.
.

Những tin tức nổi bật trong ngày

Thứ Năm, 08/03/2012|09:45

Trong ngày 7/3/2012, một số báo chí đã có bài phản ánh những sự kiện nổi bật của đất nước và những vấn đề liên quan đến hoạt động của Khối Doanh nghiệp Trung ương như sau:

I- MỘT SỐ SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA ĐẤT NƯỚC

1. Các báo đưa tin, trong 2 ngày 5 và 6/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2, hai tháng đầu năm nay và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”

Từ sự phân tích những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng như phân tích dự báo tình hình, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu với các giải pháp quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt. Đi liền với đó phải duy trì được hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh; chống suy giảm kinh tế, giữ được tăng trưởng mở mức hợp lý, giải quyết tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

Kết luận Phiên họp, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá khách quan, đúng thực trạng tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Đũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những phản ứng chính sách nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thức tế nhằm thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội...

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng cần quyết liệt chỉ đạo điều hành để giữ vững sự ổn định về tỷ giá, có lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp; điều hành giá xăng dầu theo Nghị định. Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất ngân hàng, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn liền với giải quyết thanh khoản phải thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng. Trên cơ sở thị trường chứng khoán khởi sắc, cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhất là thông qua hình thức cổ phần hóa, đồng thời kiểm soát tốt thu chi ngân sách, giữ nhập siêu cả năm nay ở mức khoảng 10% (bằng năm 2011), cắt giảm đầu tư công, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Song song với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng hàng hóa tồn kho; quan tâm phát triển thị trường trong nước, đưa hàng hóa, dịch vụ về khu vực nông thôn; ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu… duy trì được tăng trưởng ở mức khoảng 6% trong năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; rà soát tình hình lao động, việc làm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp để tháo gỡ, không để mất ổn định; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội, các loại hình tội phạm; duy trì và thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, sớm có kết luận xác định nguyên nhân gây cháy, nổ xe, xây dựng các phương án để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ lụt khi mùa mưa bão đang đến gần...

2. Theo báo Đại biểu nhân dân, tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren, đặc biệt là Ủy ban kinh tế Việt - Nhật trong việc tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước. Chủ tịch nước cho rằng, cùng với duy trì tài trợ ODA cho Việt Nam, quan hệ kinh tế thương mại Nhật Bản- Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc, với vai trò tích cực của Liên đoàn trong việc khuyến khích thêm nhiều các doanh nghiệp thành viên của mình đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, môi trường. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh đầu tư thành công tại Việt Nam. Xuất phát từ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Việt Nam sớm ủng hộ việc Nhật Bản tham gia Hiệp định đối tác châu Á- Thái Bình Dương (TPP).

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren Yonekura Hiromasa bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, điện hạt nhân, khai khoáng.

3. TTXVN cho biết, sáng 7/3, Hội nghị toàn quốc sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng. Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định các nhóm biện pháp hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là giải pháp mang tính trọng tâm, xuyên suốt, mang tính cấp bách nhất; đồng thời khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu bước đầu, hội nghị lần này có trách nhiệm phân tích, làm rõ những mặt hạn chế, tồn tại và yếu kém trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Luật phòng chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, thảo luận, đề ra các biện pháp khắc phục nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tiếp theo.

4. Báo điện tử Chính phủ đưa tin, sáng 7/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cho biết, trong năm 2012, Bộ đồng thời triển khai 2 khối công việc, đó là tiếp tục đổi mới quản lý đào tạo giáo dục và chuẩn bị kế hoạch chiến lược cho giai đoạn sau 2012 - 2015. Bên cạnh đó tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước với các cơ sở có liên kết với nước ngoài, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chuẩn bị đề án dổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6. Trong đó, triển khai đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Buổi đối thoại nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến, kiến nghị, đề xuất…của đông đảo cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên… liên quan đến nội dung, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, vấn đề giảm tải …đối với tất cả các ngành, bậc, cấp học. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trao đổi về vấn đề mất cân đối trong ngành nghề đào tạo; về cơ chế chính sách đối với giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo viên hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục.

II- NHỮNG THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA KHỐI DNTW

1. Theo Báo điện tử VOVNews, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/3, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định không đồng ý với đề xuất thành lập Ngân hàng xây dựng. Lý do là nhu cầu thực tế hiện nay không cần đến một ngân hàng chuyên về lĩnh vực này và đã có tới 37 tổ chức tín dụng tham gia thị trường bất động sản. Bài báo dẫn lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "Trên thế giới không có ngân hàng nào chỉ chuyên cho vay để mua nhà. Việt Nam hiện nay đang có 37 tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước, ngân hàng nào cũng có phần hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Do vậy, có cần thiết thành lập 1 ngân hàng chỉ để làm cái việc đó không? Nhu cầu thực tế là không". Cũng theo Thống đốc, việc thành lập ngân hàng xây dựng, với năng lực tài chính như thế nào, có thể họ đáp ứng được nhu cầu thị trường trước mắt, thế nhưng họ có đảm bảo được sự lành mạnh của họ về lâu dài thì chưa có một luận cứ nào.

Trước đó, trong đề xuất, Bộ Xây dựng cho rằng, việc thành lập Ngân hàng Xây dựng sẽ góp phần hỗ trợ triển khai các chương trình xây dựng nhà ở quốc gia (như nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp tại đô thị...), các chương trình sản xuất vật liệu xây dựng, hoạt động khác của ngành. Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho thị trường bất động sản, góp phần quản lý, giúp thị trường địa ốc minh bạch bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội bất động sản Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

2. Thời báo Kinh tế Việt Nam phản ánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa gạo. Năm 2012, dự kiến sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 42,5 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 23,44 triệu tấn. Sau khi trừ đi tiêu dùng nội địa, ước tính lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ là khoảng 7,3 triệu tấn (chưa kể lượng tồn kho 1,06 triệu tấn gạo năm 2011 chuyển sang). Cũng từ trung tuần tháng 2/2012, lúa đông xuân tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch rộ, lượng lúa gạo hàng hóa cần tiêu thụ lớn. Nhưng thị trường xuất khẩu đang khó khăn (lượng hợp đồng đã đăng ký tính đến 23/2 được 1,55 triệu tấn, giảm 26,3% so cùng kỳ năm trước).

Trước tình hình này, để giảm tối đa thua thiệt cho người trồng lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chuẩn bị phương án phân bổ cho các đơn vị thành viên mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Thời gian triển khai mua tạm trữ dự kiến từ 15/3 đến ngày 30/4/2012. Thời gian tạm trữ là 3 tháng và được hưởng cơ chế hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị đủ nguồn vốn cho các doanh nghiệp được giao mua tạm trữ vay để thu mua lúa gạo. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VFA sẽ tổ chức, giám sát thực hiện việc thu mua, hỗ trợ lãi suất.

Tính đến hết tháng 2/2012, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 756 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 473 triệu USD.

3. Báo Đầu tư dẫn thông tin từ  Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 2/2012, Cục đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu và gas, giải quyết dứt điểm các trường hợp bán lẻ xăng không đúng qui định. Qua đó, đã xử phạt hơn 3,400 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính tổng số tiền gần 3,6 tỷ đồng, tước giấy phép kinh doanh 14 trường hợp vi phạm về kinh doanh gas.

Cũng trong tháng 2, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch; Kiểm tra việc thực hiện bán theo giá đã đăng ký với các cơ quan chức năng đối với mặt hàng sữa; Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động thương nhân nước ngoài trực tiếp mua gom các hàng hóa được sản xuất trong nước như: nông sản, thực phẩm, thủy sản… theo quy định của pháp luật.

4. Các báo đưa tin, ngày 7/3, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa cho ra mắt Thẻ ghi nợ quốc tế Visa Debit 1Sky và thẻ Tín dụng quốc tế EMV Cremium Visa/ MasterCard.

Visa Debit 1Sky là thẻ ghi nợ quốc tế được phát hành cho các khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán VND mở tại VietinBank. Bên cạnh các tính năng giống các thẻ ghi nợ khác,  thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit 1Sky còn được sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán, mua sắm tại các điểm chấp nhận thẻ, điểm ứng tiền mặt trên thế giới…Thẻ Visa Debit 1Sky của VietinBank phát hành gồm 2 hạng thẻ: hạng chuẩn (hạn mức rút tiền tại ATM là 30 triệu đồng/ngày) và hạng vàng (hạn mức rút tiền tại ATM là 40 triệu đồng/ngày đặc biệt phù hợp với các khách hàng hay đi công tác nước ngoài, đi du học, du lịch….có nhu cầu chi tiêu, thanh toán trên toàn thế giới, các bạn trẻ yêu thích công nghệ và thường mua sắm qua mạng…

Đối với thẻ Tín dụng Quốc tế Cremium Visa & Cremium MasterCard công nghệ chip EMV (thẻ thông minh), là sản phẩm thẻ được gắn chip điện tử  với bộ vi xử lý như một máy tính thu nhỏ đa chức năng và ứng dụng.

Hiện tại, VietinBank đang có hơn 8 triệu thẻ ghi nợ E-Partner, 300.000 thẻ tín dụng, gần 2.000 máy ATM và hơn 20.000 đơn vị chấp nhận thẻ trên toàn quốc.

5. Theo báo Sài gòn Giải phóng, triển lãm quốc tế về khai thác khoáng sản và khôi phục tài nguyên lần đầu tiên tại Việt Nam (Mining Vietnam 2012) đã chính thức khai mạc sáng 7/3 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội). Triển lãm đã giới thiệu đến người xem hàng loạt sản phẩm trưng bày đa dạng, bao gồm các công nghệ, thiết bị và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất của hoạt động khai thác mỏ lộ thiên cũng như khai thác ngầm của 150 công ty đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. 40 công ty trong nước cũng đã góp mặt tại triển lãm này. Đặc biệt, nhóm gian hàng Úc là nhóm gian hàng lớn nhất tại triển lãm với 18 công ty tham dự, trong đó có những tên tuổi hàng đầu như AllightSkyes, Airwell Group, David Brown Gear…Bên cạnh Triển lãm là hàng loạt hội thảo và hội nghị chuyên đề, nhằm mang đến những thông tin cập nhật về khai thác mỏ lộ thiên, xử lý khoáng sản, hoạt động và vận chuyển mỏ ngầm, các quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 9/3.

 

Thanh Tùng (Tổng hợp)

.
.
.
.