.
.

Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII)

Thứ Sáu, 30/06/2017|11:42

Sáng 29/6, tại Nhà Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII của Đảng.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến triển khai đến cấp huyện, xã (đối với những nơi có điều kiện).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; lãnh đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương….

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị tập trung quán triệt ba Nghị quyết về kinh tế gồm: Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nội dung trọng tâm của các Nghị quyết này là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trong các Nghị quyết cần được quán triệt sâu sắc và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng phân tích, doanh nghiệp là chủ thể quan trọng tạo ra tăng trưởng và giải quyết việc làm. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 30% GDP, nộp ngân sách trên 246.000 tỷ đồng. Khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp 40% vào GDP và đóng vai trò chủ đạo tạo việc làm. Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, năm 2016 đã có 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, riêng 6 tháng đầu năm 2017 có thêm 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Số hộ kinh doanh cá thể ngày càng tăng và hiện có gần 5 triệu hộ. Trong khi đó, đến nay cả nước có gần 23.600 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 306 tỷ USD.

Cùng với việc quán triệt Nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền vận dụng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp vào xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; đề cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, nói đi đôi với làm, tránh nói nhiều làm ít hoặc chỉ nói mà không làm; chỉ đạo triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả, thiết thực.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị hôm nay bắt đầu cho đợt sinh hoạt chính trị tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, nhanh chóng đưa 3 Nghị quyết quan trọng này vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực giải phóng nguồn lực, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về đất đai, tạo thuận lợi hỗ trợ tích tụ tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đổi mới công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển, đầu tư công và phân bổ các nguồn lực; đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công, bảo đảm an sinh xã hội, khẩn trương rà soát, tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu.

Về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho rằng, để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế thị trường cần tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu Nhà nước; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Đồng thời tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản; tiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí. Triển khai nghiêm kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về xử lý những dự án điểm liên quan đến tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5.

Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Tại Nghị quyết lần này, Trung ương xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. 

Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên doanh, liên kết, theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới sáng tạo phong trào khởi nghiệp, tạo thuận lợi cho các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết, hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác; khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu hội nghị cần quán triệt và chú trọng những điểm mới, cụ thể hóa về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và nhiệm vụ giải pháp có tính đột phá cần triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khắc phục những hạn chế, yếu kém để cơ cấu lại, nâng cao hiệu qủa hoạt động doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII của Đảng gắn với thực tiễn của ngành, cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng cấp ủy, từng cơ quan, đề xuất phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong những lĩnh vực, nhiệm vụ, công việc được giao.

Việc thực hiện các Nghị quyết, nhất là ba Nghị quyết về kinh tế lần này, phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán với Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết khác của Trung ương; cụ thể hóa thành các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Thủ tướng chỉ rõ nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng, hành động phải quyết liệt, khen thưởng kỷ luật phải nghiêm minh. Đặc biệt, khâu tổ chức thực hiện của cấp ủy và chính quyền các cấp phải nghiêm túc.

Theo TTXVN

.
.
.
.