2012: Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 113 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chín tháng đầu năm Việt Nam đã xuất siêu được 34 triệu USD, nếu không có yếu tố đột biến thì cả năm 2012 xuất khẩu có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.
Xuất khẩu dệt may đứng đầu các mặt hàng xuất khẩu thu ngoại tệ |
18 mặt hàng vượt 1 tỷ USD
Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng Chín do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/10, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng 8/2012.
Trong số đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt kim ngạch xuất khẩu 6,35 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2012.
Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước 83,789 tỷ USD, tăng 18,9% so cùng kỳ 2011; trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt gần 52,5 tỷ USD, chiếm tới 62,6% tổng kim ngạch.
Cũng theo ông Vỵ, hiện có 18 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Cụ thể, hàng dệt may đứng đầu với kim ngạch đạt 11,25 tỷ USD, kế đến là điện thoại các loại và linh kiện (8,55 tỷ USD); dầu thô (6,34 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (5,36 tỷ USD)...
Tuy nhiên, một số mặt hàng lại có dấu hiệu tăng chậm lại có thể ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu trong những năm tiếp theo, đơn cử là mặt hàng thủy sản và điều...
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều, chín tháng xuất khẩu mặt hàng này đạt trên 1 triệu USD, so với cùng kỳ tăng gần 39%, nhưng có thể thấy sự tăng trưởng vẫn không bền vững.
"Bên cạnh vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thì nhiều loại phí đang khiến các doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, ngoài ra thị trường tiêu thụ quá chậm, việc rút gọn lại đầu mối xuất khẩu, khó tiếp cận nguồn tín dụng cũng đang tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp...," ông Thanh nói.
Đánh giá bức tranh xuất khẩu thời gian tới, đại diện Vụ Kế hoạch cũng lo ngại khả năng năm 2013 sẽ khó đạt được mức tăng cao hơn từ 10% - 12%, bởi nguyên nhân về năng lực sản xuất và thị trường. Những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt như điện tử, nông lâm thủy sản... cũng khó tăng được công suất.
"Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, sản xuất suy giảm là dấu hiệu cần phải quan tâm để có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp," ông Vỵ nêu ý kiến.
Xuất siêu đạt 34 triệu USD
Cũng theo báo cáo của Vụ Kế hoạch thì kim ngạch nhập khẩu cả nước tháng 9/2012 ước đạt 83,755 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 43,87 tỷ USD, chiếm 52,3%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu trong chín tháng gồm: điện tử, máy tính và linh kiện, đạt kim ngạch 9,28 tỷ USD, tăng 80,9% so cùng kỳ 2011; xăng dầu đạt 7,08 tỷ USD, giảm 8,5%; vải đạt 5,07 tỷ USD, tăng 1,2%; sắt thép là 4,5 tỷ USD, giảm 4,3% về giá trị nhưng tăng 14,9% về lượng...
Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất chiếm 79,3%, riêng Trung Quốc chiếm hơn 24,7%, còn lại ASEAN chiếm hơn 18%, các nước Đông Á chiếm 56,8%. Nhập khẩu từ châu Á và châu Mỹ tăng tương ứng là 8,7% và 11,9%...
Như vậy, trong tháng 9/2012, cả nước nhập siêu 100 triệu USD nhưng tính chung chín tháng năm 2012, cả nước vẫn xuất siêu 34 triệu USD.
Trên cở sở những ý kiến đưa ra, Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng nhận định, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến xuất khẩu vẫn là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước tại thị trường chủ lực.
"Trước mắt có thể chưa ảnh hưởng lớn nhưng trong các năm tới thì mức độ này sẽ ngày càng gia tăng," Thứ trưởng nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, việc Xúc tiến thương mại sẽ là trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bên cạnh những thị trường truyền thống thì việc tập trung vào những thị trường có thể tiêu thụ được hàng hóa nhanh, ví dụ như: Campuchia, Lào, Myanmar đang là hướng để khơi thông thị trường.
"Xu hướng xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn tăng, nếu không có yếu tố đột biến tác động thì cả năm có thể đạt 113 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với kế hoạch đầu năm," lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết./.
Theo TTXVN