.
.

Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-12-2011 đến ngày 1-1-2012)

Thứ Tư, 04/01/2012|00:02

 

Trên toàn thế giới những ngày qua đã diễn ra các buổi lễ hoành tráng đánh dấu sự kết thúc của năm 2011 và đón chào năm mới 2012. Thời tiết xấu khiến một số sự kiện ngoài trời ở New Zealand bị hủy bỏ song một màn pháo hoa ngoạn mục vẫn diễn ra tại Sky Tower của thủ đô Auckland. Samoa và Tokelau là những địa điểm đầu tiên trên thế giới đón chào năm mới 2012.

1. Pakistan - Ấn Độ bắt đầu đối thoại về hạt nhân 

 

Ngày 26-12-2011, Pakistan và Ấn Độ đã bắt đầu cuộc đàm phán về hạt nhân

Ngày 26-12-2011, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, các quan chức Pakistan và Ấn Độ đã bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài hai ngày về Các biện pháp xây dựng lòng tin hạt nhân và thông thường (CBMs), một phần trong tiến trình đối thoại song phương giữa hai quốc gia Nam Á này. Các quan chức cho hay hai bên sẽ thảo luận CBMs thông thường vào ngày 26-12 và các vấn đề hạt nhân vào ngày 27-12. Cụ thể, trong số các vấn đề dự kiến được thảo luận là CBMs liên quan tới khu vực Jammu và Kashmir, các vụ thử tên lửa và các biện pháp nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch qua ranh giới kiểm soát (LoC) giữa hai nước. Hai bên cũng tiến hành thảo luận về một thỏa thuận giải giáp vũ khí dọc LoC, các vấn đề về an ninh hạt nhân, thăm dò khả năng mở rộng quy mô CBMs hạt nhân, trong đó có cơ chế thông báo trước các vụ thử tên lửa hành trình... Đây là cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác chung Pakistan - Ấn Độ bàn về CBMs trong hơn 4 năm qua dù trước đó, hai bên đã tiến hành các cuộc gặp để thảo luận về vấn đề này. Islamabad và New Delhi đã nối lại tiến trình đối thoại hồi đầu năm nay sau hơn 2 năm gián đoạn vì vụ tấn công khủng bố tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ hồi năm 2008. 

2. Liên hợp quốc thông qua 46 nghị quyết về kinh tế toàn cầu 

Ngày 27-12-2011, trong phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua 46 nghị quyết về các vấn đề kinh tế và tài chính toàn cầu. Các nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhấn mạnh nguy cơ dễ bị tổn thương của thế giới đang phát triển trước các cuộc khủng hoảng toàn cầu; kêu gọi tăng cường những nỗ lực quốc tế để phát triển các công nghệ nông nghiệp bền vững và chuyển giao cho các nước đang phát triển một cách công bằng. Liên hợp quốc cần thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trao đổi kinh nghiệm giữa các nước về cách thức tăng cường nông nghiệp bền vững và các thực tiễn quản lý hiệu quả. Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực thông qua ổn định giá; cho vay và vay nợ có trách nhiệm để ngăn ngừa nguy cơ nợ không bền vững; cải thiện cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất ở châu Phi thông qua trợ giúp công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đại hội đồng Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong phát triển, cải thiện cơ sở nguồn nhân lực. Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu bật nhu cầu cấp thiết thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nước và trong mỗi nước, cũng như trách nhiệm của các chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách công và dịch vụ công thông qua sử dụng công nghệ này. 

3. Brazil trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới 

 

  Brazil đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và châu Á

 

Ngày 27-12-2011, theo Bảng xếp hạng các liên minh kinh tế thế giới của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), Brazil đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và châu Á. CEBR của Anh cũng dự đoán rằng, nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm tới đây, Nga và Ấn Độ sẽ đẩy Anh xuống vị trí thứ 8. Cũng theo nghiên cứu của CEBR, Pháp thậm chí còn phải đứng ở vị trí thứ 9 sau Anh. Trong khi đó, Đức sẽ trượt xuống vị trí thứ 7. Liên minh châu Âu vẫn duy trì được vị trí là khối kinh tế tập thể lớn nhất thế giới, mặc dù theo dự báo cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này sẽ tác động ngược trở lại kinh tế toàn cầu. CEBR nhận định, tỷ lệ tăng trưởng của toàn thế giới sẽ giảm còn 2,5% năm 2012. Bên cạnh đó, CEBR cũng cảnh báo rằng, có thể “một hoặc nhiều nước bị phá sản, phải rời khỏi Eurozone, các ngân hàng sẽ vỡ nợ và cần đến cứu trợ”. Viễn cảnh này sẽ làm con số tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu giảm xuống 1,1% năm 2012. Các nước châu Âu thậm chí sẽ còn tăng chậm hơn cả năm nay, chỉ số GDP giảm 0,6% và có khả năng giảm tới 2% nếu Eurozone sụp đổ. Theo dự báo của CEBR, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng lạc quan hơn, ước đạt 1,8% trong năm 2012. Trung Quốc sẽ tăng 7,6% và Ấn Độ tăng 6% trong năm tới. 

4. Bosnia và Herzegovina đạt thỏa thuận lập chính phủ 

Ngày 28-12-2011, các đảng phái của ba cộng đồng dân tộc ở Bosnia và Herzegovina - gồm Hồi giáo Bosnia, Croatia và Serbia - đã nhất trí thành lập chính quyền trung ương, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 14 tháng làm tê liệt quốc gia vùng Balkan này, ngăn cản nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) của họ. Phát biểu với báo giới, người đứng đầu đảng SDA của người Hồi giáo Sulejman Tihic cho biết, các bên đã đạt thỏa thuận về thành phần chính phủ mới, cũng như 2 đạo luật liên quan đến các tiêu chí gia nhập EU gồm thống kê dân số và phân bổ nguồn tài trợ từ chính phủ. Người đứng đầu cộng đồng người Croatia Dragan Covic cho rằng, thỏa thuận phản ánh mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các cộng đồng và mở đường để chính phủ mới ổn định tình hình kinh tế và chính trị của đất nước. Người đứng đầu cộng đồng người Serbia Milorad Dodik ca ngợi thỏa thuận trên là một thắng lợi, phản ánh sự thỏa hiệp và tin cậy lẫn nhau giữa 3 cộng đồng sau nhiều tháng tranh cãi về việc phân chia các chức vụ trong chính phủ mới. Đặc phái viên EU tại Bosnia và Herzegovina Peter Sorensen hoan nghênh thỏa thuận giữa các cộng đồng dân tộc tại nước sở tại, khẳng định sự thỏa hiệp giữa các cộng đồng này có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến các bước đi tiến tới hội nhập EU. Theo thỏa thuận trên, đảng của cộng đồng người Croatia được quyền giới thiệu người giữ chức thủ tướng và phải trình đề cử của mình lên tổng thống trong ngày 29-12. Nếu được tổng thống phê chuẩn, quyết định này còn phải được Quốc hội trung ương thông qua. 9 chức vụ bộ trưởng sẽ được phân chia cho các chính đảng của ba cộng đồng dân tộc. Nhiều khả năng chức bộ trưởng ngoại giao sẽ thuộc về đảng của người Hồi giáo. 

5. Liên hợp quốc nêu bốn trọng tâm hoạt động trong năm 2012 

Ngày 30-12-2011, trong thông điệp khép lại năm 2011 hướng đến năm 2012, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser đã hối thúc các nước thành viên đoàn kết hơn nữa trong năm 2012 và đưa ra bốn vấn đề trọng tâm Liên hợp quốc cần tập trung trong thời gian còn lại của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 66. Đó là Liên hợp quốc và các nước thành viên phải tham gia giải quyết hòa bình các tranh chấp, đặc biệt là tại Trung Đông. Thứ hai, là vấn đề cải cách và cải tổ Liên hợp quốc. Ngoài các cuộc đàm phán liên chính phủ về cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang diễn ra cũng cần phải chú trọng tới đổi mới Đại Hội đồng Liên hợp quốc và những hoạt động khác để nâng cao sức mạnh của hệ thống Liên hợp quốc. Thứ ba là nâng cao nỗ lực trong việc cải thiện khả năng phòng chống và đối phó với những thiên tai. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chia sẽ các bài học và cải thiện các hệ thống cảnh báo và phản ứng nhanh trên toàn thế giới, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn cần phải cố gắng hơn trong việc thực hiện các chính sách và biện pháp có thể giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, cũng như giải quyết và ngăn chặn những thảm hoạ do con người gây ra. Cuối cùng là thúc đẩy phát triển bền vững và sự thịnh vượng chung trên toàn cầu. Chủ tịch Al-Nasser nêu rõ, cộng đồng quốc tế cần cố gắng thực hiện các biện pháp đối phó hiệu quả với những thách thức cấp bách về xã hội, kinh tế và môi trường hiện nay. 

6. Tổng thống Mỹ ký dự luật trừng phạt mới với Iran 

Ngày 31-12-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thành luật các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới nhằm vào Ngân hàng Trung ương và ngành tài chính của Iran. Các biện pháp trừng phạt trên nằm trong một dự luật quốc phòng trị giá 662 tỉ USD mà các quan chức nói rằng ông B.Obama đã ký thông qua dù lo ngại nó có thể khiến nỗ lực xây dựng một mặt trận quốc tế chống Tehran trở nên phức tạp hơn. Theo dự luật vừa được ký, các công ty nước ngoài phải lựa chọn: hoặc là làm ăn với ngành dầu mỏ và tài chính của Iran, hoặc làm ăn với nền kinh tế và tài chính hùng mạnh của nước Mỹ. Các ngân hàng nước ngoài hợp tác với Ngân hàng Trung ương Iran trong các giao dịch dầu mỏ cũng có thể đối mặt với các chế tài tương tự. Điều này làm dấy lên quan ngại có thể gây tổn hại tới quan hệ giữa Mỹ với các nước như Nga và Trung Quốc. Trước đó, dự luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số phiếu ủng hộ để phản đối chương trình hạt nhân của Iran. Được biết, Nhà Trắng đã có các cuộc tranh luận gay gắt với Quốc hội Mỹ về các điều khoản thi hành dự luật này, do lo ngại các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran có thể gây ra hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu và đẩy giá dầu mỏ lên cao. Dự luật cũng cho phép ông B.Obama có quyền được bãi bỏ nó nếu ông thấy rằng nó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ. 

7. Thế giới đón chào năm mới 2012 

 

 

Thế giới đã được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa rực rỡ chào đón năm 2012

 

Trên toàn thế giới những ngày qua đã diễn ra các buổi lễ hoành tráng đánh dấu sự kết thúc của năm 2011 và chào đón năm mới 2012. Thời tiết xấu đã khiến một số sự kiện ngoài trời ở New Zealand bị hủy bỏ song một màn pháo hoa ngoạn mục vẫn diễn ra tại Sky Tower của thủ đô Auckland từ giữa đêm. Thành phố Sydney ở Australia cũng bắt đầu các lễ chào mừng năm mới bằng một màn pháo hoa rực rỡ. Samoa và Tokelau là những địa điểm đầu tiên trên thế giới đón chào năm mới 2012 sau khi bỏ qua một ngày để tiến về phía tây, vượt qua ranh giới thời gian quốc tế. Khi đồng hồ điểm thời khắc nửa đêm 29-12-2011 thì hai quốc đảo Nam Thái Bình Dương này chuyển luôn đến ngày 31-12-2011, bỏ qua ngày 30-12-2011. Samoa công bố quyết định này hồi tháng 5 nhằm cải thiện quan hệ với các đối tác thương mại lớn là Australia và New Zealand, sau đó nước Tokelau láng giềng quyết định theo gương vào tháng 10. Tại Paris và các thành phố châu Âu khác cũng là những địa điểm kế tiếp chào đón năm mới với hy vọng để lại sau lưng một năm cũ đầy những khó khăn kinh tế. Tại Anh, thời khắc giao thừa đánh dấu sự khởi đầu của một năm đầy những lễ hội quan trọng, trong đó có lễ kỷ niệm kim cương thời gian trị vì của Nữ hoàng và Olympic London. Tại Brazil cũng đã diễn ra màn pháo hoa ngoạn mục trên các bờ biển Rio de Janeiro. Hàng trăm nghìn người đã đổ ra Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) vào giữa đêm để tham gia vào một trong những lễ kỷ niệm hoành tráng nhất trên thế giới. 

8. Đan Mạch giữ chức chủ tịch Liên minh châu Âu năm 2012 

Ngày 1-1-2012, Đan Mạch đảm nhận cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 17 trong suốt 40 năm làm thành viên của tổ chức này. Chính phủ Đan Mạch sẽ có cơ hội ưu tiên cho những vấn đề và chính sách đặc biệt trong suốt 6 tháng nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Chính phủ Đan Mạch có toàn tuyền quyết định chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu bởi nhiều vấn đề phải cần đến sự giải quyết, thương thảo của Hội đồng hoặc Nghị viện châu Âu. Năm 2012, ở cương vị Chủ tịch Liên minh châu Âu, Chính phủ Đan Mạch đặt ra bốn ưu tiên: Một châu Âu có trách nhiệm; Một châu Âu năng động; Một châu Âu xanh; và Một châu Âu an toàn. So với nhiệm kỳ năm 2002, nhiệm kỳ năm 2012 của Đan Mạch sẽ rất khác. Nếu như năm 2002, mục tiêu chung của Liên minh châu Âu là hoàn thành các đàm phán mở rộng quy mô của Liên minh thì năm 2012, Đan Mạch sẽ phải đương đầu với rất nhiều vấn đề đao to búa lớn mà không hề dễ giải quyết như vậy. Một trong những vấn đề như thế là công cuộc cải tổ hệ thống Chính sách nông nghiệp chung của Liên minh châu Âu và việc thành lập một khuôn khổ kinh tế mới cho Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2014-2020. 

9. Mười năm đồng tiền chung châu Âu được lưu hành 

Ngày 1-1-2012 đánh dấu sự kiện tròn 10 năm đồng euro được lưu hành làm đồng tiền chung của 17 thành viên EU. Sự ra đời của đồng tiền này là kết quả của một quá trình rất dài, trải qua nhiều giai đoạn, đầy thăng trầm và cả không ít lần tưởng như thất bại của EU. Kết quả là sau 10 năm lưu hành, euro đã trở thành một đồng tiền mạnh cả trong chức năng phương tiện thanh toán ở châu Âu và dự trữ ngoại tệ trên thế giới - đó là thành tựu rất đáng nể của EU. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, vấn đề nợ công và mối đe dọa đối với đồng euro trong mấy năm vừa qua đã làm cho đồng tiền chung này trở thành nỗi lo nhiều hơn là niềm tự hào của EU. Đồng tiền này đã đóng vai trò quan trọng trong EU đến mức có thể nói việc EU tiếp tục tồn tại hay sụp đổ phụ thuộc vào sự ổn định hay tan vỡ của đồng euro. Chính vì thế mà EU phải tìm mọi cách và nỗ lực hết sức, chấp nhận trả mọi giá và sẵn sàng vứt bỏ không ít điều vốn được coi là cấm kỵ để giải cứu đồng tiền này. Hàng loạt hội nghị cấp cao của EU hay của nhóm Eurozone trong thời gian qua đều diễn ra và kết thúc theo hướng đó. Chưa khi nào, đồng euro lại bị thách thức và đe dọa như hiện tại. Chắc chắn nó sẽ không đổ vỡ, nhưng phải cần thêm nhiều thời gian mới khôi phục lại được uy tín và uy lực đã từng có trước khủng hoảng./.

 

 

Hà Bùi tổng hợp

 

.
.
.
.