.
.

7 dự thảo của Ngân hàng Nhà nước được chờ đợi

Thứ Sáu, 01/06/2012|22:29

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 29/5, Nhóm công tác ngân hàng bày tỏ sự quan tâm đến tiến độ của loạt dự thảo với những nội dung quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét lại giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét lại giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại

Trả lời các kiến nghị của Nhóm công tác ngân hàng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Minh Hưng nói Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy một số tín hiệu tích cực từ nền kinh tế để có thể đưa ra các quyết định điều hành mới linh hoạt hơn.

Theo ông Hưng, lạm phát đã trở về mức một con số và niềm tin vào các chỉ số vĩ mô đã được củng cố, chẳng hạn lãi suất cho vay giảm, tín dụng tuy giảm đang có xu hướng tăng từ tháng 3 trở lại đây trong khi trật tự kỷ cương trên thị trường tín dụng được đảm bảo.

Đó là những tiền đề quan trọng để theo vị quan chức này là “khi thị trường cho phép sẽ gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát”, những biện pháp mà Nhóm công tác ngân hàng đã bày tỏ sự quan ngại trước đó.

Ông Hưng cho biết việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được xem xét trên nguyên tắc ngân hàng nào có chất lượng tín dụng tốt thì sẽ được phân bổ chỉ tiêu cao hơn. Đối với các ngân hàng nước ngoài, việc này cũng sẽ được xem xét trong thời gian tới.

Theo định hướng đưa ra trước đó, sau 6 tháng đầu năm thực hiện việc phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành xem xét lại để có thể điều chỉnh cho phù hợp ở mỗi thành viên. Tuy nhiên, giới hạn lớn nhất là 17% có thay đổi tại mỗi thành viên hay không vẫn còn để ngỏ, còn khả năng mức tăng trưởng chung 15% - 17% cả năm đang có thực tế là tăng trưởng âm kéo dài thời gian qua.

Về cho vay ngoại tệ, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước vừa ban hành quy định cho phép tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài được cho vay ngoại tệ và quy định này áp dụng hết 31/12/2012. “Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, không lo thiếu hụt”, ông Hưng nói.

Về quy định góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam, Phó thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết việc này đang được “xem xét nghiêm túc” trên cơ sở Chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng thương mại mà Chính phủ vừa mới phê duyệt.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, ông Louis Taylor, Trưởng nhóm công tác ngân hàng đã nói rằng niềm tin vào hệ thống ngân hàng vẫn được duy trì, trước tiên là nhờ vào sự quản lý hiệu quả đối với tính thanh khoản chung, và việc xếp hạng sức khỏe ngân hàng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia đồng thời là Tổng giám đốc của Ngân hàng Standard Chartered Bank cho rằng nhóm này “quan tâm đặc biệt” đến tiến độ ban hành và tính chất của một số quy định gần đây.

Ông này nói rằng các quy định được soạn thảo và thi hành một cách nhanh chóng không hẳn luôn là các quy định tốt nhất, và có thể có hệ quả ngoài ý muốn và chưa lường trước được. Một số quy định gần đây đưa ra một số hạn chế hành chính mới trong các lĩnh vực lẽ ra nên được dựa trên cơ chế  thị trường, dẫu nhóm cũng tỏ ra “thông cảm” với Ngân hàng nhà nước, rằng đây chỉ là “những biện pháp hành chính mang tính chất tạm thời, và sẽ được gỡ bỏ ngay khi Ngân hàng Nhà nước xét thấy có thể”.

Có 7 bản nội dung hiện đang ở dạng dự thảo thu hút sự quan tâm của nhóm này, bao gồm dự thảo thông tư về tỷ giá kỳ hạn; các quy định của pháp lệnh quản lý ngoại hối; dự thảo thông tư về các công cụ phái sinh thay thế Thông tư 62; dự thảo thông tư về sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 13 về tỷ lệ bảo đảm an toàn; dự thảo thông tư thay thế Thông tư 1452 về giao dịch hối đoái trên thị trường ngoại tệ Việt Nam và dự thảo thông tư thay thế Thông tư 493 về phân loại nợ.
 
Hơn  nữa, nhóm cũng đã tiến hành các cuộc họp ở cấp làm việc với các vụ  khác nhau của Ngân hàng Nhà nước để trình bày ý kiến của mình và mong muốn tiếp tục đối thoại chặt chẽ hơn nữa với trong giai đoạn soạn thảo quy định mới.

Vẫn theo ông Louis Taylor, nhiều vấn đề về ngân hàng được nêu lên lâu nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên đây là điều “hoàn toàn có thể hiểu được” trong bối cảnh “nhu cầu cấp thiết của sự ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng đã chiếm trọn nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng gần đây”.

“Một số mục tiêu gần đạt được theo thời gian và điều này có nghĩa là nhiều trong số các hạn chế hành chính tạm thời có thể được gỡ bỏ; đặc biệt là khi tái cơ cấu ngành ngân hàng”, ông này đề xuất.

Hoài Ngân

.
.
.
.