.
.

Doanh nghiệp, nhà kinh tế chia sẻ kinh nghiệm “vượt bão”

Thứ Bảy, 03/03/2012|22:07

Chiều 2/3 tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm “vượt bão” khi nền kinh tế trong năm 2012 được cho là vẫn còn đầy bất trắc.

Quý 2 tới mới có thể dễ thở hơn

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

“Doanh nghiệp càng xông pha vào cạnh tranh thì khả năng sống còn, tiến lên càng cao. Đó là việc bình thường trên thương trường. Đã là doanh nghiệp thì phải cạnh tranh, kể cả doanh nghiệp nhà nước.

Với doanh nghiệp Việt thường được cho có đặc điểm là trong khó khăn, khả năng “sống” rất dai, giống như những cây cỏ trong bão, chỉ rạp xuống rồi lại đứng lên, trong khi nhiều cây đại thụ lớn trên thế giới dễ đổ gãy hơn.

Năm 2012 hiện rất nhiều ý kiến đều cho rằng sẽ tiếp tục khó khăn, kể cả thế giới. Bên cạnh đó, việc dự báo tình hình cũng ngày càng khó hơn rất nhiều, thể hiện qua việc dự báo ngày càng kém đi.

Trong khi đó, chúng ta là nền kinh tế có độ mở cao nên khả năng bị va đập cũng không hề nhỏ. Hiện lạm phát đang dịu đi, đó là dấu hiệu tích cực, nhưng thực tế thì tính thanh khoản tiền tệ vẫn rất kém, do đó với doanh nghiệp khó khăn vẫn chưa hề giảm.

Có thể phải sang đến quý 2/2012 mới định hình được phần nào tình hình kinh tế, lạm phát giảm sâu hơn thì lãi suất mới giảm thêm, doanh nghiệp mới dễ thở hơn trên một nền vĩ mô tốt hơn.

Hơn nữa, tính bất trắc của nền kinh tế vẫn khá cao bởi hai tuyến quan trọng của nền kinh tế là doanh nghiệp và ngân hàng đều đang gặp khó. Bản thân các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn, trong khi hệ thống ngân hàng lại đang trong quá trình tái cơ cấu. Cho nên, khi mà tia sáng mới chỉ le lói thôi thì doanh nghiệp vẫn phải “cắn răng” mà sống và vượt qua thử thách”.

Nhìn vào dài hạn

Ông Diệp Khang Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Capital Land

“Tôi nghĩ trong thách thức luôn có các cơ hội. Với những doanh nghiệp nước ngoài, điều chúng tôi mong muốn là Việt Nam phải có những chính sách để ổn định về mặt đồng tiền, đặc biệt  lãi suất và lạm phát phải giảm. 

Trong các thị trường mới nổi hiện nay, thì thị trường bất động sản chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng GDP của toàn quốc. Nhưng ở Việt Nam tỷ trọng này chỉ có khoảng 17% và theo đánh giá của chúng tôi lĩnh vực bất động sản vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển. 

Capital Land là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở Singapore, chúng tôi có năng lực về mặt tài chính. Và chúng tôi có mặt ở Việt Nam vì chúng tôi nhìn vào những mục tiêu dài hạn, tiềm năng và khả năng tăng trưởng của thị trường bất động sản ở Việt Nam. 

Trong ngắn hạn hiện nay, có những khó khăn nhất định nhưng nếu chúng tôi chỉ đầu tư và nhìn những mục tiêu ngắn hạn thì sẽ khó thấy được tiềm năng và phát triển lâu dài được ở Việt Nam”.

Không đợi khủng hoảng mới tái cấu trúc

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan)

“Hiện nay, Chính phủ đang kêu gọi tái cấu trúc các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với Vissan, không phải bây giờ mới bắt tay vào tái cấu trúc mà chúng tôi đã làm thường xuyên, sau những khó khăn của nền kinh tế từ 4 -5 năm trước.

Thực tế hiện vẫn có không ít doanh nghiệp ỷ lại, chờ đợi tình hình tốt đẹp hơn, nhưng  cũng có nhiều doanh nghiệp đã biết tái cấu trúc để có được sức mạnh.

Là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 5 năm trước, chúng tôi đã bắt tay vào tái cấu trúc bộ máy, nhân sự, công nghệ..

Đặc biệt, với một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, liên quan đến nhiều khâu, từ chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ... nên chúng tôi đã và đang thực hiện quy trình khép kín trong sản xuất để đảm bảo hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ làm hết mà phân công ra từng công đoạn, sau đó kết hợp với nhau lại, trong đó chúng tôi luôn giữ vai trò chủ động.

Theo tôi, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng vậy, nếu bộ máy doanh nghiệp cồng kềnh thì tất yếu sẽ kém hiệu quả. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực phải gắn với tái cơ cấu bộ máy quản lý.

Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp phải biết sống với sự chuyển đổi, đổi mới, sáng suốt nhìn nhận tình hình một cách khách quan và lạc quan. Phải tận dụng những thay đổi đó để tồn tại, phát triển và quan trọng hơn là để “thay máu” trong mỗi doanh nghiệp”.

Vẫn nhìn thấy cơ hội lâu dài

Ông Cheong Ho Kuan, Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam

“Những năm trước ở các nước khác thì khủng hoảng kinh tế cũng đã xảy ra rồi, do vậy những doanh nghiệp nào không có tiềm lực thực sự sẽ không tồn tại được. Hiện chúng tôi cũng đang phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, song vẫn nhìn thấy cơ hội lâu dài tại Việt Nam, cho dù đây là một thị trường cạnh tranh và đầy thách thức.

Nhưng dù kinh tế khó khăn hay thuận lợi thì người dân vẫn cần phải mua nhà. Tôi vẫn lạc quan về kinh tế Việt Nam, những khó khăn này sẽ sớm qua nhanh. Chúng tôi tin rằng sức mua bất động sản vẫn rất cao nên thị trường rất tiềm năng.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tung ta những kế hoạch khai trương, nhưng cẩn trọng khi đưa ra thị trường sản phẩm phù hợp với khả năng và nhu cầu của người dân Việt. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông và phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Người Việt vẫn thường nói “Lửa thử vàng...”, đúng là trong khó khăn chúng tôi vẫn luôn thấy cơ hội và nó cũng giúp chúng tôi thể hiện được bản lĩnh và năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp”.

Đang có những tia sáng

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Nếu nhìn vào chỉ số kinh tế vĩ mô hoặc theo đánh giá của một số định chế tài chính quốc tế thì hiện nay Việt Nam đang có những tia sáng, như lạm phát giảm, thâm hụt ngân sách giảm, thâm hụt thương mại, cán cân vãng lai giảm, dự trữ ngoại tệ tăng chút ít. Và lần đầu tiên, sau hai năm, cán cân thanh toán Việt Nam có thặng dư một vài tỷ USD. 

Tuy nhiên, thời gian qua có hai khó khăn nổi lên rất rõ đối với Việt Nam. Thứ nhất là doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa, dừng sản xuất. Thứ hai là chưa bao giờ các ngân hàng, định chế tài chính của Việt Nam lại đối mặt với những khó khăn lớn như thanh khoản, nợ xấu, tuy hiện nay có đôi chút cải thiện. 

Dù vậy, năm nay, lựa chọn chính sách của Việt Nam vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và bắt đầu đi vào cách thức phát triển, tăng trưởng đối với các lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tài chính ngân hàng. 

Trong đó, trước mắt, một vài tháng tới, việc giải quyết thanh khoản hệ thống ngân hàng và xử lý các ngân hàng yếu kém nhất là khâu trọng tâm và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố rất rõ ràng về vấn đề này. Xu hướng lạm phát giảm nếu không có cú sốc quá lớn từ bên ngoài. Và hy vọng lãi suất có thể hạ cuối quý 2.

Thứ hai là tỷ giá, gần như năm nay chắc chắn rằng sẽ không có cú sốc tỷ giá như năm 2011, có thể có điều chỉnh nhưng không quá 3 - 4%. Mặc dù áp lực tỷ giá hiện nay vẫn có nhưng nhẹ hơn rất nhiều so với năm 2011. 

Thứ ba là công cuộc tái cấu trúc sẽ bắt đầu khởi động. Điều này được Chính phủ thể hiện quyết tâm rất lớn.

Đó là những tia sáng cho doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp biết sống với những cú sốc, biết liên kết và biết quản trị rủi ro tốt hơn”.

2011 khó khăn hơn cả 2008

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

“Ngành may mặc tỷ lệ xuất khẩu rất cao nên mọi ảnh hưởng của kinh tế thế giới, khu vực đều có tác động đến doanh nghiệp. Tôi thấy năm 2011 khó khăn rất nhiều và khó hơn cả năm 2008, nhưng đến năm 2012, cảm nhận của tôi cũng khó khăn hơn. 

Thực tế các doanh nghiệp dệt may thường xuyên phải chống bão như ở miền Trung. Không chỉ May 10 mà tất cả các doanh nghiệp dệt may, áp lực lớn nhất là chi phí nhân công. Nếu như khủng hoảng xảy ra, chúng tôi đứng trước động thái là bảo vệ và giữ người lao động, để khi qua rồi người ta lại cùng chung sức với mình. 

Cách đi và kinh nghiệm trong những năm qua thực ra chẳng có gì mới, chỉ có duy nhất một cái mới là nói thì làm. Ví dụ đã bảo tiết kiệm thì phải tiết kiệm từ tổng giám đốc trở xuống cho đến người công nhân. Nguyên tắc của tiết kiệm là từ những việc lớn như đầu tư cho đến những việc nhỏ, đến chi phí hàng ngày như giấy, bút…

Thứ hai cũng rất quan trọng, là công tác nghiên cứu tổ chức sản xuất để năng suất cao, chất lượng phải tốt, hay quản trị sản xuất, đơn hàng tốt… đó cũng là góp phần làm giảm chi phí. Và việc tăng giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh chính là sự nghiên cứu, đúc kết, sáng tạo. Chính cái đó sẽ làm giảm chi phí và tăng hiệu quả. 

Và biện pháp thứ ba là công tác tuyên truyền, giáo dục, để cho mọi người và chia sẻ với mình. Khi mỗi người hiểu và chia sẻ với mình thì, chỉ cần mỗi một người, một ngày tiết kiệm một đồng nhân lên với 365 này nhân với 8.000 người của May 10 thì con số đó cũng rất lớn. 

Với ba cách tiết kiệm như vậy thì dù có khủng hoảng hay không khủng hoảng, doanh nghiệp cũng có một môi trường, tác phong và thói quen tốt để vừa thích ứng và phát triển”

VNeconomy

.
.
.
.