Ông Vũ Mão: Trách nhiệm cần nhìn nhận toàn diện, sâu sắc hơn
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề thời sự của kỳ họp Quốc hội khóa XIII đang diễn ra.
Chia sẻ để cùng khắc phục, làm tốt hơn nhiệm vụ
P.V: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vừa qua?
Ông Vũ Mão: Tôi thấy đây là một báo cáo có chất lượng, được chuẩn bị công phu, mang tính tổng kết. Nói một cách cơ học thôi, so sánh giữa việc nêu ưu điểm khuyết điểm thì thấy nội dung báo cáo được chuẩn bị rất là thận trọng, đánh giá về ưu điểm cũng có mức độ, khiêm tốn, còn nhận về khuyết điểm thì khá là sâu sắc.
Trong Báo cáo này có phần nhận lỗi, nhận khuyết điểm chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là điểm quan trọng. Tôi thấy rằng từ trước đến nay trong sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ mỗi khi còn có thiếu sót, khuyết điểm gì thì đều thẳng thắn nhận lỗi trước nhân dân. Đó đã như một truyền thống, một nguyên tắc, một tinh thần rất cầu thị, khiêm tốn, đúng đắn của Đảng, của Nhà nước ta, của Chính phủ ta.
Lần này, nhận khuyết điểm một cách sâu sắc và mong sự thông cảm, thậm chí là sự tha thứ của nhân dân, mà tha thứ là để chia sẻ, để thông cảm, để ủng hộ và cùng nhau quyết tâm khắc phục khuyết điểm, làm tốt hơn nhiệm vụ của mình những tháng cuối năm 2012 và cho năm 2013.
Cần nhìn nhận nghiêm túc, từ trên xuống dưới
P.V: Vâng như ông vừa nói, Thủ tướng Chính phủ đã nhận trách nhiệm, khuyết điểm trước Quốc hội và nhân dân “về ưu điểm thì đánh giá khiêm tốn, còn nhận khuyết điểm thì khá là sâu sắc”. Có phải ông còn muốn nói đến trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội?
Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng những khuyết điểm vừa qua và thực trạng nền kinh tế, mà đặc biệt là hoạt động của các doanh nghiệp khó khăn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đương nhiên trách nhiệm trước hết phải nói là thuộc về cơ quan chỉ đạo, điều hành, thuộc về Chính phủ, thuộc về Thủ tướng Chính phủ, thuộc về các Bộ. Nhưng tôi cứ suy nghĩ một cái gì đó còn lớn lao hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, để chúng ta cùng nhau nhìn nhận, cùng nhau phân tích, tìm nguyên nhân sâu sắc để tìm cách khắc phục.
Với tinh thần Nghị quyết 4 của Trung ương, Chính phủ đã có kiểm điểm, Thủ tướng Chính phủ cũng có kiểm điểm, thì theo tôi lần này, ở Quốc hội, các đại biểu Quốc hội sẽ không chỉ phân tích mổ xẻ những vấn đề của Chính phủ, của các Bộ, mà chính ở Quốc hội cũng tự xem xét trách nhiệm của chúng ta, của chính mỗi con người, tôi mong muốn như vậy.
Rồi với các cấp, các ngành, các địa phương nữa, thực thi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước là đến cơ sở, là ở chính quyền các cấp, mà để xảy ra khuyết điểm như vậy là cũng có phần trách nhiệm.
Theo tôi, chúng ta không nên nhận quá trách nhiệm của mình, song nhận đúng trách nhiệm của mình theo tôi vẫn là tốt hơn. Đây là một sự chia sẻ, sự đồng cảm và nhưng cũng là một sự nghiêm túc, và chúng ta nghiêm túc từ trên xuống dưới,
Ở các cơ quan trung ương có sự nghiêm túc, rồi đối với các chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, rồi các cấp ủy Đảng ở địa phương cũng phải thấy sâu sắc điều này.
Vừa qua, tôi hiểu là địa phương cũng đã tiến hành kiểm điểm, nhưng theo tôi có lẽ cần phải tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mà nhất là kỳ họp Quốc hội này nhân dân cũng đang chờ đợi chúng ta phân tích sâu sắc hơn, mổ xẻ nó toàn diện hơn, để tìm những giải pháp tốt hơn.
Lấy phiếu tín nhiệm, cần tránh hình thức
P.V: Vậy theo ông, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới phải tập trung vào những trọng tâm gì, để khắc phục những yếu kém, khuyết điểm như đã nêu trong báo cáo trình bày trước Quốc hội?
Ông Vũ Mão: Tôi thấy có một vấn đề ít được nói tới, mà nó dẫn tới thiếu sót khuyết điểm, đó là chưa phân tích sâu sắc các hạn chế về cơ chế, chính sách và công tác xây dựng pháp luật.
Vì thế tôi rất mong Chính phủ dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu cơ chế, chính sách, xây dựng pháp luật ở tầm vĩ mô. Ví dụ như về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo sửa đổi Hiến pháp,… đều là những vấn đề rất lớn cần nhiều thời gian thảo luận, xây dựng.
P.V: Quốc hội đang thảo luận dự thảo đề án lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Là người nhiều năm gắn bó với hoạt động của Đảng, Nhà nước xin ông trao đổi về chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt đang dự kiến hiện nay?
Ông Vũ Mão: Trước hết là tôi rất hoan nghênh chủ trương này và việc triển khai là hết sức cần thiết. Nhưng nếu nói cụ thể hơn, chúng ta nên chia hai công đoạn.
Công đoạn thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được bầu và phê chuẩn ở Quốc hội, số người này gần 400 người trong số 500 đại biểu. Bởi vì số lượng thành viên các ủy ban là rất lớn, các đồng chí khoanh lại 49 người thuộc diện chủ chốt để lấy phiếu tín nhiệm. Đây cũng là một giới hạn, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta phải chú ý đến vấn đề đánh giá một con người phải có thủ tục, trình tự để nhìn nhận một cách đầy đủ.
Dù lấy phiếu tín nhiệm, ở bước tham khảo cũng phải có một bản trình bày, bản báo cáo của đương sự; thứ hai, đương sự được báo cáo trước Quốc hội; thứ ba, Quốc hội thảo luận; đồng thời đương sự cũng có quyền bảo vệ ý kiến, sau đó Quốc hội mới bỏ phiếu.
Tôi cho rằng, dù lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng phải thực hiện theo quy trình công đoạn trên mới bảo đảm dân chủ, tôn trọng quyền con người.
Nếu lấy tín nhiệm của một người mà không có thông tin đầy đủ, thì không cẩn thận sẽ trở thành tính hình thức.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hằng – Trần Mạnh (Theo Chinhphu.vn)