SCIC tính đón hàng từ các “ông lớn” thoái vốn
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ để mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty.
Đây là một định hướng cho hoạt động đầu tư của SCIC đề ra trong năm 2013. Các lĩnh vực mà tổng công ty này quan tâm là ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản…
Trong lần trao đổi với báo chí trước đây, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, từng xác định đây là cơ hội đầu tư đáng quan tâm. Bởi đến năm 2015, theo chỉ đạo của Chính phủ, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Đó là yêu cầu bắt buộc, trong đó có cả phần vốn phải bán từ những doanh nghiệp đang cho lợi nhuận tốt, hoặc nhiều tiềm năng. SCIC là tổ chức có chức năng phù hợp và tiềm lực tài chính để tham gia đón nguồn hàng này. Tính đến cuối năm 2012, nguồn vốn chủ sở hữu của tổng công ty này đã lên tới 27.700 tỷ đồng, do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dự bán vốn.
Ngày 18/1/2013, “siêu tổng công ty” cũng đã chính thức thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Đầu tư SCIC (SIC). Công ty này là đầu mối chuyên trách thực hiện các hoạt động đầu tư, có thể xem là một bước chuẩn bị cho định hướng nói trên.
Ngoài ra, trong năm 2013, SCIC cho biết đang xúc tiến phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để triển khai các dự án trọng điểm như trụ sở Bộ Ngoại giao ở nước ngoài, một số cảng biển, tuyến đường quan trọng…
Về kết quả kinh doanh năm 2012, báo cáo của SCIC cho biết, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của tổng công ty đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng (không tính khoản thu cổ tức 2.100 tỷ đồng đã nộp thuế trước khi chuyển về SCIC), tăng 83%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân đạt 22%, tăng 32%.
Đến cuối năm 2012, SCIC đã thực hiện bán vốn tại gần 600 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn hai lần. Đây là nguồn vốn bổ sung để SCIC tăng cường hoạt động đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của SCIC đến nay đạt gần 9.300 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp; góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh với vai trò cổ đông nhà nước; đầu tư dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao...
Danh mục đầu tư của tổng công ty tại thời điểm 31/12/2012 có tổng giá trị theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng. Theo SCIC, chênh lệch tăng 36.000 tỷ đồng đó cho thấy hiệu quả đầu tư là khá cao.
TBKT