.
.

Phát triển cao su tại Campuchia: Mồ hôi đổ xuống cho cao su xanh lên

Thứ Bảy, 23/03/2013|16:00

 

Trong những ngày đầu tháng 3/2013, chúng tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của VRG do Phó TGĐ Huỳnh Trung Trực, Phó Ban chỉ đạo phát triển cao su của VRG tại Campuchia (CPC), để hiểu thêm về tình hình phát triển cao su của VRG tại CPC cũng như nỗi gian khổ của CBCNV đang hàng ngày chăm sóc vườn cao su tại đất nước Chùa Tháp.

Rừng cao su bạt ngàn
Rừng cao su bạt ngàn

 

Đã trồng hơn 80.000 ha cao su

Xe chúng tôi băng rừng vào Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie dưới cái nắng bỏng rát của những ngày đầu tháng 3. Đoạn đường dài gần 40km từ quốc lộ Sampo băng ngang khu rừng dầu do công ty mới mở nên nhiều chỗ lỏm chỏm hố gà, hố voi, thậm chí có lúc xe đang đi phải dừng lại do một cây dầu ngã chắn ngang đường. Bụi mù bay tứ tung, xe sau không nhìn thấy xe trước. Qua khỏi khu rừng dầu là màu xanh ngút ngàn của rừng cao su.

 

Vào đến văn phòng công ty cũng là lúc ban lãnh đạo công ty đang họp để báo cáo tình hình chống cháy và kế hoạch khai hoang, trồng mới năm 2013 với lãnh đạo VRG. Phòng họp là những chiếc bàn được kê dã chiến bên dưới gian nhà gỗ, xung quanh là rừng cao su xanh tươi. Ở đây chưa có điện, điều kiện sinh hoạt và làm việc vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Ông Huỳnh Trọng Thủy – TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie, cho biết: “Công ty bắt đầu khai hoang, trồng mới năm 2008 trên diện tích được giao là 9.345 ha, đến nay đã trồng được 7.072 ha. Vườn cây sinh trưởng đồng đều mặc dù khí hậu khắc nghiệt. Để có được vườn cây cao su xanh tốt, anh em công ty đã phải cố gắng vượt qua rất nhiều gian khổ”. Tham quan vườn cây của công ty, mới thấy công sức chăm sóc của anh em nơi đây. Nếu so với vườn cây được trồng mới ở khu vực truyền thống cao su Đông Nam bộ, cây cao su 1-2 năm tuổi ở Kratie còi cọc và thiếu sức sống, nhưng từ năm thứ 3 trở đi, cây đã cứng cáp và xanh tươi. Anh ChrimXêLa – Giám đốc Nông trường 3, chia sẻ: “Mùa này anh em làm việc không ngơi nghỉ, vừa chuẩn bị khai hoang trồng mới, vừa phải phòng chống cháy cao độ. Mùa khô ở đây rất khốc liệt, chỉ cần một đốm lửa là có thể cháy trụi cả rừng cao su ngay lập tức. Vì vậy, anh em chúng tôi thay phiên nhau trực 24/24, nhiều lúc ngủ mơ màng cứ nơm nớp lo sợ”. Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng CB.CNV của các đơn vị thành viên tại các dự án luôn lạc quan và thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu hết mình.

Ông Oknha Lengrithy – Trưởng Văn phòng Đại diện VRG tại CPC, cho biết: “VRG hiện có 19 công ty cao su thành viên ở Campuchia và được chia làm 3 cụm: Cụm I gồm 7 công ty ở tỉnh Kampongthom; Cụm II gồm 5 công ty ở tỉnh Kratie; Cụm III gồm 6 công ty ở 4 tỉnh Rattanakiri, Steungtreng, Moldolkiri, Odormeanchey. Hiện tại, các công ty đã trồng mới hơn 80.000 ha, dự kiến năm 2013 sẽ tiếp tục trồng 19.000 ha. Nếu nhìn trên bản đồ có thể nói diện tích cao su của VRG phân bố đồng đều trên 1/2 diện tích Vương quốc CPC”.

Đoàn chúng tôi lần lượt ghé thăm vườn cây các công ty thuộc cụm I và II. Đi đến đâu cũng thấy màu xanh cao su bạt ngàn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây cao su đang chuẩn bị đưa vào khai thác, ông Nguyễn Kim Quy – TGĐ Công ty CPCS Tân Biên – Kampongthom, rạng rỡ: “Năm nay chúng tôi sẽ đưa vào khai thác hơn 100 ha cao su và khởi công xây dựng nhà máy chế biến mủ. Đây là diện tích cao su đầu tiên đưa vào khai thác của VRG tại CPC. Vườn cây đưa vào khai thác có chất lượng rất tốt, đạt trên 85% theo quy trình của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG”. Nụ cười của vị TGĐ “chinh chiến” nhiều năm ở “chiến trường cao su” chuẩn bị đón những dòng mủ đầu tiên chứa đựng niềm hạnh phúc rạng ngời sau bao năm tháng khó khăn ươm mầm, chăm sóc cho cây cao su.

Cần quan tâm công tác kỹ thuật

Nói về tiềm năng vườn cây cao su của VRG ở CPC, ông Huỳnh Trung Trực – Phó TGĐ VRG, Phó Ban chỉ đạo phát triển cao su của VRG tại CPC, nhận xét: “Hiện có nhiều vườn cây cao su kiến thiết cơ bản sinh trưởng tốt, đặc biệt là khu vực Kampongthom, nơi có điều kiện đất đai và thời tiết thuận lợi. Tại khu vực này, nhiều diện tích cao su phát triển tốt, vanh thân vượt tiêu chuẩn quy định, có thể rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản. Các đơn vị cần quan tâm thực hiện các biện pháp kỹ thuật như trồng xen cây phân xanh họ đậu để sử dụng chất hữu cơ ép xanh, đào hố tích mùn đa năng, trồng các giống mới có tiềm năng về sản lượng, sinh trưởng khỏe và thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng dự án, làm tốt công tác quản lý, đầu tư thâm canh, chăm sóc vườn cây ngay từ đầu”.

Không những trồng và chăm sóc cây cao su, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho gần 10.000 lao động tại địa phương, các CTCS của VRG tại CPC còn làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng trạm xá, trường học, thư viện, chùa, nhà ở cho công nhân, đào giếng nước, đường giao thông cấp phối phục vụ dân sinh… góp phần thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em. Từ lúc cây cao su được VRG trồng ở CPC, các công ty thành viên đã đóng góp cho các hoạt động phúc lợi xã hội với số tiền hơn 2 triệu USD.

Gương mặt đen sạm vì nắng gió của CBNV tại các đơn vị thành viên VRG ở CPC luôn tràn đầy nhiệt huyết, niềm tin và hy vọng là hình ảnh đẹp nhất giữa cánh rừng cao su xanh ngút ngàn.

Ngọc Cẩm

.
.
.
.