18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nộp ngân sách trên 200 ngàn tỷ đồng
Vượt qua những thách thức của năm 2011, khối tập đoàn và tổng công ty Nhà nước gồm 18 đơn vị đã phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, đạt lợi nhuận trên 128 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 200 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.
Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2011 của khối tập đoàn và tổng công ty nnhà nước tổ chức ngày 3/4/2012, ông Trần Quang Nghị- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)- đơn vị khối trưởng, cho biết, thách thức lớn nhất của các đơn vị trong năm 2011 là tình hình thế giới diễn biến không thuận lợi,lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, giá các mặt hàng chiến lược như dầu thô, lương thực, thực phẩm liên tục tăng đe dọa đến an ninh năng lượng. Trong nước kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, giá nguyên nhiên vật liệu liên tục tăng, tỷ giá biến động, lãi suất liên tục tăng cao, khiến việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn…
Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy nội lực, năng động sáng tạo tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua khó khăn.
Nhờ những nỗ lực trên, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và có lãi: doanh thu đạt 1.1387.327 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 128.324 tỷ đồng, tăng 12%; nộp ngân sách đạt 202.857 tỷ đồng, tăng 20%; đóng góp 1.720,8 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam)- đơn vị dẫn đầu trong khối các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã hoàn thành xuất sắc và vượt mức tất cả các chỉ tiêu Nhà nước giao, đạt mức tăng trưởng cao. Hoạt động dịch vụ dầu khí tiếp tục được đẩy mạnh, doanh thu dịch vụ dầu khí năm 2011 đạt trên 200 ngàn tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng doanh thu toàn tập đoàn. Gia tăng trữ lượng đạt 35,3 triệu tấn dầu quy đổi, khai thác khí đạt 8,7 tỷ m3, sản xuất điện đạt 13,35 tỷ kWh, sản xuất urê đạt 799 ngàn tấn, đưa 3 mỏ dầu khí vào khai thác, trong dó 2 mỏ trong nước và 1 mỏ ở nước ngoài; đóng góp trên 613 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội.
Năm 2011 tiếp tục đánh dấu một bước phát triển mới của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tập đoàn và các đơn vị thành viên chú trọng đến công tác dự báo thị trường, tập trung vào các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tìm kiếm các thị trường mới, kiểm soát thắt chặt chi tiêu và thực hành tiết kiệm. Là đơn vị thực hiện hoàn toàn theo kinh tế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác trong nước và các nước trong khu vực, nhưng Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã xuất siêu được 1,36 tỷ USD, góp phần cùng cả nước giảm nhập siêu.
Riêng Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tuy không đạt các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu so với kế hoạch đề ra, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Vinashin đã duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt mức chỉ tiêu về nộp ngân sách, bàn giao được 74 con tàu, bảo đảm được việc làm cho người lao động và giảm thiểu thiệt hại đối với các tàu dở dang, thực hiện tái cơ cấu giảm đầu mối được 84 đơn vị, từng bước củng cố niềm tin, giảm bớt các bức xúc trong dư luận xã hội đối với các vấn đề của Vinashin.
Quý I của năm 2012 đã đi qua, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tùy theo đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị, đều đã phát động nhiều phong trào thi đua với hình thức phong phú nhằm vượt qua những thách thức của năm 2012. Tuy nhiên, để hoạt động thi đua của khối tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiệu quả và thiết thực, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, cần gắn kết việc trao đổi kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua với việc hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.