.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Bảy, 25/02/2012|22:24

          Trong ngày 24/02/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

          1. Theo báo Người đại biểu nhân dân, sáng 24/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012 với chủ đề Quảng Ninh – Hội tụ và lan tỏa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham dự hội nghị.

          Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển. Để phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Thủ tướng nêu rõ, Quảng Ninh cần huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, với các hình thức thích hợp, trong đó ưu tiên các công trình có ý nghĩa chiến lược như, các tuyến giao thông đường bộ Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, đường nối Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hải Hà - Móng Cái, đường ven biển Thanh Hóa - Quảng Ninh; sân bay Vân Đồn... Cùng với đó, tỉnh có chính sách phù hợp, tạo ra những đột phá để sớm đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền lãnh thổ; phát triển thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn của cả nước, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái, biển đảo chất lượng cao và khu vui chơi giải trí phức hợp với quy mô lớn tại Khu kinh tế Vân Đồn. Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp để Quảng Ninh huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

          Tại Hội nghị, các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế… đã thẳng thắn đối thoại về những vấn đề phát triển KT - XH và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Quảng Ninh; đồng thời đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển mang tính liên vùng, góp phần thu hút nguồn lực tối đa cho phát triển KT - XH của cả nước.

          2. Các báo đưa tin, ngày 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp Đoàn Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, do Đại sứ Marantis, Phó Đại diện của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) dẫn đầu sang thăm làm việc tại Việt Nam.

          Đánh giá cao quan hệ phát triển hợp tác giữa hai bên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn, hai bên nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, cùng nỗ lực để có thể sớm hoàn thành đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược châu Á-Thái Bình Dương (TPP). Đại sứ Marantis, Phó Đại diện của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết, trong thời gian thăm và làm việc ở Việt Nam, đoàn đã làm việc với một số bộ, ngành để thảo luận và hoàn tất nội dung cơ bản Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiến hành đàm phán vào tháng 6/2012. Đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong việc chuẩn bị các nội dung của Hiệp định TPP, Đại sứ Marantis nhấn mạnh, Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam về kinh tế-thương mại; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đáp ứng những yêu cầu cao của vấn đề mà TPP đặt ra.

          3. Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh, báo chí Trung Quốc vừa qua đưa tin liên quan đến một số hoạt động của một số bộ ngành của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm đến nay như: Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc ra đảo Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần; Cục trưởng Cục thể thao Trung Quốc đến thăm đảo Phú Lâm, Quần đảo Hoàng Sa khảo sát tình hình triển khai hoạt động thể dục thể thao; Viện nghiên cứu Môi trường và Khảo sát công trình hải dương “Nam Hải” thực hiện dự án đo đặc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo điển hình ở quần đảo Hoàng Sa. Cục trưởng Cục ngư chính khu “Nam Hải” Trung Quốc cho biết Trung Quốc có kế hoạch về việc xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa và xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.

          Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những việc làm trên của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà  không được sự đồng ý của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

          Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nêu trên, cùng các bên liên quan hợp tác giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc DOC.

          4. Theo báo điện tử VOVNews, chiều 24/2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Ngài Edvard Nalbandian, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia và Phu nhân đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng hợp tác nhiều mặt với Armenia. Trước mắt, hai bên cần rà soát những vướng mắc, xây dựng hoàn thiện các hiệp định để làm cơ sở tăng cường hơn nữa sự hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo. Thông qua hợp tác với Việt Nam, Armenia cũng sẽ mở rộng quan hệ với các nước trong khối ASEAN khi hình thành cộng đồng kinh tế khu vực vào năm 2015. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng thời gian tới 2 bên cần đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi đoàn cấp cao và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Armenia tới đây sẽ cụ thể hóa sự hợp tác nhằm đưa mối quan hệ giữa 2 nước lên tầm cao mới.

          Bày tỏ vui mừng được đến thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và khẳng định 2 nước có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Bộ trưởng E. Nalbandia cho rằng, hiện nay, hợp tác kinh tế thương mại 2 nước chưa xứng với tiềm năng và mối quan hệ tốt đẹp. Do đó 2 bên cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa 2 nước, đồng thời tăng cường hợp tác trên các diễn đàn khu vực và trên thế giới, đưa mối quan hệ đi vào chiều sâu tương xứng với mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa 2 nước.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

          1. TTXVN đưa tin, theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1 tỷ USD, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2011. Theo cơ quan này, tính đến ngày 20/2/2012, cả nước có 65 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 910,9 triệu USD và 25 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 320 triệu USD. Tính chung cả số vốn cấp mới và tăng thêm, lượng vốn FDI vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 1,23 tỷ USD, bằng 45% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 994,29 triệu USD vốn đăng ký, bao gồm: 683,77 triệu USD của 26 dự án cấp phép mới và 310,52 triệu USD vốn tăng thêm của 21 dự án. Ngành xây dựng có vốn đăng ký đạt 12,5 triệu USD, bao gồm 3,05 triệu USD vốn đăng ký mới và 2 triệu USD vốn tăng thêm.

          Đáng chú ý trong tháng 2 qua, Hải Phòng là địa phương có số vốn đăng ký lớn nhất với 605,16 triệu USD, chiếm 49,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai. Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới trong tháng, Nhật Bản từ vị trí thứ 2 vươn lên thành nhà đầu tư lớn nhất với gần 1,1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh rằng năm 2012 sẽ không chú trọng vào lượng vốn thu hút được mà tập trung vào chất lượng vốn giải ngân và hiệu quả của các dự án.

          2. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam dẫn lời chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần không phải là lạm phát mà là khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nếu muốn ổn định vĩ mô thời điểm này phải giải quyết được thanh khoản.

          Theo chuyên gia này, ưu tiên trước mắt đó là phải giải quyết sự yếu kém trong vấn đề thanh khoản của các ngân hàng, sau đó mới chuyển sang xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát. Bởi thanh khoản mới là vấn đề đáng lo nhất hiện nay của chính sách tiền tệ. Giải quyết được thanh khoản mới giảm được lãi suất, giảm được lãi suất thì mới hồi phục được thị trường tài sản (đặc biệt là thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán), thị trường này phục hồi cũng giảm được nợ xấu của khu vực ngân hàng, từ đó mới thực hiện được thành công các mục đích tái cấu trúc nền kinh tế mà Chính phủ đề ra.

          3. Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất thành lập Ngân hàng Xây dựng. Theo Bộ, việc lập Ngân hàng Xây dựng là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội đất nước hiện nay, phù hợp với xu hướng phát triển về lĩnh vực ngân hàng xây dựng của các nước trên thế giới. Đặc biệt, sự ra đời của Ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động khác của ngành. Bên cạnh đó, ngân hàng này được kỳ vọng sẽ là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường bất động sản, góp phần quản lý, giúp thị trường địa ốc minh bạch bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.

          4. Theo báo Đầu tư, ngày 23/2 Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 373 về giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu. Theo đó, giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá loại phổ thông có đầu lọc sản xuất và tiêu thụ trong nước của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá như sau: Giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu bao cứng: 4.050 đồng/bao; giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu bao mềm: 3.450 đồng/bao. Đây là giá bán tại kho của doanh nghiệp sản xuất, đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; mỗi bao thuốc lá có 20 điếu thuốc.

          Quyết  định cũng nêu rõ, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá quy định giá bán sản phẩm thuốc lá điếu thuộc thẩm quyền của mình đảm bảo không thấp hơn giá bán tối thiểu theo quy định hiện hành. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất thuốc lá bán sản phẩm của mình thấp hơn giá bán tối thiểu đã quy định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3.

         5. Báo Tuổi trẻ đưa tin, hơn 20 doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực chế tạo máy bay trực thăng, công nghệ cao, chăm sóc sức khỏe, kiểm toán... vừa có chuyến khảo sát môi trường đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội từ ngày 21 đến 24-2.

Trong buổi gặp gỡ với UBND TP.HCM và các sở ban ngành mới đây, các doanh nghiệp Mỹ đặt nhiều câu hỏi xung quanh ba lĩnh vực y tế, thiết bị hàng không và nông nghiệp. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết hiện nay TP đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống đường sắt ngoại ô, bãi đậu xe tại trung tâm TP, các khu đô thị mới, bệnh viện, khu công nghệ kỹ thuật cao. Các ngành nghề được ưu tiên đầu tư phải không gây ô nhiễm và ứng dụng công nghệ cao...Cùng thời gian trên, một đoàn doanh nghiệp Anh trong các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ chăm sóc làm đẹp, giày dép, hàng tiêu dùng, tư vấn... cũng có chuyến gặp gỡ với khoảng 60 doanh nghiệp tại TP.HCM để tìm cơ hội hợp tác./.

                                                                                                              Thanh Tùng (tổng hợp)

 

 

.
.
.
.