.
.

Những dấu ấn đối ngoại của VCCI

Thứ Hai, 09/01/2012|23:38

 

(ĐUKDNTW) - Trên phương diện đối ngoại, vai trò và hoạt động của VCCI thể hiện ấn tượng qua những sự kiện như tổ chức các diễn đàn DN quốc tế và khu vực, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại với các nước theo những chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay Chính phủ.

Trong 4 năm trở lại đây, VCCI đã tổ chức tiếp đón và bố trí chương trình làm việc trên 300 đoàn với gần 12.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam. Tổ chức gần 100 đoàn với khoảng 4.500 DN Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư- kinh doanh và gần 600 cuộc hội thảo, gặp gỡ tiếp xúc DN với sự tham dự của hơn 85.000 DN. Một lần nữa khẳng định “thương hiệu” VCCI trong việc đại điện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và đầu tư, góp phần quảng bá Việt Nam đến với thế giới.

Vươn xa hơn

VCCI đã tổ chức các Diễn đàn DN với các thị trường theo những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Trung bình hàng năm tới vài chục diễn đàn này, đem lại những cơ hội cho DN Việt Nam và các đối tác kinh doanh khác trên thế giới. Một loạt các diễn đàn và hội đồng kinh doanh được thành lập và triển khai trong năm qua với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật, EU và Châu Phi. Hỗ trợ DN hội nhập quốc tế trong khuôn khổ  WTO. APEC, ASEAN. Bước đầu tham vấn cho Chính Phủ tại các cuộc đàm phán thương mại quốc tế (đàm phán hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương). Mức tăng trưởng bình quân của hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư do VCCI tổ chức khỏang trên 30%, hiệu quả được nâng lên.

Một điểm nhấn trong chính sách tăng cường xuất khẩu của Việt Nam đó là hướng vào những thị trường mới nổi, có tiềm năng lớn. Trong dòng chảy chung của tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay, đã xuất hiện hai xu hướng tích cực được điều chỉnh về phía các đối tác thương mại của Việt Nam rất đáng ghi nhận trong năm nay. Thứ nhất là việc tiếp cận sâu hơn đối với các thị trường mới ở khu vực châu Phi. Thứ hai là cân bằng hơn đối với các đối tác thương mại chính.Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Phi của Việt Nam mới ở mức khoảng 3,1 tỷ USD trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã lên tới 131%, riêng Nam Phi tăng 250%. Vì vậy, VCCI đã tạo điều kiện để DN tiếp cận những thị trường này thông qua tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông cuối tháng 8/2011 tại Hà Nội với sự tham gia của hàng trăm DN. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI  khẳng định đây là diễn đàn diễn ra hàng năm, nhằm phát huy lợi thế sẵn có để hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và Trung Đông. Xuất khẩu vào thị trường này là các mặt hàng gạo, nông sản, thực phẩm. Mới đây  các DN ngành xi măng cũng đã bắt đấu xuất những lô hàng đầu tiên sang thị trường này, một hướng đi mới trong bối cảnh ngành xây dựng BĐS trong nước đang gặp khó khăn. Tập đòan Viettel cũng là DN tiên phong của Việt Nam đầu tư tại thị trường này với các nước Châu Phi. New Zealand cũng nằm trong số các thị trường xuất khẩu mới của Việt Nam, có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao tới 29%..

Trong khi đó, tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao hơn bình quân chung. Các ví dụ điển hình là xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng tới 64% trong khi nhập khẩu tăng 34%; sang Trung Quốc tăng 58% trong khi chiều ngược lại tăng 21%; Nhật Bản tăng 37% và 14%; EU là 48% và 18%...

Điểm nhấn trọng tâm

Với quyết tâm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN(AEC) vào năm 2015 của giới lãnh đạo khu vực này, mục tiêu đề ra là đưa ASEAN trở thành một thị trường thống nhất , một nền sản xuất thống nhất và trở thành một thành phần mạnh hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy liên kết nội khối nhằm tận dụng cơ hội của nhau là một hướng đi chiến lược cho việc hình thành AEC.  

ASEAN BAC (Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN) cũng đang được VCCI đẩy mạnh nhằm kết nối và hợp tác mạnh mẽ trong cộng đồng DN ASEAN. Với tư cách là đại diện các DN lớn đặt trong mối quan hệ công – tư, ASEAN BAC có nhiều hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả, tạo ra các cơ chế đối thoại, tạo chuỗi liên kết trong cộng đồng DN ASEAN... một trong những hoạt động đó là phối hợp chặt chẽ với ASEAN CCI và ASEAN xây dựng chương trình “hành lang xanh” (ASEAN green land) nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hoá trong khu vực.

Nhận xét về tính hiệu quả của chương trình này, Tiến Sĩ Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch ASEAN BAC cho rằng, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa 6 nước ASEAN cũ và 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và VN), trước mắt, “hành lang xanh” chưa thể giúp DN các nước CLMV hưởng lợi trực tiếp. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai mô hình “hành lang xanh,” các nước CLMV có thể học hỏi kinh nghiệm để đến khi đạt đủ điều kiện cần thiết có thể áp dụng ngay mô hình này vào thực tiễn. Phía VCCI sẽ tập hợp và làm cầu nối cho các DN VN trong ngành logistics, các ngành phụ trợ, các hiệp hội chuyên ngành vận tải tham gia trực tiếp các dự án nâng cao năng lực quản lý logistics của ASEAN với các đối tác giàu kinh nghiệm như JETRO, Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)... Theo các chuyên gia, chuỗi liên kết trong cộng đồng DN ASEAN được hình thành sẽ tạo nên chuỗi giá trị của chính các DN trong khu vực, do các DN trong khu vực đóng vai trò then chốt, giải quyết những rào cản thương mại, hỗ trợ tiếp cận thị trường mới với các DN đi sau, cũng như phối hợp tốt trong tự vệ thương mại.

Vào tháng 9/ 2011 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn đầu đòan DN thăm một loạt nước láng giềng của khu vực ASEAN: Singapore, Philippin, Malayxia… Chuyến đi này một lần nữa khẳng định chính sách của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và các thành viên ASEAN. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Philippin do VCCI tổ chức, hàng loạt các hợp đồng lớn của các DN đã được ký kết. Đó là thỏa thuận hợp tác giữa Công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu Long An và Công ty Mayon Development về xuất nhập khẩu gạo và hạt điều trị giá 23 triệu USD và Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty cổ phần quốc tế Việt Thái và Công ty cổ phần IP Venture về hợp tác nhượng quyền kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống trị giá 25 triệu USD.  Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về xúc tiến đầu tư và thương mại giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines (PCCI). Cũng trong thời gian này, VCCI cũng tổ chức thêm hai diễn đàn DN tại Singapore và Malayxia theo chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Theo đánh giá chung thi các DN đều có “thu hoạch” lớn trong những chuyến đi này

Sự kiện đối ngoại gần nhất diễn ra trong tháng 11 đó là VCCI tổ chức thành công diễn đàn DN Việt Nam- Hoa Kỳ theo chuyến công du của Chủ tịch Trương Tấn Sang dự APEC tại Hawaii. Hội nghị APEC có sự tham dự của Chủ tịch nước Việt Nam lần này được đánh giá có tác động quan trọng đối với các nước châu Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng sẽ nỗ lực chuyển dịch trọng tâm đối ngoại của nước này về châu Á, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Washington với các nước trong khu vực đang phát triển năng động nhất thế giới này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Đối thoại diễn đàn doanh nghiệp Việt-Mỹ. Tham gia diễn đàn có đại diện gần 200 doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn do VCCI phối hợp với ĐH Tổng hợp Hawaii tổ chức.

2011 khép lại với một năm rất nhiều sự kiện của VCCI. Với mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN Việt Nam hơn, 2012 được đánh giá năm vẫn còn khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, một năm mới lại về hứa hẹn những nỗ lực mới của VCCI nhằm đưa hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, cơ hội kinh doanh tại Việt Nam đến với thế giới. Đồng thời cũng hỗ trợ cộng đồng DN trong nước chinh phục các thị trường quốc tế.

Lê Hiền

 

.
.
.
.