.
.

Thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu

Thứ Ba, 11/12/2012|13:51

 

Trong hai năm 2011 và 2012, nước ta giảm tổng cộng 16 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố. Dù rằng đây chỉ là một bảng xếp hạng mang tính tham khảo, nhưng sự tụt hạng mạnh như vậy cũng là con số mà cấp điều hành vĩ mô cần phải quan tâm vì liên quan đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì trước hết phải thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

tcc
                                                              Ảnh minh họa.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012 - 2013 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố là kết quả khảo sát 144 nền kinh tế dựa trên bộ 12 tiêu chí, thì Việt Nam được xếp ở hạng 75, vị trí thấp nhất kể từ khi tham gia xếp hạng. So với năm 2012, năm nay Việt Nam giảm 10 bậc, xuống thứ 75 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu – là vị trí thấp nhất kể từ khi tham gia xếp hạng. Như vậy, trong 2 năm qua, nước ta đã giảm 16 bậc xếp hạng năng lực cạnh tranh. Có nhiều nguyên nhân được cho là đã làm năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta giảm sút. Trước hết là do những khó khăn của nền kinh tế nên khi nước ta đạt được thành công này thì lại xuất hiện những vấn đề khác. Trong khi đó, một yếu tố quan trọng để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh lại chưa được các doanh nghiệp trong nước phát huy, đó là một nền công nghiệp phụ trợ, đó là việc doanh nghiệp trong nước tận dụng liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, không nên hài lòng với con số kim ngạch xuất khẩu mà cần chú ý nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, phát triển được thị trường đã lựa chọn.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với nhiều đối thủ trên thế giới khi ở thị trường xuất khẩu cũng như trên sân nhà khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cho mình những ngành hàng và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa những giá trị doanh nghiệp, vì sự lựa chọn của khách hàng.  Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trước khi ra thị trường, doanh nghiệp phải điểm lại mình mạnh về sản phẩm gì, có thể phục vụ đối tượng khách hàng nào và thực hiện nhiều công cụ phân tích về thị trường. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên cần phân tích rõ những ưu điểm nội tại để xác định đúng hướng.

Đó là một phần câu chuyện của doanh nghiệp nước ta. Còn nhìn về góc độ điều hành vĩ mô, sự tụt hạng cạnh tranh này ở góc độ nào đó cũng cần có sự nhìn nhận thấu đáo. Ví dụ như nhiều tập đoàn hàng đầu khác của thế giới đã chọn Việt Nam vì chất lượng lao động, cho thấy năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của nước ta đã dần được cải thiện. Nhưng dường như trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước trên thế giới do thu hẹp sản xuất đã thừa một lượng lớn nguồn lao động. Vì vậy theo các chuyên gia, Việt Nam cần có chiến lược đào tạo nhân lực theo hướng chuyên môn cao, nhất là đáp ứng cho các ngành công nghệ thông tin mới có thể tồn tại được.

Và để nâng cao thực sự năng lực cạnh tranh, các chuyên gia nước ngoài cho rằng, trước hết phải làm tốt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Biện pháp này sẽ giúp tạo vốn và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, đưa ra những sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, cần nhanh chóng thực hiện đầu tư công hiệu quả, tăng cường nguồn lực của vốn khu vực tư nhân, cải thiện cơ sở hạ tầng tốt để tiếp tục thu hút doanh nghiệp vào các khu công nghiệp. Điều quan trọng hơn cả là thể chế phải rõ ràng, minh bạch. Giám đốc châu Á, Trung tâm hợp tác và Phát triển của OECD Kensuke Tanaka cho biết, để tăng khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần đưa ra những biện pháp để bảo đảm tăng trưởng xanh, nhất là phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính ...

Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội được xếp hạng năng lực cạnh tranh cao hơn trong năm tới do điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang đi đúng hướng. Nước ta đang nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đã đạt được những bước đi hiệu quả. Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã được phê duyệt và đang được triển khai. Một số bước đi cụ thể là giảm số tập đoàn kinh tế, ban hành quy định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Những biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác. Từ đó, giúp khôi phục nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại nước ta.

Theo ĐBND
.
.
.
.