Hội nghị Khoa học "Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam"
Ngày 22/5/2018, Viện Dầu khí Việt Nam - đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam” (“More efficiency, toward sustainability”).
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Hội nghị được được tổ chức theo hình thức trình bày kết hợp với tọa đàm, thể hiện góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề: thực trạng, cơ hội và thách thức, xu thế phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngành Dầu khí Việt Nam. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn của Viện Dầu khí Việt Nam: Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp; đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý, chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao và quản trị rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động. Từ đó, Hội nghị tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cụ thể về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị và quản lý cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại Hội thảo, các bài trình bày của chuyên gia quốc tế đã tập trung phân tích các thách thức đối với lĩnh vực dầu khí đặc biệt là khâu thượng nguồn, dự báo xu hướng giá năng lượng đến năm 2040, từ đó đề xuất các giải pháp liên quan đến công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa danh mục đầu tư, xây dựng chiến lược cho toàn bể trầm tích, ứng dụng công nghệ mới… để giúp các công ty dầu khí tiết giảm chi phí và có thể cạnh tranh tốt hơn trong môi trường giá dầu thấp.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Viện Dầu khí Việt Nam trình bày các định hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại Hội thảo còn có các bài trình bày trong phân ban “Nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong bối cảnh giá dầu thấp”; Phân ban khai thác dầu khí: Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; Phân ban chế biến dầu khí: Xử lý và chế biến sâu khí có hàm lượng CO2 cao tại Việt Nam; Phân ban kinh tế quản lý: Quản lý rủi ro trong môi trường dầu khí có nhiều biến động, trong đó tập trung trao đổi, thảo luận việc nhận diện các rủi ro hiện nay, xu hướng phát triển cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực của các rủi ro. Hội nghị cũng thảo luận luận các mô hình, phương pháp tiếp cận, công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro trên thế giới. Cùng với việc xem xét thực trạng quản trị rủi ro hiện nay của Việt Nam đang ở mức độ nào, khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới ra sao; trao đổi, thảo luận và đề ra các bước đi để xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đề ra các hướng nghiên cứu, tư vấn cơ bản của Viện Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Cách đây 40 năm, ngày 22/5/1978, Viện Dầu khí Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đoàn nghiên cứu Địa chất Dầu khí chuyên đề 36B thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam. Sự kiện này đã chứng tỏ tầm nhìn xa, nhận thức đúng và kịp thời của thế hệ lãnh đạo Ngành đầu tiên đã xác định khoa học công nghệ phải đi trước một bước và Ngành Dầu khí Việt Nam muốn phát triển thì phải có một nền khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Với việc chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và có hiệu quả, Viện Dầu khí Việt Nam sau 40 năm phát triển đã khẳng định được vị thế, trở thành một tổ chức khoa học - công nghệ hàng đầu của công nghiệp dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực. Viện Dầu khí Việt Nam đã tư vấn cho Chính phủ xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể cho ngành Dầu khí Việt Nam, phản biện/thẩm định hàng trăm báo cáo trữ lượng, báo cáo kế hoạch phát triển mỏ đại cương, báo cáo kế hoạch phát triển mỏ tổng thể và báo cáo nghiên cứu khả thi, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ cho toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí, triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển….
TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Trong 40 năm qua, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và ngành Dầu khí Việt Nam tạo ra một tương lai đảm bảo năng lực cạnh tranh cao và bền vững bằng cách tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài sản và nghiên cứu để tạo ra những đột phá lớn; bao gồm đánh giá đầy đủ tiềm năng dầu khí trong toàn bộ thềm lục địa và lãnh thổ, duy trì hoạt động an toàn, ổn định với rủi ro trong tầm kiểm soát, tối ưu chi phí vận hành và tăng cường/nâng cao thu hồi dầu. Trong khi đó các đột phá về khoa học công nghệ đã và đang đạt được gồm có tìm thấy và khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, nghiên cứu năng lượng thay thế bao gồm nhiên liệu sinh học và khí hydrate, lập và triển khai các dự án quy mô lớn và có vai trò thay đổi ngành Dầu khí và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là áp dụng công nghệ số.
Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Viện Dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ theo 4 định hướng: Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp; Đẩy mạnh ứng dụng tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; Xử lý và chế biến khí giàu CO2 ở Việt Nam; Quản lý rủi ro trong bối cảnh ngành dầu khí nhiều biến động. Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam.
P.V