3 năm thực hiện Nghị quyết 30a: ĐỔI THAY LỚN TẠI CÁC HUYỆN NGHÈO NHẤT NƯỚC
Sau 3 năm, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được huy động để thực hiện Nghị quyết 30a, tạo nên những đổi thay lớn, mạnh mẽ tại các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. |
Ngày 16/12, Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các tỉnh, thành phố và một số huyện nghèo. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị. Mỗi năm giảm 5% hộ nghèo Tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a kể từ năm 2008 là 8.535 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư chiếm hơn 80%, còn lại là vốn sự nghiệp. Bình quân mỗi huyện được bố trí 130 tỷ đồng. Năm 2011, trong điều kiện rất khó khăn, Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí 3.695 tỷ đồng cho 62 huyện nghèo, tăng gần 2 lần so với năm 2010. Theo quy định của Chính phủ, những danh mục vốn cho Nghị quyết 30a không bị cắt giảm khi thực hiện Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các chương trình, dự án khác, các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương trên địa bàn ưu tiên bố trí khoảng 22 ngàn tỷ đồng cho 62 huyện nghèo trong 3 năm. Hưởng ứng chính sách của Chính phủ, 40 Tập đoàn, Tổng Công ty và doanh nghiệp Nhà nước nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo lâu dài, đóng góp nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với tổng số tiền 2.024 tỷ đồng. Năm 2011, các doanh nghiệp đã giải ngân 400 tỷ đồng. Các địa phương cho biết, nếu không có Nghị quyết 30a, hàng năm mỗi huyện chỉ có bình quân khoảng 20 - 25 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương, các dự án... để thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết 30a, nguồn vốn đầu tư hàng năm tăng lên đáng kể, khoảng trên 60 tỷ đồng. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 37%, giảm bình quân 5%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra (4%/năm). Thu nhập bình quân đầu người của các huyện tăng từ 2,5 lần, từ 2,5 triệu đồng người/năm (năm 2006) lên 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2010. Đặc biệt, các lao động thuộc 62 huyện nghèo được đưa đi làm việc tại nước ngoài nay đã bắt đầu gửi tiền về cho gia đình, giúp nâng cao đáng kể đời sống nhân dân. Tổng nhu cầu nhà ở cần hỗ trợ trên địa bàn 62 huyện nghèo là gần 100 ngàn căn. Theo thống kê, bằng việc kết hợp nhiều nguồn kinh phí, các huyện đã cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, đạt tỷ lệ 97,27%. Tuy nhiên, hạn chế về nguồn lực, bố trí vốn chậm... cũng được ghi nhận là khó khăn lớn nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết 30a tại các địa phương. Quy hoạch tốt để phát triển bền vững Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại các huyện nghèo phải được thực hiện xong ngay trong năm 2012
Trong số kiến nghị được các địa phương, đại diện các Bộ, ngành nêu ra tại buổi làm việc, vấn đề quy hoạch phát triển của từng huyện nghèo được các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn đặc biệt quan tâm. Tuy đã được tập trung chỉ đạo thực hiện, đến nay chỉ mới 34 huyện nghèo được phê duyệt quy hoạch theo các mục tiêu của Nghị quyết 30a. Thực tế tại địa phương, nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện không theo thứ tự ưu tiên, dẫn đến không thể sử dụng được hoặc ít phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tỷ lệ giảm nghèo là khá ấn tượng nhưng chưa nhanh và ít bền vững. Các địa phương nêu thực tế, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các Tập đoàn, người dân có thể có được căn nhà tương đối khang trang, nhưng trong nhà không có gì cả, như vậy là chưa thực hiện được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng tình với những ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong kết luận cuộc họp đã coi công tác quy hoạch là "cái gốc" của phát triển bền vững, đầu tư không theo quy hoạch sẽ rất lãng phí. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực phải được thực hiện xong ngay trong năm 2012. Đề nghị trong thời gian tới cần kiên trì thực hiện Nghị quyết 30a, Phó Thủ tướng khẳng định, "nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các huyện nghèo là ưu tiên số 1". Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ kiên trì mục tiêu tăng đầu tư cho xóa đói giảm nghèo từ 2,5 đến 2,7 lần đầu tư phát triển, trong đó các huyện nghèo được đầu tư cao hơn. 3 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH đã giúp cho bà con và đồng bào các dân tộc thiểu số tại 62 huyện nghèo cả nước giảm nghèo nhanh, bền vững, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ, ngành rà soát, bổ sung những cơ chế chính sách đã ban hành; tiếp tục bổ sung những chính sách còn thiếu; điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp như chính sách hỗ trợ người dân chăm sóc rừng, khai hoang... Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương coi thực hiện Nghị quyết 30a là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; chú trọng công tác lồng ghép các chương trình an sinh xã hội; tổng kết các mô hình hỗ trợ hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty từ đó sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế... Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các địa phương cần chú trọng chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, kịp thời nắm tình hình của đồng bào, không để bà con bị đói, rét. Xuân Tuyến |