Bộ Công Thương xin ’tháo gỡ khó khăn’ các tập đoàn
Chính phủ cần bảo lãnh vốn vay nước ngoài đối với các dự án điện, than, hỗ trợ lãi suất cho các dự án cơ khí... là những giải pháp chính mà Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty.
Sau khi công bố đề án "giải cứu doanh nghiệp" hồi tháng 7, Bộ Công Thương đã đề xuất tới Chính phủ hàng loạt kiến nghị ưu đãi về vốn, thuế. Tuy nhiên, gói giải pháp này chỉ giải quyết khó khăn cụ thể của các ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty và các DNNN trực thuộc Bộ.
Trong đó, đáng chú ý nhất là kiến nghị về bảo lãnh tín dụng của Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) vay vốn ngân hàng nước ngoài dài hạn 10 năm trở lên để đầu tư phát triển mỏ mới. Các khoản vay này của TKV cần được sự bảo lãnh của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ cần phê duyệt tăng giá than bán cho điện, giảm thuế xuất khẩu than từ 20% hiện nay xuống 10%.
Đối với ngành điện, Bộ đề nghị Chính phủ ưu tiên vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, bảo lãnh cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vốn nước ngoài và cho Tập đoàn có cơ chế đặc biệt trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đứng ra đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á để bố trí vốn vay cho các công trình nguồn điện.
Một số dự án cụ thể của các Tổng công ty, Tập đoàn cũng được Bộ Công Thương xin Chính phủ ưu đãi riêng.
Ví dụ, ở dự án mở rộng Giang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 này, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Viettinbank tiếp tục cho chủ đầu tư- Tổng công ty Thép Việt Nam vay bổ sung đối với phần vốn tăng thêm của dự án.
Ở dự án bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Chính phủ cho phép tiến hành cơ cấu lại tài chính, sớm cổ phần hóa, nâng vốn Nhà nước sở hữu lên 30-50% giá trị nhà máy, giao Bộ Tài chính tiếp tục ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, bảo lãnh cho đến khi nhà máy đi vào sản xuất, trích được khấu hao mới trả nợ.
Dự án chế biến muối ở Lào của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng được Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ sớm chấp thuận đầu tư, được miễn thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, được vay vượt 15% vốn điều lệ từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cấp nước trong các khu công nghiệp dệt may được vay vốn ODA hoặc vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ môi trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành cơ khí được Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ giá mua máy móc cho nông dân và hưởng cơ chế chỉ định thầu ở các dự án vốn Nhà nước chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư kéo dài đến hết quý III năm 2013.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng kiến nghị cho xuất khẩu tinh quặng titan, quặng apatit đang tồn kho, giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% cho sản phẩm động cơ dưới 30cv, kéo dài thời gian giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp cơ khí đến hết năm 2013. Đồng thời, Chính phủ cần gia hạn thêm thời gian chuyển khoản cổ tức đối với các DNNN thuộc đã cổ phần hóa mà nay, Bộ là đại diện quyền chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại đây, có văn bản thông báo bổ sung kinh phí 50 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Trước đó, tại 2 hội nghị lấy ý kiến về đền án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tổ chức ở Hà Nội và Tp HCM hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, điểm mới của đề án là tập trung các giải pháp có thể thực hiện ngay như giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy mở đầu ra cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với đề xuất trên đây, dường như Bộ Công Thương chỉ "cứu" các DN thuộc Bộ, chú trọng các Tập đoàn, Tổng công ty cụ thể.
Phạm Huyền (Theo VET)