Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm bí thư cấp ủy trong cơ chế tập thể lãnh đạo
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó có nhiệm vụ “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…”.
Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tập thể lãnh đạo đi đôi với tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân là tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tập thể lãnh đạo nhưng không làm lu mờ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng tại các cơ quan, đơn vị.
Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị triệu tập để phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). |
Bí thư cấp ủy là người tiêu biểu cho bản lĩnh chính trị, phẩm chất và năng lực trí tuệ, là linh hồn và đầu tàu trong các hoạt động tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Bí thư cấp ủy phải tạo được dấu ấn sâu rộng trong việc đề ra những chủ trương, quyết sách, khởi xướng những phong trào thi đua và chăm lo trong công tác cán bộ, nên phải có tầm cao năng lực tư duy trên cơ sở mở rộng dân chủ. Bí thư cấp ủy mà không có năng lực tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám quyết định, dám chịu trách nhiệm, chỉ giữ vai trò chủ trì hội nghị, nhất nhất việc gì, dù lớn hay nhỏ, thông thường hay hệ trọng cũng đều dựa vào quyết định của cấp ủy, của tập thể hay xin ý kiến chỉ đạo của trên, thì địa phương, đơn vị đó không thể phát triển được. Một tập thể lãnh đạo mà người đứng đầu không có bản lĩnh và năng lực trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn vượt trội, chỉ “thường thường bậc trung”, ngang bằng những thành viên khác, thì tập thể đó cũng không thể phát huy hiệu lực và hiệu quả trong vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Vậy thẩm quyền, trách nhiệm bí thư cấp ủy được thể hiện như thế nào trong cơ chế tập thể lãnh đạo?
Bí thư cấp ủy là người có trách nhiệm khởi xướng các chủ trương, chính sách, các phong trào để cấp ủy bàn thảo, quyết định, trên cơ sở đó ban hành các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy. Trong trường hợp những ý tưởng do bí thư khởi xướng mà không được đa số cấp ủy viên nhất trí, bí thư cấp ủy có quyền được bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo. Trường hợp cần thiết và cấp bách, bí thư cấp ủy có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện quyết sách đó.
Công tác cán bộ là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, tư duy chính trị và năng lực dùng người của bí thư cấp ủy. Bí thư cấp ủy có trách nhiệm và thẩm quyền trình bày phương án lựa chọn, giới thiệu nhân sự để dự bầu vào thường vụ cấp ủy; lựa chọn, giới thiệu phó bí thư cấp ủy. Trong trường hợp đa số cấp ủy viên không bầu một vài chức danh thường vụ cấp ủy, bí thư có trách nhiệm và thẩm quyền lựa chọn, giới thiệu nhân sự khác thay thế để cấp ủy bầu lại. Trường hợp không có sự đồng thuận giữa bí thư và tập thể cấp ủy trong công tác nhân sự thì bí thư phải chấp hành quyết định của cấp ủy, đồng thời có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lên cấp trên trực tiếp... Bí thư cấp ủy cũng là người có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất trong công tác quy hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ.
Nhân sự do bí thư cấp ủy lựa chọn, tiến cử, trong quá trình công tác nếu phạm khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng không tốt đến uy tín cấp ủy thì bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trực tiếp và cao nhất. Mọi vi phạm của cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đảng bộ, bí thư cấp ủy cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Dấu ấn của bí thư cấp ủy được thể hiện ở chỗ, khi nói đến những thành quả nào đó của địa phương, cơ quan, đơn vị thì cán bộ và nhân dân đều nhắc đến, ghi nhận công lao của người bí thư cấp ủy.
Để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của bí thư cấp ủy, cần có cơ chế định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm. Thành phần tham gia là các cấp ủy viên, bí thư các tổ chức đảng, người đứng đầu mặt trận, các đoàn thể và thủ trưởng các cơ quan trực thuộc đảng bộ. Nếu bí thư cấp ủy có số phiếu tín nhiệm thấp sau hai lần bỏ phiếu, thì bí thư cấp ủy nên tự giác và chủ động xin từ chức và đó phải trở thành một nội dung của văn hóa từ chức nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng