Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Bước vào đổi mới (1986) dân số nước ta là 59.872.000 người, đến năm 1997 (sau 11 năm) là 76.709.000 người (tăng 16.837.000 người, bình quân một năm dân số nước ta ở thời kỳ này tăng hơn 1,5 triệu người); trong đó lực lượng lao động từ 27.398.000 người (năm 1986) lên 36.994.000 (năm 1997)(1). Năm 2000, dân số nước ta là 77.658.500 người, tăng 1.080.000 người(2). Tốc độ tăng dân số cao và liên tục nên nguồn nhân lực nhanh chóng tăng. Năm 2000, Tổng cục Thống kê đã dự báo “Sau năm 2000, tốc độ gia tăng lao động của nước ta ở mức 3%/năm. Dân số nước ta được xếp loại dân số trẻ”. Kết qủa tổng điều tra dân số và việc làm cho thấy dân số chưa đến độ tuổi lao động (dưới 15 tuổi) chiếm 40,4%, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (19-59 tuổi) là 51,5% và ngoài độ tuổi lao động là 8,1%. Số lao động đang làm việc hiện nay là 38,5 triệu người, gần bằng 50% dân số(3). Có thể thấy, trong thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nguồn lao động luôn luôn tăng đòi hỏi phải được đào tạo, sử dụng. Chúng ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với quy mô dân số đông, lực lượng lao động dồi dào, đó là sức mạnh, là yếu tố cơ bản để phát triển nhanh. Song, với điểm xuất phát thấp, nguồn vốn nhỏ bé, trình độ công nghệ vừa thiếu vừa lạc hậu, hạ tầng kém… thì một khi nguồn lao động đã dư thừa lại tăng với tốc độ nhanh sẽ gây sức ép lớn về việc làm. Tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm là vấn đề được Đảng ta đặc biệt quan tâm giải quyết.
Về cơ cấu nguồn nhân lực, thực tế phản ánh trình độ phân công lao động thấp kém của một nền nông nghiệp lạc hậu. Lao động trong nông nghiệp chiếm tới 73%, trong khi công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 27% (1997). Cơ cấu lao động được đào tạo giữa các ngành, các vùng và giữa các bậc có sự chênh lệch. Dân số nông thôn chiếm gần 80% dân số cả nước, nhưng chỉ chiếm 47,38% lực lượng lao động được đào tạo trong cả nước. Trong 73% số lao động làm việc trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp số người được đào tạo chiếm 7%(4). Số lao động có trình độ cao cũng được phân bố không hợp lý, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác. Khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mặc dù được quan tâm đào tạo, song năm 1997, lao động trí tuệ nước ta mới chiếm 7,9%, lao động chân tay là 92,1%.
Về trình độ của lực lượng lao động, năm 1997, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chiếm 14,3%, nhưng cơ cấu bậc học, cơ cấu ngành nghề không hợp lý. Trình độ lao động qua đào tạo ở các bậc là: trên đại học 0,3%; đại học và cao đẳng là 20,1%; trung học chuyên nghiệp là 35,8%; công nhân kỹ thuật có bằng cấp là 24,4%; công nhân kỹ thuật không có bằng cấp là 19,4%. Năm 2002, nước ta có khoảng 900.000 lao động có trình độ cao đẳng trở lên (chiếm 2,43% lực lượng lao động xã hội). Trong đó, số người có trình độ trên đại học khoảng 10.000 người (chiếm khoảng 0,027% lực lượng lao động xã hội)(5). Điều này cho thấy, khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nguồn nhân lực nước ta chất lượng còn rất thấp, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1996), tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua, một lần nữa Đảng ta khẳng định: “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”(6).
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đại hội VIII của Đảng khẳng định với tính chất là chiến lược thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực càng được chú trọng. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp phát triển mang tính cách mạng sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nó không phải do bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào mang lại mà là sự nghiệp của quảng đại quần chúng với tư cách là nguồn lực quyết định. Nguồn lực cơ bản, to lớn, quyết định này phải có hàm lượng trí tuệ, phẩm chất ngày một cao mới có thể đáp ứng được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa to lớn này. Đại hội VIII của Đảng khẳng định: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”(7).
Nhân lực lại càng là yếu tố số một, là nguồn cội, động lực chính tạo nên lực lượng sản xuất - nhân tố quyết định tốc độ và sự phát triển bền vững của phương thức sản xuất mới ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế. Vì thế, muốn đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách bền vững không thể không chăm lo phát triển con người. Đảng ta xác định rất rõ rằng, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Phát triển trí tuệ của người Việt Nam được thể hiện qua các chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục đào tạo được xác định là “quốc sách” hàng đầu với nhiều hình thức đa dạng để mọi người được học, nhất là người nghèo, con em diện chính sách. Ngành giáo dục đào tạo, nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực từng bước khắc phục những yếu kém để chất lượng nguồn nhân lực ngày một nâng lên. Cùng với đổi mới về nội dung giáo dục theo hướng cơ bản, hiện đại, ngành giáo dục và đào tạo đã tăng cường giáo dục công dân, giáo dục thế giới quan khoa học, lòng yêu nước, ý chí vươn lên của người học. Bên cạnh đó việc chăm lo cho con người về thể chất cũng được quan tâm và xác định là trách nhiệm của toàn xã hội, đồng thời chỉ đạo các ngành y tế, thể dục, thể thao, dân số và kế hoạch hóa gia đình làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ sau Đại hội VIII, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người. Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12-1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết nêu: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”(8). Mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục là xây dựng những thế hệ con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết xác định: Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; Giáo dục, đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; Phát triển giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ khoa họ - công nghệ và củng cố quốc phòng, an ninh; Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo; Giữ vai trò nòng cốt của nhà trường công lập đi đôi với đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đào tạo, trên cơ sở Nhà nước thống nhất quản lý. Phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện về cả trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, thái độ…; Phát triển nguồn nhân lực phải là sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội bằng nhiều biện pháp, trong đó giáo dục và đào tạo là then chốt; Mọi kế hoạch xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội phải được đặt trong mối quan hệ không thể tách rời với kế hoạch đầu tư cho chính sự phát triển về nhân cách, trí tuệ, tình cảm, niềm vui và hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng Việt Nam, cho xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nhiều về số lượng, mạnh về chất lượng.
Những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã nhanh chóng được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại hội IX (2001) của Đảng nêu rõ nhận thức “đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, đồng thời khẳng định phương hướng: “Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; triển khai thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở; ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại; từng bước phát triển kinh tế tri thức”. Phương hướng này đã được cụ thể hóa bằng một hệ thống giải pháp khả thi đi vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chăm lo phát triển nguồn lực con người là một định hướng lớn trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội X thể hiện rõ quyết tâm phấn đấu để giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu. Tập trung đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, chấn hưng giáo dục Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Các giải pháp thực thi được tập trung hơn khá cụ thể: Quản lý quá trình phát triển dân số và nguồn nhân lực trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới phương thức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; phát triển nguồn nhân lực gắn với tạo việc làm, tạo việc làm tại chỗ thông qua phát triển sản xuất, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu...
Đại hội XI (2011) kế thừa và phát triển quan điểm phát triển nguồn nhân lực từ các đại hội trước, đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là: “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để đạt được mục tiêu đó Đảng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược, trong đó “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được khẳng định là khâu đột phá thứ hai. Đây được xem là khâu đột phá đúng và trúng với hoàn cảnh nguồn nhân lực nước ta hiện nay khi hội nhập quốc tế, cạnh tranh quyết liệt và đòi hỏi của thời đại khoa học, công nghệ. Khâu đột phá trúng và đúng này đã và đang tập trung nâng cao sức mạnh nội sinh - nguồn nhân lực, để tồn tại và phát triển trong một thế giới năng động, thế giới của khoa học và công nghệ. Vì thế, Đại hội XI của Đảng đồng thời cũng xác định rõ phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Đây chính là nội dung quan trọng thể hiện tính thực tế của chiến lược phát triển nhanh và bền vững của nước ta trong điều kiện hiện nay. Để thực hiện chiến lược này, Đại hội XI cũng nêu rõ những giải pháp trực tiếp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đó là: “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam”; “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”; “Xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam”.
Có thể thấy rõ những định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa:
Trước hết, gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta nhận thức rõ rằng, để có được những con người phát triển toàn diện, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội để ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và mang tính quyết định. Vì thế, để có nguồn nhân lực có chất lượng Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm đồng bộ tới những vấn đề sau:
- Chăm lo đời sống vật chất đi đôi với đời sống tinh thần của người lao động. “Đối với con người hưởng thụ không thể tách rời với cống hiến, phần cống hiến phải nhiều hơn phần hưởng thụ, bên cạnh nhu cầu vật chất còn có nhu cầu tinh thần”(9). Nâng cao đời sống vật chất cho người lao động trước hết thông qua đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Điều này được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991): “Chính sách xây dựng đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(10).
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với công bằng xã hôi. Tình trạng phân hóa giàu nghèo nhanh chóng cùng với việc phát triển kinh tế thị trường những năm đổi mới đã tạo ra những hệ lụy về mặt xã hội sâu sắc. Giải quyết tình trạng này phải giữ vững nguyên tắc vừa bảo đảm kích thích sản xuất phát triển vừa có chính sách xã hội để tạo nên sự công bằng trong xã hội ở thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế thị trường với đặc trưng là cạnh tranh sẽ tạo được động lực to lớn thúc đẩy sự vươn lên của nguồn nhân lực. Không vươn lên sẽ không có khả năng cạnh tranh, sẽ bị chính đòi hỏi của nền kinh tế đào thải. Định hướng xã hội chủ nghĩa là thể hiện tính nhân văn đối với nguồn nhân lực. Đây là quá trình đào tạo nên những con người Việt Nam mới thời kỳ hội nhập để phát triển.
- Phải giữ vững tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế. Điều này giúp người lao động nước ta một mặt phát huy được tính tự tôn dân tộc, quyết tâm phấn đấu cho nền kinh tế nước nhà phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu, mặt khác cũng tạo cơ hội để người lao động Việt Nam có thể tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới, bồi bổ nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
- Tạo thêm việc làm là trực tiếp phát triển nguồn nhân lực. Vấn đề hết sức áp lực này phải được giải quyết theo “Phương hướng quan trọng nhất là Nhà nước cùng toàn dân ra sức đầu tư phát triển, thực hiện tốt kế hoạch và các chương trình kinh tế - xã hội. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi người dân, mọi nhà đầu tư mở mang ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động… Giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn”(11).
- Tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể chất cho người lao động và mọi người dân, đẩy mạnh kế hoạch dân số - kế hoạch hóa gia đình là bảo đảm thể chất và tính ổn định của nguồn nhân lực. Vấn đề này được Đảng xác định: “Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và mỗi người dân, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt”(12), đồng thời đã có chương trình về kế hoạch hóa gia đình, ổn định tỷ lệ tăng dân số.
- Ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội vừa trực tiếp bảo đảm thể chất cho nguồn nhân lực của đất nước, vừa hướng tới mục tiêu phát triển con người Việt Nam.
Thứ hai, gắn việc phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, nhân văn hóa đời sống xã hội, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Đó là quan điểm tạo môi trường lành mạnh cho các giá trị sống của nguồn nhân lực phát triển. Để có được môi trường đó, trước hết phải coi trọng giáo dục đạo lý làm người, ý thức, trách nhiệm công dân, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức, lối sống văn hóa, lịch sử dân tộc và bản sắc dân tộc, ý chí vươn lên vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước.
Thứ ba, nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ. Đảng ta đã chỉ rõ: “Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, kể cả người Việt nam ở nước ngoài”(13). Giải quyết tốt vấn đề này là tạo được yếu tố nội sinh của nguồn nhân lực, cơ sở bền vững cho phát triển và hội nhập.
Thứ tư, để có nguồn nhân lực tốt trước hết phải có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu, thành tựu thu được ngày càng to lớn và được khẳng định. Quan điểm về xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế được Đảng thể hiện sâu sắc với quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận rộng lớn của toàn xã hội. Đó là những định hướng để nguồn nhân lực của đất nước phát triển nhanh, lành mạnh, đúng hướng./.
-----------------------------------------------------
(1) Tổng cục Thống kê, Nxb Thống kê, 1997
(2) Báo Thanh niên, số ra ngày 29-12-2000
(3) TS Nguyễn Thanh, Phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2002, tr. 87
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr. 87
(5) Nguyễn Minh Đường, Bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ nhân lực trong điều kiện mới, Hà Nội, Đề tài KX-07-14
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996, tr. 87
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1991, tr. 13
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.1997, tr. 85
(9) Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguồn nhân lực trong chiến lược kinh tế - xã hộ icủa nước ta đến năm 2000, Tạp chí Triết học, số 4 -1990, tr. 21
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nưởc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1991, tr. 13
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1999, tr.114-115
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương, khóa VII, Nxb. Sự thật, H. 1993, tr. 67
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nxb.