NHNN: Giảm lãi suất phù hợp diễn biến, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với chi phí thấp hơn, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Đây là khẳng định của ông Phạm Thanh Hà-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khi trao đổi thông tin với báo chí xung quanh động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN vừa qua.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-NHNN . |
Cụ thể, NHNN đã có Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
NHNN cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Về việc giảm lãi suất, ông Phạm Thanh Hà-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) phân tích: Trong giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm lãi suất điều hành.
Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng 2019, lạm phát CPI tăng 2,57%, lạm phát cơ bản tăng 1,9%), thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. NHNN thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được bảo đảm, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng.
Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước.
Do đó, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Về chủ trương điều hành trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho biết: NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Về tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%, thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
Theo các chuyên gia đánh giá: việc hạ lãi suất điều hành có thể khiến các thị trường được hưởng lợi. Khi lãi suất điều hành giảm như thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Thực tế, sau quyết định này hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, còn thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bớt căng thẳng hơn, giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp.
Trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư), còn trên thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên ngân hàng), lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.
Việc giảm lãi suất điều hành lúc này là cần thiết giúp tăng tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu (hiện năm nay đang bị suy giảm). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát, vì tiền được đẩy nhiều vào lưu thông nhiều hơn, tỉ giá cũng tăng lên.
Theo chinh phu.vn