.
.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đạt 18,1 tỷ USD

Chủ Nhật, 26/08/2012|21:04

Theo báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch 8 tháng năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu tháng 8 đạt 2,35 tỷ USD đã nâng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2012 lên 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa (Nguồn: 24h.com.vn)
Ảnh minh họa (Nguồn: 24h.com.vn)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt tình trạng nợ công châu Âu đã gây rất nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Giá nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành nông nghiệp, nhưng do toàn ngành đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp tích cực khai thác thị trường nên khối lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 8 tháng đầu năm năm 2012 ước đạt 18,1 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,3%; thuỷ sản ước đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước; lâm sản chính ước đạt 3,15 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Gạo là mặt hàng nông sản chủ lực, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao, nhưng trong 8 tháng đầu năm ước đạt 5,5 triệu tấn, với giá trị 2,48 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,5% về lượng nhưng giảm 8,5% về giá trị. Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Giá xuất khẩu bình quân chung 7 tháng đầu năm đạt 453 USD/tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều thị trường lớn khác lại sụt giảm cả về lượng và giá trị như Philippines, Inđônêsia, và Singapore.

Trái với mặt hàng gạo, mặt hàng cà phê lại có sự tăng trưởng khá trong mấy tháng trở lại đây. Ước xuất khẩu cà phê tháng 8 đạt 96 ngàn tấn, với giá trị đạt 206 triệu USD. Tổng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm ước đạt 1,26 triệu tấn, kim ngạch 2,66 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước tăng 31,9% về lượng và 26,3% về giá trị. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 2.110 USD/tấn, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 12,5%) và Đức (12,4%) tăng trưởng khá cả về lượng và giá trị. Đáng chú ý nhất là thị trường Inđônêxia và Mêhicô có tăng trưởng đột biến với mức tăng lần lượt gấp khoảng 9 lần và 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2012 thị trường Bỉ (thị trường lớn nhất của Việt Nam trong năm 2011) có sự sụt giảm mạnh cả về lượng và giá trị (chỉ bằng khoảng 45% so với cùng kỳ năm trước). Xuất khẩu cà phê trong thời gian tới có thể giảm do hạn chế nguồn cung và sẽ tăng mạnh khi vụ thu hoạch bắt đầu vào những tháng cuối năm.

Mặt hàng cao su, đang gặp khó khăn vì giá xuất khẩu cao su đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay nên giá trị xuất khẩu cao su không tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ước xuất khẩu cao su tháng 8 đạt 97 ngàn tấn, giá trị đạt 299 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu 8 tháng đầu năm lên 595 ngàn tấn, thu về 1,78 tỉ USD, tăng 34,5% về lượng và 29,1% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình 7 tháng đầu năm đạt 2.971 USD/tấn, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm 2011, lượng cao su xuất khẩu tăng ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc (tăng 13,2%), Malaysia (gấp 2,2 lần), và Ấn Độ (gấp gần 4 lần).

Mặt hàng chè cũng là một trong các mặt hàng được đánh giá có tình hình tiêu thụ tương đối ổn định. Ước xuất khẩu chè tháng 8 đạt 15 ngàn tấn với kim ngạch 25 triệu USD. Lượng chè xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 92 ngàn tấn, với kim ngạch 140 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,6% về lượng và 9,2% về giá trị. Giá bình quân 7 tháng đạt 1.493 USD/tấn, xấp xỉ bằng mức giá xuất khẩu của cùng kỳ năm trước (1.492 USD/tấn). Tình hình tiêu thụ chè khá khả quan, Pakixtan tiếp tục giữ vị trí thứ nhất với 16,5% thị phần; tăng trưởng được thấy ở hầu hết các thị trường lớn ngoại trừ Nga, Hoa Kỳ và Đức.

Đáng chú ý, mặt hàng điều có sự tăng trưởng mạnh về mặt giá trị. Ước xuất khẩu hạt điều tháng 8 đạt 19 ngàn tấn với kim ngạch 132 triệu USD. Lượng điều xuất khẩu 8 tháng ước đạt 137 ngàn tấn, kim ngạch 941 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Việt Nam tiếp tục giữ vững là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng thứ 1 thế giới. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 6.855 USD/tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các thị trường tiêu thụ lớn đều có sự tăng trưởng khá mạnh về lượng và giá trị, trừ Hà Lan giảm gần 2% về lượng và 4,5% về giá trị. Các thị trường tiêu thụ hạt điều lớn của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng giá trị 28,2%), Trung Quốc (17,4%), và Hà Lan (12,3%). Xuất khẩu những tháng còn lại của năm có xu hướng giảm do nguồn cung trong nước hạn chế.

Đối với mặt hàng tiêu, ước xuất khẩu tiêu tháng 8 đạt 7 ngàn tấn, kim ngạch đạt 57 triệu USD. Ước lượng tiêu xuất khẩu 8 tháng đạt 83 ngàn tấn, kim ngạch 581 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 16,7% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 6.855 USD/tấn, tăng 25,3% so với năm trước. Các thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 13,5% thị phần), Đức (11,5%) và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (8,7%). Do nguồn cung trong nước hạn chế nên xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ giảm đi so với những tháng đầu năm.

Xuất khẩu lâm sản chính tháng 8 ước đạt 435 triệu USD, nâng tổng số xuất khẩu hàng lâm sản chính 8 tháng đầu năm lên 3,15 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong tháng 8 đạt 413 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt gần 3 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn đều tăng trưởng mạnh, Hoa Kỳ tăng 31,7%, Trung Quốc tăng 24,4%, và Nhật Bản tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong những tháng cuối năm, xuất khẩu gỗ có thể tăng do nhu cầu của thị trường thế giới

Đối với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu sang các nước thuộc khối EU còn gặp nhiều khó khăn không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn do những rào cản phi thuế của các thị trường này. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 đạt 650 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm lên 4 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,8% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (17,5% thị phần) và Hàn Quốc (8,2%). Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu mặt hàng này có thể tăng trong những tháng tới do tác động của nhu cầu tăng tại các nước nhập khẩu như châu Âu, châu Mỹ.

Từ nay đến cuối năm, để xuất khẩu có thể duy trì được đà tăng trưởng cũng như hoàn thành mục tiêu đặt ra, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo các quy định trong khâu sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản... nhằm làm cho sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản ngặt nghèo khi vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Bên cạnh đó, cần tích cực củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới./.

Theo DCSVN

.
.
.
.