Việt Nam cần tập trung giải quyết hai nhiệm vụ quan trọng: Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế |
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam cũng rơi vào bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, có 3 yếu tố tác động đến tình hình kinh tế Việt Nam. Đó là: Các cú sốc (cả trong lẫn ngoài); Không gian chính sách nhìn chung bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc lựa chọn chính sách. Trong khi đó, ở một số thời điểm, phản ứng chính sách của Chính phủ không hợp lý; Cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và cơ cấu các thành phần kinh tế) kém hiệu quả.
Với bối cảnh đó, ông Tuyển nhận định: Kinh tế Việt Nam năm 2013 vẫn phải đối mặt với những khó khăn từ bên ngoài và những khó khăn do những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Vì vậy, mục tiêu tổng quát đặt ra cho năm 2013 là: Tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Triển khai mạnh mẽ ba đột phá chiến lược, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Dẫn lại các chỉ tiêu cụ thể, ông Tuyển cho biết: Tăng trưởng GDP khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 10-12%, nhập siêu 10-12% kim ngạch xuất khẩu; Bội chi ngân sách 4,8%; CPI tăng khoảng 8%, phấn đấu thấp hơn năm 2012…
Với các chỉ tiêu này, theo ông Tuyển, “phải phấn đấu cao mới thực hiện được, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và sự bất ổn về cơ cấu trong nước hiện nay. Cần tập trung giải quyết hai nhiệm vụ quan trọng: Xử lý nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế”.
Cần đảm bảo 3 tiền đề của tái cấu trúc nền kinh tế
Để cải thiện thực trạng khó khăn nêu trên, theo ông Tuyển, tái cấu trúc nền kinh tế là một việc làm cấp bách. Tuy nhiên, để có thể tái cấu trúc, phải bảo đảm các tiền đề, gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô; Hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết việc phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất và quản lý.
“Đây chính là sức cạnh tranh dài hạn của một quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Thể chế chất lượng cao cùng với chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ là tiền đề để một nền kinh tế cất cánh và vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình”- ông Tuyển nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế) cũng là yếu tố hỗ trợ quá trình tái cơ cấu.
Thực hiện tái cấu trúc, ông Tuyển dẫn các nội dung cụ thể, gồm: Tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ; tái cấu trúc doanh nghiệp; điều chỉnh chiến lược thị trường.
Theo đó, tái cấu trúc các ngành sản xuất và dịch vụ theo định hướng: Một là, tái cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp: Chuyển từ một ngành công nghiệp gia công, lắp ráp sang phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tham gia vào những cộng đoạn có giá trị gia tăng cao trong mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Qua đó mà mở rộng thị trường, bảo đảm tăng trưởng.
Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn; Đưa công nghiệp và khoa học công nghệ tác động vào nông nghiệp; Gắn việc áp dụng khoa học công nghệ với tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất hàng hoá lớn; Gắn kết các công đoạn trong quá trình từ sản xuất, chế biến đến phân phối trong một chuỗi giá trị bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị đó.
Ba là, tái cơ cấu các ngành dịch vụ: Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bảo đảm sự vận hành hiệu quả, an toàn của các dịch vụ này, đặc biệt là dịch vụ tài chính.
Về tái cấu trúc doanh nghiệp, theo ông Tuyển, phải theo các nội dung: Xác định chiến lược sản phẩm gắn với việc lựa chọn thị trường mục tiêu; Lập kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh (Áp dụng công nghệ sản xuất mới và công nghệ quản lý mới, phát triển nguồn nhân lực; Thay đổi cấu trúc tổ chức phù hợp với sự thay đổi công nghệ và thị trường; Phát triển văn hoá doanh nghiệp. Chú ý tạo ra sự khác biệt).
Bên cạnh đó, ông Tuyển còn cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp cần kết hợp với điều chỉnh chiến lược thị trường. Theo đó, chính sách thương mại phải đặt trong tổng thể chiến lược hội nhập, kết hợp yêu cầu thuận lợi hóa thương mại (tại biên giới và sau biên giới) với chính sách đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, và cơ chế điều tiết thị trường phù hợp với các định chế hội nhập. Đồng thời, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và xâm nhập vào chuỗi giá trị chứ không chỉ là xuất khẩu vào từng nước riêng lẻ; Tạo lập thị trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên; Mở rộng thị trường nội dịa, hình thành chuỗi cung ngay trên thị trường trong nước. Coi trọng thị trường nông thôn; Xây dựng các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng; phát triển các trung tâm bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Tuyển nhấn mạnh 3 nội dung cấp bách của tái cấu trúc, gồm: Tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; Tái cấu trúc các định chế tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Lựa chọn các nội dung này, bởi vì đây là khu vực sử dụng nguồn lực lớn nhưng hiện đang kém hiệu quả và sẽ tạo tiền đề thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế./.
Theo VOV