.
.

Xa quê vì nhiệt huyết với ngành cao su

Thứ Tư, 01/05/2013|22:30

 

Sắp tới, Công đoàn CSVN sẽ tổ chức tuyên dương các gia đình công nhân cao su 3 thế hệ, đồng thời tuyên dương  các CB.CNV-LĐ đi khai hoang mở đất trồng cao su ở các vùng đất mới tại Lào, Campuchia và các tỉnh miền núi phía Bắc. Hưởng ứng sự kiện này, Tạp chí CSVN sẽ mở chuyên mục “Tự hào công nhân cao su”nhằm ghi nhận, tôn vinh công lao đóng góp của CBCNVC vì sự phát triển của ngành cao su Việt Nam. Kính mời bạn đọc và CTV tham gia gởi bài cho chuyên mục này.

Cán bộ quản lý người Việt hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân Lào tại Công ty CPCS Việt - Lào. Ảnh: P.L
Cán bộ quản lý người Việt hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân Lào tại Công ty CPCS Việt - Lào. Ảnh: P.L

 

Quyết định qua Lào, Campuchia làm việc tại các công ty cao su, họ phải hi sinh niềm vui riêng, xa gia đình bạn bè. Trên hết là tình yêu nghề, muốn được gắn bó với nghề, là nhiệt huyết muốn được cống hiến sức trẻ, sự nhiệt tình vì sự phát triển của ngành cao su.

Trong một lần qua công tác tại Công ty CPCS Việt - Lào, chúng tôi được gặp chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Khu vực trưởng Khu vực 2, nhân viên nông nghiệp Nông trường BaChiang 1. Chị xa nhà từ năm 2007. Trước khi qua Lào, chị là công nhân khai thác mủ cao su tư nhân tại Tân Biên (Tây Ninh). Khi Công ty CPCS Việt - Lào thành lập, mẹ của chị là một trong những người tiên phong qua Lào làm việc. Thấy mẹ một mình nơi đất khách quê người nên chị quyết định qua Lào với ý nghĩ sẽ bên cạnh, chăm sóc mẹ trong thời gian mẹ làm việc ở đây. Tuy nhiên, một thời gian sau mẹ chị về nước nhưng chị vẫn quyết định ở lại làm việc tại Lào. Chị tâm sự, điều giữ chân chị ở lại Lào đó chính là mong muốn được cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của mình cho công việc mà chị đã gắn bó. Dần dà, tình yêu nghề và niềm đam mê công việc in sâu trong tâm trí của chị. Thêm vào đó, tình cảm của con người nơi đây rất gần gũi, mến khách đã giữ chân chị.

Ban đầu khi đặt chân đến nơi xa lạ, mọi thứ rất lạ lẫm với chị. Là cán bộ kỹ thuật, ngôn ngữ chính là trở ngại khiến chị gặp khó khăn trong việc truyền đạt cho công nhân người Lào. Dần dà, chị cũng cố gắng học tiếng Lào để có thể trò chuyện, trao đổi công việc với họ. Nhìn thấy chị trò chuyện vui vẻ với công nhân người Lào và ánh mắt của “học trò” chăm chú nghe giảng là biết được tâm huyết của chị đối với nghề, với cây cao su mà chị đã gắn bó.

 

Năm 2007 cũng là năm đầu tiên chị Trang đón Tết trên đất Lào. Cảm giác buồn và nhớ con, những ngày Tết mà nước mắt chị cứ rơi, lòng hướng về quê nhà, nơi có hai con đang mong ngóng mẹ. Chị chỉ mong sao thời gian trôi qua thật nhanh để chị bắt tay vào guồng quay công việc cho đỡ nhớ nhà, nhớ con. Thiếu vắng hơi cha từ nhỏ, nay mẹ lại đi làm xa nhà nên chị rất sợ hai con thiếu thốn tình cảm. Khi nhắc đến hai con nhỏ đang ở quê nhà, chúng tôi không khó nhìn thấy hai khóe mắt ngấn lệ của chị. Mỗi năm chị cắt phép về thăm con một lần, chị biết rằng, khoảng thời gian dành cho con không thấm tháp gì so với việc cả năm trời bên nước bạn. Nhưng chị cũng tin sau này lớn lên các con sẽ hiểu được công việc của mình. “Quả thật, ở bên này lâu cũng quen nên mỗi lần về Việt Nam hơn nửa tháng là tôi muốn quay lại vì nhớ việc”, chị tâm sự.

Chị Trang được công ty sắp xếp cho ở nhà tập thể gần nông trường. Cứ đều đặn hàng tháng chị lại gửi tiền về cho bà ngoại nuôi hai con. Chị cũng dự định sau này hai con lớn chị sẽ đưa các cháu qua Lào làm việc để mẹ con được gần nhau. Đến khi đó, chị không phải lo lắng nữa bởi vì đã có hai con là chỗ dựa tinh thần bên cạnh và được làm công việc mà mình yêu thích.

PV

.
.
.
.