.
.

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 7-2019

Thứ Hai, 01/07/2019|21:25

 I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 30-5-2019, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài viết quan trọng để định hướng các cấp ủy đảng triển khai tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị. Theo đó, đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ được tổ chức trong năm 2020; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp có nhiều nội dung quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng phải đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây: Trước hết, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đại hội để chuẩn bị thật tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp. Thứ hai, việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội, phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thứ ba, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ ra những ưu, khuyết điểm và nguyên nhân, đề cao tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh. Thứ tư, tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của đại hội cấp trên trực tiếp và Đại hội XIII của Đảng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hiệu quả, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Thứ năm, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ và tích cực, chủ động chuẩn bị nhân sự cấp ủy, bảo đảm cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp.

Bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Chiều 14/6, sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ. Quốc hội đã xem xét, quyết định thông qua 07 luật; cho ý kiến 09 dự án luật; thông qua 10 Nghị quyết; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Nghị quyết của Quốc hội giao các cơ quan hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội. Phổ biến giáo dục pháp luật để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.

Việt Nam và EU ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư

Chiều 30/6 tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Nghị viện Châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, 2 hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai Bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lón khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao G20 và thăm Nhật Bản, ngày 1/7/2019, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà Vua Naruhito lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị cấp cao G20 lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.

Thủ tướng Nhật Bản Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G20. Đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước.

Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất của quan hệ giữa hai nước, thể hiện qua việc hai bên vừa ký kết một loạt các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tài chính ngay trước Hội đàm Cấp cao Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng Abe chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN, khu vực sông Mekong với Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ

Đảng ủy Khối DNTW học tập, quán triệt nội dung Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII)

Ngày 27/6, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt các nội dung Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII) và thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức “Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế”. Dư và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW; đồng chí Lê Văn Châu - Phó Bí thư Đảng ủy Khối. Tham gia Hội nghị có hơn 900 đại biểu là cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Đảng bộ Khối qua 3 điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị đã nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng thư ký, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu những nội dung cơ bản được thông qua tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII); làm rõ những quan điểm, mục tiêu, những điểm mới, các nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bao gồm: Báo cáo chính trị; Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh giới thiệu chuyên đề “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp”. 

Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tháng 6/2019

Sáng ngày 26/6, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương họp phiên thường kỳ tháng 6/2019. Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến vào nội dung các Tờ trình về: nhân sự giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; nhân sự dự kiến cử làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt; về chủ trương điều động, bổ nhiệm cán bộ giữ chức thành viên HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; về việc phê duyệt kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đảng ủy Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025;  Tờ trình về việc cho thôi giữ chức Chủ nhiệm và thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty Giấy Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 – 2020; về dự thảo Kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/ĐUK ngày 21/3/2014 đối với công tác phòng, chống tham nhũng; về việc xây dựng báo cáo sơ kết một số văn bản của Trung ương trong lĩnh vực tuyên giáo; các văn bản thực hiện theo sự chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch 53-KH/ĐUK của Đảng ủy Khối và Tờ trình xin ý kiến hướng dẫn về tiêu chí đánh giá điển hình “Dân vận khéo” trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận một số nội dung xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị "về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng"; bàn và cho ý kiến một số nội dung khác.

Công bố Quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ

Ngày 19/6, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ.

Theo Quyết định số 1267-QĐNS/TW, ngày 05/6/2019, Ban Bí thư chuẩn y đồng chí Phan Công Nam, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Phòng Nghiệp vụ III Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối yêu cầu đồng chí Phan Công Nam phát huy năng lực bản thân, không ngừng rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tư duy mới, tầm nhìn mới xứng với trách nhiệm và vị trí mà Đảng giao phó.

Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (2009 – 2019). Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau” với các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhận thức, hành vi tiêu dùng của trên 800 nghìn người lao động trong Khối về việc sử dụng hàng hóa trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đi đầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh thay thế hàng nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70% - 90%. Hàng hóa nội địa trong mua sắm trang thiết bị làm việc, mua sắm công chiếm trên 95% giá trị. 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã tổ chức ký kết, cam kết hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... với trị giá hợp đồng hàng chục ngàn tỷ đồng. Tại thị trường nội địa, mỗi tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã tạo dựng thành công những thương hiệu nổi tiếng, uy tín hàng đầu quốc gia, được một số tạp chí quốc tế xếp hạng “Thương hiệu có giá trị lớn”, vươn ra nhiều nước trên thế giới. Qua đó, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tại Hội nghị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tuyên dương, khen thưởng 17 tập thể, 14 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Vietcombank mở văn phòng đại diện tại New York, Hoa Kỳ

Sở Quản lý Tài chính Tiểu bang New York (NYDFS) vừa ban hành Giấy phép hoạt động chính thức cho Văn phòng đại diện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại thành phố New York-Hoa Kỳ.  Trước đó, vào tháng 10/2018, Vietcombank đã nhận được phê duyệt ở cấp liên bang từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như chấp thuận về mặt nguyên tắc từ NDYFS (đơn vị quản lý trực tiếp ở cấp tiểu bang). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Vietcombank đã nhận được đầy đủ chấp thuận từ Cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để thành lập Văn phòng đại diện tại New York. 

Việc Vietcombank vượt qua các yêu cầu khắt khe của cơ quan quản lý Hoa Kỳ để được cấp phép cho thấy nỗ lực vượt bậc và tính tuân thủ cao của ngân hàng này. Văn phòng đại diện Vietcombank tại New York dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ Quý III/2019, trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng tại khu vực Bắc Hoa Kỳ, bổ sung vào mạng lưới hiện có của Vietcombank với trên 500 Chi nhánh/Phòng Giao dịch/Văn phòng đại diện/Công ty con/Đơn vị thành viên trong nước; và mạng lưới hoạt động tại nước ngoài.

Bổ nhiệm Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Ngày 26/6, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức công bố và trao các quyết định về công tác cán bộ. Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã trao Quyết định số 219/QĐ-UBQLV bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh trao quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xăng dầu Việt Nam-Nhật Bản

Sáng 1/7, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn JXTG (Nhật Bản). Kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, tài nguyên và các vật liệu mới, trong đó chiếm 50% thị phần lĩnh vực dầu khí tại Nhật Bản và 11 tổ hợp lọc hóa dầu đang hoạt động, Tập đoàn JXTG hiện đang là cổ đông chiến lược và nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex.

Bản ghi nhớ vừa ký kết là một thỏa thuận để hai bên tiến tới cùng nghiên cứu xây dựng báo cáo tổng thể chi tiết về LNG & Gas tại Việt Nam, phục vụ cho dự án LNG sắp triển khai của Petrolimex. Trong thời gian tới, Petrolimex sẽ tập trung cho việc xây dựng cảng nhập khẩu LNG tại Khánh Hòa.

Nhân dịp này, Petrolimex cũng đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đào tạo và kỹ thuật với Tổ chức hợp tác Dầu khí Nhật Bản (JCCP). Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực và hợp tác kỹ thuật và công nghệ trong ngành công nghiệp dầu khí trung và hạ nguồn, cũng như các lĩnh vực khác của ngành dầu, khí đáp ứng nhu cầu phát triển thực tế và xu hướng năng lượng mới.

Tổng công ty HUD Khởi công dự án Nhà ở xã hội tại Hà Nội

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tổ chức khởi công xây dựng Dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô 5,2ha, thuộc Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, gồm 14 khối nhà chiều cao 6 tầng, quy mô 1.030 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 52m2 đến 69m2. Dự án được  xây dựng và bàn giao giai đoạn 1 vào quý I/2020.

Nhận thức rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách phát triển nhà ở, giải quyết nhu cầu an cư cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đến nay, Tổng công ty HUD đã hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước, với tổng diện tích sàn khoảng 210 nghìn m2, góp phần cải thiện chỗ ở cho hơn 3.000 hộ gia đình công nhân viên chức, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp... Trong giai đoạn 2020-2025, HUD xây dựng kế hoạch đầu tư khoảng nửa triệu m2 sàn NƠXH nhằm đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.500 hộ dân thuộc đối tượng chính sách về nhà ở, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

VICEM: 6 tháng nộp ngân sách tăng 27,5% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) đã sản xuất trên 10,3 triệu tấn clinker, đạt 102,5% so với cùng kỳ 2018; sản xuất trên 12,9 triệu tấn xi măng, tăng 12% so với cùng kỳ; tiêu thụ gần 15 triệu tấn sản phẩm. Lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty trong 6 tháng qua là 1.657 tỷ đồng, tăng 62,3%; nộp ngân sách Nhà nước 1.215 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của cả năm 2019, từ nay đến cuối năm VICEM tiếp tục tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu VICEM giai đoạn 2019 – 2025 từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt phù hợp với chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, tập trung vào ngành nghề chủ chốt, tối ưu hóa sản xuất hiện tại, tăng năng suất lao động từ 7 -10% đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, sản xuất, lưu thông và phân phối, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường gắn với khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả.

III - TIN THAM KHẢO

Phát huy vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Phát biểu tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ được tổ chức ngày 25/6 tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc Bộ về kết quả đạt được thời gian qua. Vùng đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Về định hướng phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của vùng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; phấn đấu cùng vùng KTTĐ Nam Bộ là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất và phát triển năng động của cả nước. Mục tiêu phát triển của vùng phải là đi đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong 3 đột phá chiến lược và đặc biệt là cơ cấu lại nền kinh tế trên tinh thần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Là vùng có dân trí cao, nên cần phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là thế mạnh, tiềm năng cần khơi dậy. Vùng cần làm rõ hơn đột phá về tăng trưởng xanh như công nghệ cao, môi trường tốt. Quan tâm phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng, đồng thời tiếp tục xây dựng nông thôn mới. đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống tham nhũng, lãng phí. Không chỉ lo vấn đề kinh tế mà cần quan tâm đến cả vấn đề xã hội, an toàn cho người dân.

Về thể chế điều hành và mô hình vùng, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan, đề xuất mô hình cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp các ý kiến phát biểu, các đề xuất tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22%

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 18/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,05%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,09%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6,22% so với cuối năm 2018. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11% đối với trung và dài hạn. Đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 4-5%/năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát. 

Về thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 147,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. 

Các nước ASEAN thống nhất hợp tác và phát triển nghề cá

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau 5 ngày (24 - 29/6) hoạt động sôi nổi và hiệu quả, Chuỗi sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN lần thứ 9, Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN lần thứ 11 và Cuộc họp Nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27 đã kết thúc với nhiều nội dung đã được trao đổi, thảo luận và thông qua. Các quốc gia thành viên ASEAN cùng với các đối tác khu vực và quốc tế như FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc), Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á, Ủy ban Quản lý Mạng lưới trung tâm nuôi trồng Thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương, JICA Nhật Bản, EU, Australia… đã thẳng thắn trao đổi thông tin, thảo luận và thống nhất các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực, cộng đồng kinh tế ASEAN.

Triển vọng tăng trưởng tích cực của Việt Nam

Chiều 1/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tổ chức Họp báo công bố Báo cáo điểm lại - một ấn phẩm thường nên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam.  Trong kỳ báo cáo, ngành dịch vụ đạt kết quả tốt - dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng tư nhân vẫn tăng bền vững. Tỷ lệ nợ trên GDP giảm từ mức đỉnh 63,7% năm 2016 xuống còn 58,4% năm 2018. Tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Dù có những tín hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại theo chu kỳ, báo cáo nhận định rằng, triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực. Tăng trưởng GDP năm 2019 theo giá so sánh được dự báo sẽ giảm còn 6,6% là do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng bị thắt chặt. Chỉ số lạm phát dự kiến vẫn duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%. 

IV. VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài

Ngày 10/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành  Kết luận số 49-KL/TW về việc "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập".

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành  Hướng dẫn  và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).

------------------

Tài liệu sinh hoạt chi bộ tháng 7/2019 dowload tại đây.

 

.
.
.
.