.
.

Giải pháp thu hút lao động tại các dự án cao su ở Campuchia

Chủ Nhật, 26/08/2012|20:53

Đến nay, tổng số lao động của 18 đơn vị thành viên VRG tại Campuchia đến 31/7/2012 là 10.146 người; trong đó, cán bộ quản lý, chuyên môn người Việt Nam là 829 người (chiếm 8,2%), người Campuchia là 94 người (chiếm 0,9%), công nhân lao động hầu hết người Campuchia là 9.223 người (chiếm 91 %). Tiền lương trung bình của công nhân là 120 USD/người/tháng, tương đương 2.400.000 đồng Việt Nam. Do đặc thù nên các dự án cao su tại Campuchia cần một lượng công nhân thời vụ rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay công tác thu hút lao động tại các đơn vị thuộc VRG đang gặp nhiều khó khăn, kể cả lực lượng lao động là CBCNV có chuyên môn, nghiệp vụ.

Gặp khó trong tập quán lao động người Campuchia

Đối với lao động trực tiếp người Campuchia, các đơn vị đang gặp phải nhiều khó khăn. Tại Campuchia, số ngày nghỉ trong năm khoảng 28 ngày (chưa tính ngày chủ nhật), cộng với tập quán lễ chùa, cúng chùa vào các ngày quan trọng như giỗ, ma chay, cưới xin… Ngoài ra, hầu hết các hộ gia đình làm công nhân tại các đơn vị đều có rẫy nương tại quê nhà nên mùa vụ trồng cấy cũng trùng với mùa trồng mới cao su, mùa thu hoạch trùng với thời gian chăm sóc vườn cây cao su. Vì vậy, tình trạng lao động tự động nghỉ việc, nghỉ việc dài ngày rất phổ biến. Ngoài ra, năng suất lao động bình quân so với lao động Việt Nam là không cao.

Riêng đối với CBCNV Việt Nam, chuyên viên người Campuchia thì đa phần còn rất mới và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, vừa học, vừa làm và cần rất nhiều thời gian để đáp ứng được với nhu cầu công việc tại Campuchia. Đội ngũ dịch thuật tại các đơn vị vừa thiếu cả về chất lẫn số lượng. Trình trạng chảy máu chất xám cũng diễn ra nên ngày càng khó khăn hơn để thu hút nguồn lao động chất lượng cao người Campuchia về với các dự án cao su.

Cần thay đổi chính sách tuyển dụng, thu hút lao động

Để có chính sách thu hút nguồn lao động gắn bó lâu dài với công ty, cần phải có các giải pháp đồng bộ. Trước tiên cần căn cứ vào cơ sở các chính sách thu hút lao động hiện tại của các đơn vị trong cùng một địa bàn (gần nhau về địa lý không nhất thiết cùng một cụm), từ đó thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới chính sách. Các chính sách thu hút lao động cần quan tâm ngay đến việc quy hoạch đưa vào sử dụng hiệu quả các cụm dân cư, chăm lo đến đời sống tinh thần, tự do tín ngưỡng cho người dân, học tập và vui chơi giải trí cho người lao động gắn bó với khu dân cư tại dự án.

Phần lớn công nhân lao động hiện nay đều được công ty tuyển dụng thông qua đầu công hay thầu công lao động. Tại thời điểm hiện tại chính sách này vẫn hiệu quả do các đơn vị chủ yếu cần công thời vụ để thực hiện các quy trình trồng và chăm sóc đơn giản. Còn khi vườn cây đưa vào kinh doanh, có liên quan đến sản lượng, giá thành, khả năng hoàn thành theo đúng kế hoạch sản xuất trong năm, thì cần có một lực lượng lao động cơ hữu, có tay nghề cao.

Tuy nhiên, để lực lượng lao động Campuchia có thể tiếp cận trực tiếp với các đơn vị, hiểu về chính sách và các cam kết của công ty trong việc gắn bó lâu dài, sống và làm việc với ngành cao su thì vấn đề sử dụng công cụ tuyên truyền nên được quan tâm. Các đơn vị cần thành lập tổ tuyển dụng để thường xuyên xuống các làng, xã phổ biến chính sách, vận động già làng, trưởng bản cùng tham gia với công ty vận động người dân vào làm việc tại các công ty cao su.

Đối với CBCNV Việt Nam, thì cần thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Cần xác định đây là chương trình đầu tư ngoài nước, vì vậy các chi phí sinh hoạt cao hơn gấp nhiều lần so với Việt Nam. Do đó cần phải có chế độ chính sách đặc thù để CBCNV an tâm và cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển cao su tại Campuchia. Cần chú trọng công tác tuyển dụng CBCNV đầu vào có chất lượng, có khả năng đáp ứng ngay với nhu cầu công việc hiện tại, đồng thời có phương án tổ chức các lớp huấn luyện theo chuyên đề để từng bước nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ hữu hiện tại. Đối với các chuyên viên người Campuchia, ngoài lương, cần phải nghiên cứu các chế độ thưởng, đặc biệt phải quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ và cần công khai quy hoạch đó để các chuyên viên người Campuchia có định hướng rõ ràng thì họ mới xác định gắn bó lâu dài với ngành cao su.

Ngọc Cẩm

.
.
.
.