.
.

Báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng về tình hình thuyền viên Vinalines

Thứ Ba, 26/03/2013|16:50
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản trình Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về tình hình của các thủy thủ Vinalines do tàu bị bắt giữ ở nước ngoài và đề nghị có biện pháp giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
 
Văn bản báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) nêu lên những khó khăn của các thuyền viên 6 tàu đang bị giữ (trong đó có 94 thuyền viên đang làm việc trên tàu) do tranh chấp hàng hoá, nợ tiền dầu, hết hợp đồng cho thuê nhưng không có tiền để chạy tàu về Việt Nam. Trước Tết Qúy Tỵ, tình hình đời sống của các thuyền viên hết sức khó khăn do hàng tháng Công ty quản lý các tàu trên chỉ cung cấp được 15% tiền ăn, còn tiền dầu, nước ngọt, quần áo bảo hộ, thuốc men đều thiếu, không đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.
 
Báo cáo Chủ tịch nước, Thủ tướng về tình hình thuyền viên Vinalines

Để đảm bảo quyền lợi của các thủy thủ, Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN đã đề xuất và kiến nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm xem xét cụ thể từng trường hợp, kịp thời đề xuất các biện pháp giải quyết đảm bảo để tàu, thuyền viên Việt Nam được trở về nước.

Trong đó, TLĐLĐVN kiến nghị đối với đối với những tàu hết hợp đồng cho thuê, có thể lựa chọn một trong 2 phương án: Nếu có hướng tiếp tục cho thuê hoặc tìm đối tác để bán thì làm hợp đồng gửi tàu để thuyền viên Việt Nam được về nước đoàn tụ gia đình. Nếu việc gửi tàu tại nước ngoài quá tốn kém và vẫn phải có thuyền viên Việt Nam quản lý tàu thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo và cho phép Vinalines được vay với lãi suất ưu đãi bằng 0% từ Ngân hàng Phát triển để các tàu chạy về Việt Nam đảm bảo quyền lợi của thuyền viên và bảo toàn tài sản của đất nước.

Đối với tàu bị giữ do nợ tiền dầu, nếu số tiền nợ thuộc về Vinalines thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo và cho phép Vinalines được vay với lãi suất ưu đãi bằng 0% từ Ngân hàng Phát triển để trả nợ và mua dầu cho tàu chạy về Việt Nam đảm bảo quyền lợi của thuyền viên và bảo toàn tài sản. Nếu số tiền nợ thuộc về phía hợp đồng thuê tàu thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền nước sở tại làm việc với đối tác để giải quyết khoản nợ và có biện pháp hỗ trợ để tàu và thuyền viên được giải thoát, trở về Việt Nam. Với tàu bị giữ do tranh chấp hàng hoá hư hỏng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bên liên quan, sớm giải quyết tranh chấp để tàu và thuyền viên Việt Nam được trở về nước.

Trong thời gian giải quyết đề nghị Chính phủ chỉ đạo Vinalines có các biện pháp đảm bảo đời sống cho các thuyền viên.

TLĐLĐVN đề nghị Chủ tịch nước và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cuộc sống cho thuyền viên làm việc tại các tàu đang bị giữ hoặc không có tiền chạy về Việt Nam phải ở lại nước ngoài, đồng thời bảo toàn vốn và tài sản của đất nước.

Trước đó, trong dịp Tết Quý Tỵ, TLĐLĐVN đã cử một đoàn công tác đi thăm và động viên các thuyền viên của một số tàu nói trên. TLĐLĐVN ghi nhận những khốn khó của anh em thuyền viên đang giữ tàu ở nơi đất khách quê người và có nguyện vọng sớm được trở về nước để đoàn tụ với gia đình.

Như Dân trí đã đưa tin, thời gian qua, thuyền viên trên các tàu Hoa Sen, Sea Eagle, New Phoenix, Cái Lân 4, New Horison, Dinamond Way thuộc biên chế của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) thuộc Vinalines liên tục gửi thư kêu cứu về Việt Nam do tình hình sinh sống trên tàu bị bắt giữ và lưu giữ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, UAE. Phía Vinalines cho hay, hiện nay đã có nguồn hỗ trợ của Chính phủ để gửi tiền ăn và sinh hoạt phí hàng tháng cho anh em thuyền viên, tuy nhiên để trả nợ lương và đưa thuyền viên về nước thì phải chờ đến khi bán được tàu.

Quỳnh Anh

Theo Dân Trí

.
.
.
.