Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tập trung nguồn vốn đầu tư cho “Tam nông”
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính Phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/02/2012 của Thống đốc NHNN, ngày 21/02/2012, Agribank đã công bố quyết định đồng loạt giảm lãi suất cho vay và thực hiện cho vay vốn phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2012. Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, năm 2012 Agribank tập trung nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay lĩnh vực phi sản xuất chuyển sang để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất. Thực hiện cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo các chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, vùng chuyên canh hàng hóa lớn.
Giảm lãi suất cho vay
Kể từ ngày 22/02/2012, Agribank đồng loạt giảm lãi suất cho vay bằng VND với mức giảm bình quân từ 1,0% - 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng vay vốn. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn: Chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất: lãi suất cho vay thấp nhất 15,5%/năm; Chi phí sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác: lãi suất cho vay thấp nhất 14,5%/năm; Chi phí sản xuất, thu mua, chế biến hàng nông sản thực phẩm tiêu dùng trong nước; chi phí cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp: lãi suất cho vay thấp nhất 16,5%/năm; Chi phí sản xuất kinh doanh đối với các ngành nghề khác: Lãi suất cho vay thấp nhất 17%/năm.
Lãi suất cho vay trung hạn, chi phí sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất: lãi suất cho vay thấp nhất 17%/năm; Chi phí sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác: lãi suất cho vay thấp nhất 17,5%/năm; Chi phí cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp: Lãi suất cho vay thấp nhất 18%/năm; Chi phí đối với các ngành nghề khác: Lãi suất cho vay thấp nhất 18,5%/năm.
Còn Lãi suất cho vay dài hạn thấp nhất 19%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất theo Chỉ thị 01/CT/NHNN ngày 01/03/2011 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012: Lãi suất cho vay thấp nhất 19%/năm.
Trao đổi với báo chí chiều ngày 21/02/2012 Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribak Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: “Việc giảm lãi suất cho vay trên diện rộng, đối với hầu hết khách hàng vay vốn là sự chia sẻ lợi ích tài chính của Agribank đối với cộng đồng khách hàng mà chủ yếu là các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vốn vay của Agribank để sản xuất kinh doanh các ngành nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn”.
Lãnh đạo Agribank công bố quyết định đồng loạt giảm lãi suất cho vay và thực hiện cho vay vốn phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2012 |
Theo báo cáo của Agribank, tính đến 31/12/2011, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế là 443.476 tỷ đồng, tăng 28.721 tỷ đồng so với 31/12/2010; tốc độ tăng 7% so với 2010. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 301.608 tỷ đồng, chiếm 68,01%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tăng 39.341 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng là 15% so với đầu năm.
Trong năm 2012, Agribank sẽ tập trung nguồn vốn (bao gồm cả nguồn thu nợ từ lĩnh vực cho vay lĩnh vực phi sản xuất chuyển sang) để đáp ứng cho nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng số vốn cho vay tăng thêm trong năm 2012 khoảng 54.000 tỷ đồng, tốc độ tăng 17%/so với năm 2011. Trong đó cho vay ngắn hạn tăng thêm trong năm 2012 là khoảng 44.000 tỷ đồng phục vụ chi phí sản xuất - kinh doanh; Vốn trung, dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ đồng, tập trung vào đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến nông thủy sản, chăn nuôi với công nghệ cao; chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cho vay kinh tế trang trại và hộ sản xuất.
Vốn cho vay các chương trình lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được tập trung cho vay nhu cầu chi phí mùa vụ đối với hộ nông dân trong tổng nhu cầu cho vay vốn ngắn hạn: 10.000 tỷ đồng, trong đó cho vay các loại cây trồng như: lúa: 5.400 tỷ đồng, ngô và cây có hạt khác: 350 tỷ đồng, mía: 1.300 tỷ đồng, rau, đậu: 200 tỷ đồng, các loại cây trồng khác: 2.750 tỷ đồng; Cho vay ngành lương thực: 20.950 tỷ đồng; Cho vay ngắn hạn: 18.500 tỷ đồng (Chế biến lương thực: 4.600 tỷ đồng, kinh doanh, xuất khẩu: 8.900 tỷ đồng, tạm trữ 5.000 tỷ đồng để dự trữ khoảng 100.000 tấn lúa); Cho vay trung, dài hạn: 2.450 tỷ đồng.
Cho vay ngành thủy sản:12.100 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn để sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản 9.900 tỷ đồng (cá Tra, cá Basa: 2.400 tỷ đồng, tôm 1.900 tỷ đồng, các loại thủy sản khác 5.600 tỷ đồng) còn lại là cho vay trung, dài hạn: 2.200 tỷ đồng. Agribank cũng đáp ứng vốn cho vay ngành cà phê: 3.800 tỷ đồng, trong đó cho vay ngắn hạn là 3.200 tỷ đồng (trồng, chế biến cà phê: 1.221 tỷ đồng; Kinh doanh, xuất khẩu: 1.979 tỷ đồng) và cho vay trung, dài hạn: 1.200 tỷ đồng.
Agribank cũng sẽ cung ứng vốn cho các ngành cao su: 2.300 tỷ đồng, điều, hồ tiêu là 1.600 tỷ đồng, chè là 1.000 tỷ đồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm: 13.300 tỷ đồng, Cho vay trung, dài hạn theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg: 2.478 tỷ đồng về giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, Agribank cũng tập trung cho vay hộ sản xuất và cá nhân như: Cho vay xuất khẩu lao động dự kiến dư nợ đến cuối năm 2012 đạt 150 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng (tăng 13%) so năm 2011; Cho vay thí điểm một số dự án cho 11 xã theo chương trình xây dựng nông thôn mới phấn đấu đạt dư nợ đến cuối năm 2012 là 400 tỷ đồng (tăng 15%) so năm 2011; ngoài ra Agribank còn nhận giúp đỡ 2 xã tại Thái Bình và Gia Lai để xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cho vay ưu đãi lãi suất đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30°: Năm 2012 Agribank sẽ tiếp tục đầu tư cho các nhu cầu của các huyện nghèo, phấn đấu dự nợ cho vay đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 170 tỷ đồng (tăng 14,6%) so năm 2011 để góp phần thúc đẩy các huyện nghèo có vốn sản xuất, vượt khỏi ngưỡng nghèo.
Agribank đã đề ra hàng loạt các giải pháp triển khai các chương trình cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong năm 2012 như: Áp dụng lãi suất hợp lý, các loại phí cạnh tranh với các NHTM khác; Cải tiến quy trình thủ tục cho vay cho phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn; theo phân loại khách hàng. Ban hành các quy định cụ thể về cho vay theo từng chương trình cho vay nêu trên; sản phẩm dịch vụ khác...phù hợp với từng thời kỳ, từng lĩnh vực ngành hàng, cho vay khép kín từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ... nhằm gắn kết giữa Nhà nông, Doanh nghiệp và Ngân hàng đảm bảo tính ổn định cho người sản xuất và doanh nghiệp. Gắn cho vay với cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác như: Thanh toán, mua bán ngoại tệ, tiền gửi, dịch vụ thẻ, dịch vụ kết nối thanh toán, thu thuế... đối với tất cả các khách hàng vay vốn. Chú trọng cho vay vốn các Dự án đầu tư đưa công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Đầu tư cho hệ thống quy trình kép kín có quy mô lớn từ nuôi trồng, chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các Tập đoàn, các Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng (Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc; Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam; Tập đoàn cao su Việt Nam; Tổng Công ty cà phê...). Bám sát Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí vốn và thực hiện các chương trình tín dụng để đảm bảo hiệu quả, hạn chế rủi ro...