.
.

Dấu ấn người lãnh đạo truyền lửa ở VNPT

Thứ Tư, 05/05/2021|14:45

Gần 30 năm trong Ngành, tham gia sớm vào tổ chức Đảng - Đoàn thể và chuyên môn ở các cấp đơn vị, đồng chí Phạm Đức Long đã cùng đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có nhiều quyết sách đột phá, đem lại những kết quả phát triển ấn tượng, khẳng định vị thế của Tập đoàn kinh tế - công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông và Công nghê thông tin (CNTT) ở Việt Nam.

Chính sự gương mẫu, đi đầu của đồng chí từ những việc như ham học hỏi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, quản lý kinh tế thích ứng với thị trường, đến nghiên cứu tìm ra những giải pháp hay, hướng đi mới cho đơn vị… đã truyền nguồn năng lượng tích cực cho đội ngũ cán bộ và người lao động trên toàn mạng lưới, nhân lên những hiệu quả và thành công cho Tập đoàn. Đó cũng chính là sự nêu gương của người đứng đầu trong thời kỳ mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thời gian qua, Đảng bộ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã chú trọng công tác đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Nhiều tấm gương tập thể và cá nhân ở các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ Tập đoàn đã được ghi nhận, khen thưởng với những hoạt động thiết thực, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng đảng cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của đơn vị. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến nhân vật “Người truyền lửa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Tập đoàn, đó là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long.

Vào ngành từ năm 1992, công tác tại Bưu điện Tp. HCM (nay là VNPT Tp. HCM), đồng chí Phạm Đức Long đã được lãnh đạo VNPT tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng như Trưởng phòng Viễn thông, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Viễn thông Thành phố. Từ tháng 12/2013, đồng chí đã được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng giám đốc VNPT và trở thành Tổng Giám đốc Tập đoàn từ tháng 4/2015. Đến tháng 11/2019, đồng chí được giao Phụ trách Hội đồng thành viên VNPT và từ ngày 12/6/2020 đồng chí chính thức được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn.

Thuộc thế hệ cán bộ trẻ 7x, trong những giai đoạn đó, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Phạm Đức Long cũng đều tích cực tham gia công tác Đảng ở đơn vị và có những cống hiến quan trọng về chuyên môn, giúp Tập đoàn VNPT đạt được nhiều thành tích nổi bật trong phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của ngành và của đất nước. Với vai trò là cán bộ đảng viên đứng đầu ở mỗi cấp đơn vị, đồng chí luôn gương mẫu và nêu gương trong các hoạt động đảng-đoàn thể cũng như trong điều hành hoạt động SXKD, đặc biệt là trong việc bền bỉ học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.

Nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả

Giai đoạn 2009-2012, với cương vị là Phó Giám đốc Viễn thông Tp. HCM phụ trách kinh doanh, trong bối cảnh doanh nghiệp phải chịu áp lực cạnh tranh với các nhà cung cấp khác trên thị trường, đồng chí Phạm Đức Long đã chỉ đạo triển khai các giải pháp phát triển SXKD trên tinh thần bám sát các chỉ tiêu kế hoạch, đưa bộ máy vào vận hành hiệu quả. Dịch vụ Vinaphone trả sau đã thu hút được nhiều khách hàng phát triển mới; đẩy mạnh chính sách bán hàng và CSKH cho doanh nghiệp lớn. Dịch vụ MegaVNN tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt hướng khách hàng vào sử dụng trọn gói nhằm tăng ARPU của dịch vụ. Còn dịch vụ FiberVNN tăng trưởng mạnh so cùng kỳ, đồng thời đã có những dấu hiệu tích cực với các chính sách đón đầu khách hàng hộ gia đình thông qua các gói cước mới. Hiệu quả của nhiều chính sách thu hút và CSKH lớn đã góp phần đẩy mạnh tăng doanh thu hàng năm của Viễn thông Tp.HCM.

Trong 2 năm 2012-2013, ở vị trí Giám đốc đơn vị, đồng chí Phạm Đức Long đã chỉ đạo xây dựng các chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, kinh doanh, đầu tư..., giúp VNPT Tp.HCM hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu, chênh lệch thu chi và đều có sự tăng trưởng cao. Đồng chí đã cùng Ban Giám đốc thực hiện chỉ đạo xây dựng bản đồ chiến lược của Viễn thông Thành phố và các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2013-2015 phù hợp với tình hình thị trường và môi trường cạnh tranh trên địa bàn. Chính trên cơ sở bản đồ chiến lược này, Viễn thông Tp.HCM đã xây dựng hệ thống Thẻ điểm cân bằng - nhằm biến chiến lược thành hành động phục vụ cho công tác quản trị chiến lược, điều hành SXKD. Với những nỗ lực đó, dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của đồng chí Phạm Đức Long, trong 3 năm 2010-2011-2013, Viễn thông Tp.HCM đã đạt Cờ Thi đua xuất sắc của Chính Phủ; riêng năm 2012, đơn vị đạt Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Người “cầm lái” đưa VNPT vượt qua khó khăn

Tham gia Ban lãnh đạo Tập đoàn từ tháng 12/2013 và đến tháng 11/2019 đảm nhận thêm vị trí Phó Bí thư Đảng ủy Phụ trách Đảng bộ Tập đoàn, Phụ trách Hội đồng thành viên VNPT, đồng chí Phạm Đức Long đã có rất nhiều cố gắng cùng với Ban lãnh đạo Tập đoàn và tập thể CBCNV hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện môi trường kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong phát biểu tại thời điểm nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc VNPT, đồng chí đã chia sẻ, đây là "thời khắc lịch sử" bởi Tập đoàn phải đổi mới, tái cơ cấu và phải tăng trưởng đột phá nâng cao hiệu quả SXKD, nâng cao thu nhập của người lao động. Với suy nghĩ đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Tập đoàn, đồng chí đã bày tỏ thể hiện khát khao: “Tôi muốn làm bùng lên ngọn lửa khát vọng của con người VNPT. Khát vọng làm thế nào khai phá thị trường dịch vụ mới tiềm năng là CNTT, khát vọng đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1 và vươn ra thế giới”.

Với sự dẫn dắt của đồng chí Phạm Đức Long cùng đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn, VNPT đã luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch SXKD hàng năm; hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước; Tập đoàn cam kết đã nộp đủ, đúng các loại thuế, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật và nộp đúng thời hạn. Thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015, đồng chí đã chủ động cùng với Ban lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo triển khai nhanh và đạt hiệu quả cao. Trong giai đoạn I tái cấu trúc, chỉ sau một thời gian ngắn VNPT đã có những chuyển biến khá tích cực. Tập đoàn đã áp dụng phương pháp quản trị hiện đại và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới. Đã thành lập và đưa 03 Tổng công ty trực thuộc chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày tháng 7/2015, là các Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) và Truyền thông (VNPT-Media).

Năm 2018 với Cuộc cách mạng 4.0, Tập đoàn đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thiết lập hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số cho các bộ, ngành địa phương thông qua cung cấp các giải pháp ứng dụng số, ứng dụng thông minh do VNPT tự nghiên cứu và phát triển. Tập đoàn đã bám sát Đề án chuyển đổi số quốc gia, định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu. Bản thân VNPT cũng đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số. Năm 2018 cũng là thời điểm VNPT đã tiến hành chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, với mục tiêu trở thành một Tập đoàn công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Việt Nam và là Trung tâm giao dịch số của khu vực Châu Á. Để hiện thực hóa chiến lược này, VNPT đã xây dựng giải pháp, dịch vụ số theo mô hình sở hữu các hệ sinh thái dựa trên các nền tảng công nghệ cao như: nền tảng media và dịch vụ truyền hình, Chính phủ điện tử, tích hợp Đô thị thông minh, IoT… 

Cũng trong năm này, VNPT đã tham gia tích cực và hiệu quả trong việc cùng xây dựng, thiết lập hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở tầm quốc gia, tham gia thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước như xây dựng Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giáo dục thông minh… thông qua việc cung cấp nhiều bộ giải pháp, ứng dụng cho các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp theo hướng bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng. VNPT cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam.

Năm 2019, VNPT đã cùng các bộ ngành, địa phương hoàn thành khung kiến trúc Chính quyền điện tử tiến tới mô hình Chính phủ số, hoàn thành các cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình chuẩn của chuyển đổi số, VNPT đã tư vấn cho các bộ, ngành địa phương tận dụng tất cả các hạ tầng đầu tư không lãng phí. Xây dựng các trục liên thông từ Trung ương tới địa phương trên cơ sở cái gì đang sử dụng hiệu quả ở địa phương sẽ tích hợp vào để tránh lãng phí. VNPT cũng đã mở rộng hạ tầng 4G làm nền tảng tốt nhất để khách hàng sử dụng vào các dịch vụ số, trở thành nhà cung cấp 4G có chất lượng cao nhất; đồng thời triển khai nghiên cứu và ứng dụng phát triển các sản phẩm 5G, đưa vào thí điểm và triển khai cung cấp dịch vụ khi có giấy phép. Hiện VNPT đã có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng phủ 100% cấp xã, đã chuyển dần mạng cáp đồng sang cáp quang, tiếp tục phủ cáp quang tới 100% hộ gia đình để thực hiện chuyển đổi số.

Cuối năm 2019, đồng chí Phạm Đức Long đảm nhận thêm các vị trí lãnh đạo Đảng ủy và Hội đồng thành viên VNPT từ người tiền nhiệm về nghỉ chế độ - là đồng chí Trần Mạnh Hùng. Dưới sự chèo lái của "thuyền trưởng" Phạm Đức Long, VNPT đã hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Năng suất lao động theo doanh thu trung bình đạt 1,521 tỷ/người, tăng 1,7%. VNPT đã vươn lên thứ 2 trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam...

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tập đoàn VNPT đã đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Đồng thời, VNPT đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, ứng dụng số - vừa góp phần chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Tập đoàn VNPT đã triển khai kịp thời các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thiết thực với những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo chất lượng mạng dịch vụ trước nhu cầu sử dụng tăng cao của toàn xã hội, Tập đoàn VNPT đã chủ động mở rộng và tăng cường năng lực mạng, tăng 50% dung lượng cho gói data, nâng tốc độ tất cả các thuê bao đang sử dụng các gói cước trên hệ thống lên mức 50Mbps, nâng tốc độ băng thông cho toàn bộ hệ thống trường học các cấp lên ở 2 mức, 150Mbps và 300Mbps; đồng thời miễn phí chương trình học từ xa VNPT Elearning phục vụ các nhà trường dạy online trong những ngày học sinh không tới trường do dịch bệnh…

Phấn đấu trở thành Tập đoàn công nghệ hàng đầu Quốc gia

Chia sẻ khi nhận quyết định Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn, đồng chí Phạm Đức Long bày tỏ: “Tôi ý thức được rằng bản thân phải nỗ lực hơn nữa, không ngừng học tập, rèn luyên trau dồi bản thân, tận tâm tận lực lãnh đạo đơn vị vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng Đảng bộ VNPT tiếp tục trong sạch vững mạnh, VNPT tiếp tục là doanh nghiệp nhà nước chủ lực trong lĩnh vực viễn thông và là doanh nghiệp trụ cột trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia". Sẽ tiếp tục học hỏi, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm quý báu của các đồng chí lãnh đạo VNPT qua các thời kỳ, nguyện đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết của mình, chung sức, đồng lòng cùng tập thể Ban chấp hành Đảng uỷ Tập đoàn và HĐTV chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy khối Doanh nghiệp TƯ, Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện các nhiệm vụ chính được giao; dẫn dắt để VNPT thực hiện thành công chiến lược VNPT4.0.

Theo đồng chí Long, Tập đoàn sẽ phải chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ. VNPT phải là một Tập đoàn công nghệ hàng đầu Quốc gia, tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - đúng với tinh thần Chỉ thị 01 ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. VNPT trở thành doanh nghiệp trụ cột, dẫn dắt chương trình chuyển đổi số quốc gia, bám sát tinh thần Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ chính trị về việc Việt Nam chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bám sát Quyết định số 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030.

Những tín hiệu vui gần đây càng khẳng định thêm vai trò không thể thiếu được của VNPT trong công cuộc phát triển nền kinh tế số của đất nước, khi mà lực lượng cán bộ trẻ của Tập đoàn đã làm chủ công nghệ, vượt qua thử thách để xây dựng thành công các nền tảng số cực kỳ quan trọng cho Nhà nước và các bộ ngành như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống điều hành thông minh cho Chính phủ, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công An. Trong những bước đi đột phá đầy nỗ lực đó của đội ngũ CBCNV - người lao động Tập đoàn luôn có những ánh hồng lan tỏa từ văn hóa doanh nghiệp VNPT thấm đẫm nhân văn, luôn có hình ảnh của một đồng chí cán bộ đảng viên gương mẫu, một người truyền lửa đầy khát vọng, thúc giục vươn lên - đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Phạm Đức Long./.

P.V

.
.
.
.