.
.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam triển khai kế hoạch năm 2023

Thứ Năm, 22/12/2022|22:33

Ngày 22/12,  tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các chi nhánh, đơn vị trực thuộc Tập đoàn. 

Đến dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ Ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng chí Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông; cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Ban, Phòng của Uỷ Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Thông tin & Truyền thông, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Chủ tịch Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái phát biểu khai mạc Hội nghị.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV VNPT Tô Dũng Thái khẳng định, để đạt được những kết quả tích cực, Tập đoàn đã nhất quán trong chỉ đạo để cụ thể hóa các chương trình hành động ngay từ đầu năm. Năm 2022, VNPT tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ, đặc biệt trong điều hành kinh doanh và tiền lương, tạo động lực để các đơn vị, cá nhân tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động. Những kết quả trên minh chứng cho những nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, khẳng định bước đi vững chắc của VNPT trong giai đoạn chuyển đổi số. Chủ tịch Tập đoàn nhấn mạnh, năm nay VNPT đã hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước và đội ngũ người lao động. Toàn thể CBCNV cùng nắm tay nhau đi về một hướng, VNPT nhất định thành công hơn nữa.

“VNPT áp dụng cơ chế tính lương thay đổi theo hướng giảm quỹ tiền lương duy trì, tăng quỹ tiền lương cho phát triển, từ đó tạo động lực để các đơn vị, cá nhân tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động. Nhờ đó, năng suất lao động năm 2022 tiếp tục được cải thiện, tăng 3,6% so với năm 2021, từ 1.526 tỷ đồng/người lên 1.581 tỷ đồng/người năm 2022”, đồng chí Tô Dũng Thái nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng chí Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết: Năm 2022, tổng doanh thu VNPT đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2%, đạt 97,5% kế hoạch; lợi nhuận đạt 6.629 tỷ đồng, bằng 104,6% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước đạt 5.228 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 9,35%. Đồng thời bảo đảm 100% việc làm và thu nhập ổn định ở mức khá cho người lao động.

Trong đó, doanh thu dịch vụ băng rộng cố định duy trì mức tăng trưởng 6% trong năm 2022, giữ vững thị phần vị trí số 1 trong các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay (39,06% thị phần). Dịch vụ truyền hình trả tiền có tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20% (trong 3 năm 2020-2022) và chiếm vị trí số 1 về thị phần. Doanh thu một số nhóm dịch vụ số có mức tăng khả quan như, hạ tầng số (tăng 57%), giáo dục số (tăng 74%), quản trị doanh nghiệp (tăng 68%). Đáng chú ý, năm 2022, VNPT đã hoàn thành phủ sóng 211 thôn bản trắng sóng và đã chia sẻ hơn 4.000 cơ sở hạ tầng di động dùng chung với các nhà mạng khác.

Về định hướng hoạt động năm 2023, đồng chí Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc VNPT cho rằng: Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của sự bất ổn khó lường về kinh tế, lạm phát và căng thẳng chính trị trên thế giới. Thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá hầu như không kiểm soát giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ICT đã và đang trải qua sự tăng trưởng nhanh doanh thu về data và dịch vụ số, trong khi doanh thu dịch vụ truyền thống giảm dần. Thị trường dịch vụ CNTT ngày càng nhiều loại hình doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ với sự linh hoạt, lanh lẹ với thị trường.

Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết về định hướng kinh doanh năm 2023.
Tổng Giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết về định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023.

“Trước những thách thức và cơ hội như vậy, VNPT xác định động lực để cạnh tranh và phát triển là chuyển đổi thành một Tập đoàn công nghệ, tham gia sâu rộng vào chuyển đổi số quốc gia, trong khi vẫn giữ vững các dịch vụ truyền thống là thế mạnh của một nhà mạng viễn thông hàng đầu. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự bền bỉ và sáng tạo hơn nữa của mỗi cá nhân cũng như những giải pháp cụ thể cho từng nhiệm vụ đặt ra”, Tổng Giám đốc VNPT chia sẻ. 

Tổng giám đốc VNPT khẳng định, năm 2023, Tập đoàn sẽ thực hiện 4 nội dung trọng tâm. Về tổ chức kinh doanh dịch vụ di động, VNPT sẽ tiếp tục với nội dung liên quan đến dữ liệu như: Áp dụng phân tích dữ liệu, dự báo thuê bao có thể chuẩn bị rời mạng để kiểm soát tỷ lệ hủy; thực hiện yêu cầu trách nhiệm đến cấp cá nhân về chất lượng mạng tại địa bàn để đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.

Đối với dịch vụ băng rộng cố định và MyTV, Tập đoàn tiếp tục đầu tư bổ sung năng lực mạng lõi, đường trục, bảo đảm trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng; phát triển tốt hơn hệ sinh thái sản phẩm cho hộ gia đình.

Với mảng dịch vụ số cho chính quyền, doanh nghiệp, VNPT tiếp tục chủ động trong các hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Cùng với đó, Tập đoàn tiếp tục giải pháp về cơ chế chi phí, tiền lương, tiền thưởng...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dịch vụ viễn thông truyền thống bị bão hòa và mức độ cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp chủ yếu cạnh tranh về giá và chất lượng không được cải thiện nhiều. Thị trường viễn thông năm 2022 chỉ tăng trưởng 1,6%, những thị trường mới tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại.

“Thủ tướng quyết định chưa cổ phần hóa VNPT. Lý do là doanh nghiệp nhà nước phải có sứ mạng của nhà nước. Chính phủ kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện chiến lược quốc gia để phát triển hạ tầng số. Đảng và Chính phủ đánh giá cao ngành Thông tin & Truyền thông khi đưa ra chuyển đổi số là phương thức rút ngắn con đường tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Doanh nghiệp nhà nước sẽ có chiến lược phát triển dài hạn trở thành trục cốt lõi để thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ.

Thứ trưởng lưu ý, cho dù đã làm tốt nhưng VNPT phải luôn luôn nghĩ đến cách làm mới, không nên hài lòng với những gì đã có. VNPT đã chuyển đổi số nội bộ, song phải làm mạnh hơn nữa. Thời gian qua, VNPT đưa dịch vụ CNTT vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Nếu phát triển rộng quá sẽ không đủ sức xử lý yêu cầu của khách hàng. 

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, xã hội đang chuyển đổi nhanh, hạ tầng viễn thông đến giai đoạn mở rộng; hạ tầng số là hạ tầng nền tảng để cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên đó. Vì vậy, VNPT phải đầu tư vào những không gian mới, bởi nếu cứ đầu tư vào hạ tầng cũ sẽ không mở rộng không gian phát triển. Hạ tầng số giúp cho các doanh nghiệp hiện đại và thông minh. VNPT có sứ mạng xây dựng hạ tầng số cho các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ trưởng cũng yêu cầu VNPT phải xử lý tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác gây hệ lụy xã hội. Và đây cũng là vấn đề bức xúc mà Bộ Thông tin & Truyền thông đang xử lý, nhằm tránh đối tượng sử dụng SIM rác để lừa đảo với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

P.V

 

 
.
.
.
.