.
.

Vì sao các doanh nghiệp kinh doanh cà-phê ở Tây Nguyên thua lỗ?

Thứ Bảy, 21/04/2012|08:43
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện gần 100 doanh nghiệp (DN), đại lý, hộ kinh doanh cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang"vỡ nợ" với con số có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ðáng chú ý số đại lý"vỡ nợ" vẫn đang không ngừng tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

Hiện trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc có 43 doanh nghiệp, đại lý kinh doanh cà-phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và 3.000 tấn cà-phê nhân, trong số đó có nhiều DN kinh doanh cà-phê"có tiếng" ở Buôn Hồ, Ea Hếleo...

Ở phần lớn các vụ"vỡ nợ", không phải vì trữ kho nhiều và giá cà-phê giảm khiến DN bị thua lỗ, mà các DN đều gặp khó khăn về thanh khoản khi giá cà-phê tăng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thói quen giao dịch của bà con và DN đã được hình thành từ nhiều năm nay. Việc nông dân gửi cà-phê sau thu hoạch vào kho của đại lý hay DN và chốt giá sau, tạo cơ hội giúp các DN chiếm dụng vốn.

Về bản chất, đây là hoạt động tốt và giúp cho cả DN sử dụng tốt hơn nguồn vốn kinh doanh và người nông dân tiết kiệm được chi phí chế biến, bảo quản và tiếp cận được nguồn hỗ trợ tài chính từ phía đại lý, DN trong quá trình canh tác. Song vấn đề này chỉ phát huy tác dụng khi DN thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro và quản trị dòng vốn, như sự việc đã xảy ra tại Công ty CP Ðầu tư và XNK cà-phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) -"ông lớn" từng được Hiệp hội Cà phê thế giới xếp hạng Công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu nay đang đối mặt với khoản nợ lên đến gần 2.000 tỷ đồng mà nguyên do chỉ vì DN đã "lỡ" bán phần lớn hàng hóa cà-phê do nông dân, đại lý trung gian ký gửi với kỳ vọng khi giá hàng hóa rẻ đi, sẽ mua lại để "bù vào"; nhưng ngược dự đoán giá ngày càng tăng khiến DN thua lỗ.

Bên cạnh hệ quả đó, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động thua lỗ và nợ của DN, như chính Tổng Giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột Vũ Ðức Tiến cho biết: Ðó là biến động của tỷ giá, việc đầu tư vốn vào tài sản chưa thể lập tức khấu hao, hàng tồn kho..., mà về bản chất chung, vẫn là do DN thiếu quản trị rủi ro và quản trị dòng vốn.

Thực trạng kinh doanh dẫn đến"vỡ nợ" của các DN, đại lý cà-phê là vậy. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm thì một sự buôn bán tập trung, có tổ chức là rất cần thiết. Hiện, Sở Công thương tỉnh Ðác Lắc thành lập Trung tâm Giao dịch cà-phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Tiếc là đến nay,"khu chợ tập trung" được tổ chức theo các quy tắc công bằng, minh bạch cho các bên tham gia này vẫn chưa thu hút nhiều người cùng vào"chợ" để mua hoặc bán. Về mặt lý thuyết sàn giao dịch hàng hóa (GDHH) sẽ là nền tảng cho việc thiết lập quan hệ mua bán công bằng và cùng có lợi. Theo đó, các bên mua và bán có thể chủ động trong việc xác định giá mua, giá bán sao cho có lợi và phù hợp nhất cho mình. Vì là chợ giao dịch tập trung, cho nên thông tin được công bố và cập nhật thường xuyên. Các thông tin đó được phản ánh ngay vào giá và điều này giúp thị trường giao dịch được hoàn hảo hơn. Ðứng trên lợi ích này, người sản xuất có cơ hội tiếp cận nhiều đối tác mua hàng và chủ động trong việc định đoạt giá bán, củng cố được vị thế của mình. Ðối với DN, mặc dù mất đi một số lợi thế trong việc đàm phán về giá cả, bù lại họ có thể tiếp cận được nguồn hàng với khối lượng lớn.

Ðáng tiếc là hiện nông dân trồng cà-phê ở Tây Nguyên vẫn có thói quen mua đứt bán đoạn. Dù số lượng bán ra là không nhiều và chủ yếu đáp ứng nhu cầu về tài chính ngắn hạn, như thanh toán nợ và đáp ứng các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, điều đó khiến người trồng cà-phê không thấy có nhu cầu phải thích nghi, tập làm quen với một"chợ" giao dịch tập trung. Do đó các cơ quan có liên quan cần phải giải thích để nông dân thấy được lợi ích khi GDHH chuyên nghiệp, giúp bảo đảm tính thanh khoản, tính công bằng, an toàn và thuận lợi cho người tham gia cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ để người sản xuất và DN thấy được lợi ích khi kinh doanh XNK"phá" đi tập quán, thói quen cũ, Từ đó có động lực chủ động lên sàn tham gia giao dịch. Ðồng thời, xây dựng một cơ chế phù hợp để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính, có như vậy mới tránh được"vỡ nợ" như hiện nay ở DN kinh doanh cà-phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Theo  Nhân dân điện tử

 

.
.
.
.