Diễn đàn Doanh nhân Nữ VN 2012: Hợp tác và phát triển bền vững
Nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Doanh nhân Nữ Việt Nam 2012, chiều 6/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hợp tác và Phát triển bền vững”.
Tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn có Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, ông Trần văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ tài chính, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Trần Thị Thủy - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: từ đầu năm tới nay, những chỉ số vĩ mô của nền kinh tế cho thấy những dấu hiệu khả quan, tốc độ tăng CPI tháng 2 cao hơn tháng trước nhưng tính chung cả hai tháng tăng thấp nhất, tốc độ tăng xuất khẩu cao gấp đôi so với nhập khẩu, tỷ giả trở nên ổn định hơn, thu chi ngân sách cao hơn, thị trường chứng khoán cũng có tín hiệu khởi sắc…đó là những tín hiệu rất khả quan cho thấy chúng ta thành công bước đầu trong mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn trước mắt, đặc biệt là việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nỗ lực giảm lãi suất cũng chỉ đạt bước đầu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn… Do đó, rất cần sự đồng thuận của chính phủ và doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong sự đóng góp chung của doanh nghiệp phải kể đến sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp nữ. Ước tính bốn doanh nghiệp ở Việt Nam thì có một người là nữ. Các doanh nghiệp do các doanh nhân nữ đứng đầu đang khẳng định vị thế trong nền kinh tế ở Việt Nam và cả khu vực.
Chủ tịch VCCI tin tưởng rằng, Diễn đàn Doanh nhân Nữ Việt Nam hôm nay sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nữ chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn, sát cánh cùng xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn nữa.
Biến động kinh tế tác động kép
Nhìn lại những khó khăn trong năm 2011, ông Trần văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, năm 2011 gặp rất nhiều khó khăn, giá lương thực thực phẩm tăng, chứng khoán giảm… đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã có biện pháp như ban hành nghị quyết vào tháng 3/2011, cắt giảm đầu tư công, giảm thuế thu nhập cá nhân…và bước đầu đã có những tín hiệu khả quan khi bội chi ngân sách giảm, thu ngân sách tăng 20%, nhập siêu còn hơn 10%, ổn định được tỉ giá, kiềm chế được lạm phát, thị trường ngoại hối có chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên 2011 doanh nghiệp gặp không ít thách thức, giá xăng dầu, điện tăng, chính sách thắt chặt tín dụng ảnh hưởng tới doanh nghiệp, làm doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Những khó khăn đó làm nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng khó khăn. Trước yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương pháp hoạt động.
Bước sang năm 2012, theo dự báo, năm nay tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn. Nhưng với những biện pháp đã, đang và sẽ thực hiện sắp tới, Việt Nam phấn đấu kiềm chế lạm phát, tỉ lệ nhập siêu khoảng 11-12%, tập trung kiềm chế lạm phát, cải cách tiền lương, đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn…
Và trên thương trường khốc liệt vốn không phân biệt doanh nhân là nam hay nữ. Những ảnh hưởng từ biến động nền kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua không chỉ tác động mà tác động nhiều lần đến các nữ doanh nhân, cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc tổ chức cuộc sống gia đình cũng như sự sẻ chia với cộng sự. Như vậy, các nữ doanh nhân cũng như các nam doanh nhân phải gồng mình chống chọi với cơn biến động khó khăn của nền kinh tế, nhưng họ cũng phải gắng sức để hoàn thành ‘việc nhà’ của mình. Có thể nói, thương trường là nơi mà các nữ doanh nhân phải thể hiện bản lĩnh và năng lực của chính mình.
Đối với các danh nghiệp do Doanh nhân nữ giữ vai trò người đứng đầu, loại hình này hiện cả nước có trên 100.000 doanh nghiệp, phần lớn là có qui mô vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: dệt may, chế biến hàng nông sản, thủy sản, da giày… Các doanh nghiệp này ngoài những khó khăn chung như thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu luật điều chỉnh, chế độ chính sách chưa rõ ràng và thiếu nguồn lao động lành nghề…thì bản thân doanh nhân nữ con gánh chịu nhiều thiệt thòi, còn đối mặt với một số thách thức riêng như thiếu cơ hội được đào tạo về quản lý doanh nghiệp và tài chính, thiếu cơ hội tham gia các hoạt động xã hội và luôn phải cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, doanh nhân nữ chỉ sở hữu hơn một nửa số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 25% số lượng các doanh nghiệp nhỏ và chỉ 8% số lượng các doanh nghiệp vừa (theo IDB). Thực tế, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa vượt qua được quy mô siêu nhỏ. Các hoạt động của doanh nghiệp do nữ làm chủ thường ở quy mô nhỏ, không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp và thường ít sử dụng tiền măt.
Bà Victoria nhìn nhận, các doanh nghiệp do phụ nữ Việt Nam điều hành rất đa dạng về quy mô, từ các công ty lớn đến nhỏ hoặc quy mô gia đình. Các doanh nghiệp này có đóng góp vào GDP và tạo nhiều việc làm cho các phụ nữ khác. Lợi nhuận thu được của các doanh nghiệp này giúp nâng cao thu nhập của gia đình. Khoảng 21% số các doanh nghiệp tại Việt Nam được điều hành bởi phụ nữ, 97% các doanh nghiệp do nữ điều hành là các công ty tư nhân và có quy mô nhỏ.
Nỗ lực và chung sức
Trong bối cảnh hiện nay, với những đặc điểm như vậy, theo bà Victoria, để cho doanh nhân nữ gặp thuận lợi hơn trong kinh doanh cần nhiều yếu tố. Thứ nhất: Chính phủ nên tận dụng việc sửa đổi luật sắp tới để có thể cải thiện những vấn đề mà các doanh nhân nữ đang gặp phải. Thứ hai, Ngân hàng cần đưa ra các sáng kiến giúp phụ nữ nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Như sáng kiến nâng cao tiết kiệm tín dụng; các sáng kiến giúp phụ nữ hiểu về rủi ro tài chính. Đây là yếu tố cơ bản đưa lại cơ hội công bằng cho phụ nữ trong tiếp cận nguồn vốn. Cần các công cụ hỗ trợ các doanh nhân nữ tiềm năng.
Thứ ba, Doanh nhân nữ cần tìm cách tăng thêm giá trị nguồn hàng hóa và dịch vụ của mình, tìm các nguồn hàng hóa mới hiệu quả và năng suất cao, tìm các lĩnh vực mới, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tận dụng từ việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Xác định được khả năng mới đối với thị trường Việt Nam…
Bà Victoria khẳng định: “Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không thể kinh doanh được vì không có vốn. Điều bạn cần là kiến thức và kinh nghiệm. Đừng khởi đầu bằng những thứ lớn lao. Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt. Giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn là hãy chỉ sử dụng những đồng vốn mà bạn đang có”.
Dưới góc nhìn của doanh nhân nữ Lê Thị Nam Phương - CTHĐQT Hệ thống GD chất lượng cao SKY-LINE, để Doanh nhân nói chung và Nữ doanh nhân nói riêng có điều kiện phát triển và phát triển bền vững cần nhìn ở 3 góc độ sau: Đối với gia đình, người thân và xã hội cần lắm sự sẻ chia, thấu hiểu cả sự ghi nhận những nỗ lực của các Nữ doanh nhân. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các Nữ doanh nhân cần phải tạo cho nhau sự tương hỗ, cơ hội hợp tác, bỏ qua sự đố kỵ, vị kỷ, đoàn kết cùng nhau xây dựng và phát triển không chỉ trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà còn tạo nên nét đẹp trong Văn hoá của Nữ doanh nhân Việt.
Vấn đề làm sao để tiếp cận nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ Việt Nam là nỗi lo lắng, băn khoăn của các doanh nhân nữ tại diễn đàn. TS. Châu Thị Thu Nga - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa XIII, Ủy viên Ban thường trực nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị:“Chính phủ cần tăng cường sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng phải mạnh hơn, tích cực hơn, đặc biệt là cần điều tiết kinh tế vĩ mô sao cho giảm được lãi suất vay xuống dưới 15% năm và đẩy lùi lạm phát xuống dưới 10% năm. Nếu không được như vậy thì nguy cơ sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2012, chỉ số tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế ở mức thấp, sẽ là hiệu ứng rất xấu cho các năm sau”.
Cũng theo bà, cần có giải pháp mạnh, kịp thời về việc đề nghị Quốc hội xem xét miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp, song không phải là miễn giảm cho mọi doanh nghiệp, mà phải thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn đối tượng, là các doanh nghiệp theo các ngành nghề cần ưu tiên, với các tiêu trí hợp lý, đồng thời mức miễn giảm cũng phải được xác định phù hợp, trong thời hạn số năm nhất định. Bên cạnh đó là giải pháp kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách hiện hành về hỗ trợ thuế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác có hiệu quả thị trường, đặc biệt ưu tiên thị trường xuất khẩu, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Trước yêu cầu đổi mới và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số: 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam…” và tới đây, trong năm 2012 Quốc hội đã có kế hoạch xem xét Luật Bình đẳng giới với mục tiêu tăng cường hơn nữa quyền năng của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả lĩnh vực làm kinh tế, nhất định sẽ mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp do doanh nhân nữ lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng cần phải có các giải pháp thiết thực, cụ thể giúp lực lượng nữ doanh nhân, ví dụ như: có các chương trình đào tạo dành riêng cho phụ nữ, củng cố các hiệp hội đại diện cho doanh nhân nữ, nâng cao trách nhiệm trong việc chuyển tải những thông tin của doanh nghiệp, doanh nhân nữ đến các nhà lập chính sách, đồng thời nữ doanh nhân cũng phải tham gia tích cực hơn vào việc hoạch định chính sách cải cách kinh tế, hoạch định chiến lược về phát triển doanh nghiệp nữ một cách bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định "Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước ta đang ở trong một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình phát triển. Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, phát huy sức mạnh của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị nhằm tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Với vai trò là lực lượng chủ lực, xung kích trong phát triển kinh tế và hội nhập, tôi đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và các Doanh nhân Nữ nói riêng hãy quyết tâm chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2012 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Nhân Diễn đàn Doanh nhân được tổ chức ngày hôm nay, tôi kêu gọi toàn thể đội ngũ doanh nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng chung vai, sát cánh cùng Chính phủ và nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, hướng tới mục tiêu chung tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Chính phủ cũng cam kết và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm tới việc duy trì, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…".
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng với bản lĩnh của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các Nữ doanh nhân Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu tốt đẹp, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Sau Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2012: Hợp tác và Phát triển bền vững, 19h tối nay, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ - Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam sẽ diễn ra chuơng trình giao lưu nghệ thuật "Những bông hồng Việt Nam".