.
.

Những điểm mới tạo thuận lợi cho thí sinh trong kỳ thi, tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2012

Thứ Năm, 08/03/2012|22:23

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), đến ngày 15-3, các trường THPT và các Sở GD và ÐT bắt đầu thu hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ÐKDT) đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) của thí sinh; chậm nhất đến 31-3 sẽ công bố các môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, gần đến ngày nhận hồ sơ ÐKDT và chuẩn bị cho việc hoàn thành chương trình, ôn thi tốt nghiệp THPT, tại buổi đối thoại trực tuyến của Bộ trưởng GD và ÐT vừa qua, nhiều phụ huynh, thí sinh tiếp tục quan tâm đến những điểm mới của quy chế thi tốt nghiệp THPT và thi, tuyển sinh ÐH, CÐ được ban hành ngày 5 và 6-3 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho biết, quy chế thi, tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2012 có một số điều chỉnh, bổ sung so với trước đây. Trong đó, Bộ GD và ÐT thực hiện tuyển thẳng ÐH với học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba; vào CÐ với học sinh đoạt giải khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012 các ngành đúng hoặc ngành gần với môn học sinh đoạt giải theo quy định. Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng ngành hoặc ngành gần theo môn học sinh đoạt giải, nếu dự thi ÐH, CÐ đủ số môn quy định, đạt từ điểm sàn CÐ trở lên, không có môn nào bị điểm 0 thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển. Mặt khác, năm 2012 các ÐH, học viện, trường ÐH, trường CÐ vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo.

Mặt khác, để giảm bớt khó khăn cho thí sinh, ngoài tổ chức ba cụm thi tại Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước, năm nay, Bộ GD và ÐT tổ chức thêm cụm thi Hải Phòng, (do Trường ÐH Hàng hải làm trưởng cụm) cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, có nguyện vọng học tại Trường ÐH Hàng hải và các trường ÐH đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, có nguyện vọng học tại Trường ÐH Vinh hoặc các trường ÐH đóng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được dự thi tại cụm thi Vinh (do Trường ÐH Vinh làm trưởng cụm thi).

Ðáng chú ý, trong kỳ thi năm 2012, các trường sẽ tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xác định chỉ tiêu và xét tuyển; không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Ðiểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30-11. Thí sinh dự thi nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ÐH. Ngoài ra, trong quá trình tuyển sinh năm nay, Bộ GD và ÐT không áp dụng hai điểm trong quy chế thi, tuyển sinh về mức chênh lệch điểm của các trường đóng tại vùng dân tộc và trường đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đào tạo nhân lực cho địa phương. Thay vào đó, Bộ GD và ÐT ưu tiên tuyển thẳng thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức một năm học, trước khi vào học chính thức; chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.

Cùng với những điểm mới trong quy chế thi, tuyển sinh ÐH, CÐ chính quy, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2012 cũng có những điều chỉnh đáng kể. Theo quy chế mới, năm 2012,  kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không bắt buộc tổ chức thi cụm và bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được trả về cho các tỉnh tự tổ chức theo hình thức phù hợp với điều kiện và năng lực địa phương. Giám đốc sở GD và ÐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi. Thí sinh của Hội đồng coi thi gồm học sinh của một hoặc nhiều trường phổ thông. Vấn đề thanh tra thi tốt nghiệp THPT cũng có thay đổi. Theo đó, Bộ trưởng GD và ÐT ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra thi tốt nghiệp của Bộ đến làm nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương, đơn vị tổ chức thi. Giám đốc các  Sở GD và ÐT ra quyết định thành lập đoàn thanh tra thi tại địa phương để giám sát, đôn đốc việc thực hiện quy chế trong tất cả các khâu của kỳ thi. Trong trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở GD và ÐT đề nghị ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để huy động cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh tham gia công tác thanh tra kỳ thi tại địa phương.

Những điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT và thi, tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2012 của Bộ GD và ÐT nhằm từng bước thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh. Trong đó, dự kiến đến năm 2020, khi Luật Giáo dục ÐH đi vào cuộc sống, có sự phân tầng ÐH cùng với công tác kiểm định chất lượng đi vào nền nếp, việc thi tuyển chỉ còn diễn ra ở các trường ÐH tốp đầu và các trường theo định hướng nghiên cứu, các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông. Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phạm Vũ Luận, những thay đổi trong các kỳ thi năm 2012, thí sinh, phụ huynh và những ai quan tâm nên tham khảo trên trang thông tin của Bộ. Thời gian vừa qua, việc các đơn vị in ấn cung cấp cuốn thông tin cần biết về thi tuyển sinh là không đáng tin cậy, vì đến ngày 6-3 vẫn còn 40 trường chưa đăng ký xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ GD và ÐT đã giao cho Nhà xuất bản GD xuất bản cuốn sách này do các vụ, cục của Bộ cân chỉnh các thông tin và sẽ phát hành trong thời gian sớm nhất để thí sinh có được thông tin kịp thời, chính xác... Bộ GD và ÐT sẽ nghiên cứu xem xét có thể thông tin thi cử sớm hơn về thi cử. Mặt khác, trên cơ sở các bộ, ngành, địa phương làm quy hoạch nguồn nhân lực, Bộ GD và ÐT  sẽ hoàn thiện cụ thể, chi tiết quy hoạch phát triển mạng lưới các trường ÐH, CÐ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để mở ngành, mở trường ở đâu và không nên mở ở đâu. Tính toán và thiết lập thông tin trên mạng in-tơ-nét và phương tiện thông tin đại chúng về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành nghề, khu vực, số lượng đang học chuẩn bị ra trường để các thế hệ sau chuẩn bị thi cử, lựa chọn ngành nghề phù hợp mục tiêu thực hiện đổi mới thi cử, nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Thành Sơn/ND
 
.
.
.
.