Khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng: Bảo đảm hài hòa giữa an ninh lương thực và an ninh năng lượng
Chiều 23/2, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012.
Tại cuộc họp báo, một trong nhiều vấn đề được báo chí quan tâm là việc quy hoạch thăm dò và khai thác than tại bể than Đồng bằng sông Hồng liệu có ảnh hưởng tới vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt khi mà 3,8 triệu ha đất để dành trồng lúa đã được Chính phủ phê duyệt.
Khẳng định việc xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác than tại bể than Đồng bằng sông Hồng được tính toán kỹ, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng cho biết, quá trình xây dựng các đề án khai thác than ở Đồng bằng sông Hồng đã đề xuất giải pháp về công nghệ, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Hồng.
Vì là quy hoạch ngành nên bước đầu mới chỉ xác định định hướng mang tính tổng thể, các giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng và phê duyệt khi xây dựng các dự án đầu tư cụ thể
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, bể than Đồng bằng sông Hồng ngoài việc hoàn thành quy hoạch, hiện Chính phủ cũng đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đánh giá lại chính xác trữ lượng than cũng như đề xuất giải pháp để khai thác trong tương lai.
Theo quy hoạch, bể than Đồng bằng sông Hồng phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc khối Khoái Châu- Tiền Hải .
Trong kế hoạch 2012-2015 thăm dò một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất mỏ phù hợp để đầu tư khai thác thử nghiệm, trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than Đồng bằng sông Hồng và kết quả triển khai dự án thử nghiệm, sẽ tiến hành thăm dò mở rộng.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết thêm, việc khai thác sẽ được triển khai với bước đi thận trọng từ nhỏ đến lớn để đảm bảo lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.
Trước mắt, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn lựa chọn khu vực có tiềm năng về trữ lượng, có điều kiện khai thác thuận lợi và ít ảnh hưởng đến môi trường để triển khai các dự án thử nghiệm.
Trên cơ sở các dự án thử nghiệm sẽ xem xét mở rộng quy mô với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo năng lượng quốc gia.
Liên quan đến các giải pháp thu xếp nguồn than cho nền kinh tế, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong việc xây dựng quy hoạch ngành than lần này chú trọng việc xuất, nhập khẩu than hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và bằng các biện pháp điều tiết, đồng thời điều hành nâng cao tối đa sản lượng khai thác trong nước đối với bể than Đông Bắc trong điều kiện kỹ thuật cho phép .
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang triển khai một loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bao gồm chỉ đạo Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam chủ động mở rộng tìm kiếm đối tác nước ngoài chuẩn bị cho công tác nhập khẩu than từ năm 2015 với tư cách đầu mối chịu trách nhiệm về cung cấp đủ nguồn than cho phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài ra các cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu than cũng đang được chuẩn bị.
Báo Chính Phủ