VCCI thống nhất chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản
Phản hồi đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần xem xét nội dung quy định các hành vi vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình.
Tổ công tác Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của một tàu cá vừa cập cảng Quy Nhơn. |
Bởi đối với hành vi ”sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không truyền thông tin về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá trong quá trình hoạt động”, dự thảo lại đang quy định khác nhau về khung xử phạt.
Cụ thể như, điểm c khoản 1 Điều 20 quy định xử phạt trong khung từ 300-500 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên hoặc từ 15 m đến dưới 24 m trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần. Trong khi đó, ở điểm c khoản 2 Điều 20 lại quy định xử phạt trong khung từ 500-700 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần. Chưa kể, ở điểm c khoản 6 Điều 35 có nội dung xử phạt trong khung từ ”100 triệu đồng đến 300.000.000 đồng” đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét.
Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng, vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định để đảm bảo tính thống nhất.
Về nội dung vi phạm quy định về đăng ký tàu cá VCCI thấy rằng, dự thảo quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm ”không đăng ký lại tàu cá theo quy định” là ”buộc phá dỡ hoặc chuyển đổi mục đích” là quá nặng.
Vì theo quy định tại khoản 1, Điều 22, Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đăng kiểm viên tàu cá công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá thì phải đăng ký lại tàu cá trong các trường hợp.
Cụ thể là, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá bị mất, bị rách nát, hư hỏng; thay đổi tên tàu, hô hiệu (nếu có) hoặc các thông số của tàu nhưng không làm ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật của tàu cá; thay đổi thông tin của chủ sở hữu trong giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; tàu cá hết thời hạn cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê; tàu đã được cấp giấy xác nhận đã đăng ký... Do đó, nếu áp dụng biện pháp khắc phục tháo dỡ hoặc buộc chuyển mục đích sử dụng trong những trường hợp đề cập là quá nặng. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
Đối với vi phạm quy định về quản lý cảng cá tại điều 40 của dự thảo có sử dụng khái niệm mang tính định tính ”kịp thời”. Ví dụ như không thông báo kịp thời, báo cáo không kịp thời... để xác định hành vi vi phạm là chưa đủ rõ ràng, có thể tạo ra sự tùy nghi trong việc áp dụng. VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn. Chẳng hạn như, xác định một khoảng thời gian cụ thể phải thực hiện hành vi thông báo, báo cáo.
Theo TTXVN