.
.

“Một triệu tấn dầu từng là mong ước của cả dân tộc”

Thứ Ba, 28/08/2012|19:26

Từ năm 1982-1983, Việt Nam ao ước làm sao tìm kiếm và khai thác được 1 triệu tấn dầu/năm là thành công, nhưng việc phát hiện dầu trong đá móng của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ đã biến ước mơ này thành hiện thực và vượt rất xa mong đợi của cả dân tộc.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn TS Ngô Thường San - Anh hùng Lao động, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử đã chứng kiến những ngày tháng khó khăn, thăng trầm và cả những giây phút thăng hoa, hạnh phúc khi Việt Nam khai thác dòng dầu đầu tiên.

Ông Ngô Thường San
Ông Ngô Thường San

PV: Thưa ông, bây giờ nhìn lại, những người sống trong thời bao cấp đều không khỏi ám ảnh về những khó khăn cùng cực của đất nước trong giai đoạn sau chiến tranh, nhất là vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước? Việt Nam gần như kiệt quệ về kinh tế. Có thể nói, đất nước bị khủng hoảng mọi mặt, tình thế hết sức nguy cấp. Trong đó việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia là một câu hỏi hóc búa nhất lúc bấy giờ?

TS Ngô Thường San: Phải nói thêm một khó khăn nữa, lúc này đồng minh của ta là Liên Xô rục rịch cải cách, trong đó việc cung cấp xăng dầu cho ta bắt đầu giảm. Xăng dầu ở nước ta bắt đầu khan hiếm. Vậy làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục hồi nền kinh tế là một bài toán cực kỳ khó đối với Đảng và Nhà nước lúc này. Nên việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu, trong đó ngành Dầu khí đóng vai trò quyết định mà Vietsovpetro là nhân tố chính góp nên thành công.

PV: Nếu Việt Nam tìm thấy dầu thành công thì đó không chỉ là niềm vui của nhân dân Việt Nam mà còn là niềm vui của Chính phủ và nhân dân Liên Xô lúc này?

TS Ngô Thường San: Đúng vậy, lúc bấy giờ Liên Xô rất mong Việt Nam tìm thấy dầu và có thể tự lực cánh sinh về an ninh năng lượng. Trong giai đoạn 1982-1983, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có một ao ước cháy bỏng mà có lẽ đó cũng là ao ước của cả dân tộc ta: “Làm sao chúng ta khai thác được 1 triệu tấn dầu/năm là thành công”.

PV: Thưa ông, có nhiều người sau này vẫn nhầm hiểu rằng, Vietsovpetro được thành lập thì phía Liên Xô đóng góp là chủ yếu chứ Việt Nam lúc này đang rất nghèo, ăn còn chưa đủ lấy gì mà đầu tư cho dầu khí?

TS Ngô Thường San: Đó là do họ chưa hiểu hết bối cảnh lúc bấy giờ. Hiệp định Vietsovpetro được ký là do hai bên cùng góp vốn chứ không phải ta nhờ hoàn toàn Liên Xô như nhiều người nhầm tưởng. Dù kinh tế ta đang suy kiệt, dân thì thiếu ăn, thiếu mặc nhưng Đảng và Nhà nước vẫn xác định đầu tư cho năng lượng là chiến lược lâu dài và cực kỳ quan trọng nên đã dồn hết tâm sức cho ngành Dầu khí. Có thể nói, đó là sự hy sinh lớn lao của cả dân tộc cho ngành Dầu khí nước nhà. Đây là áp lực và cũng là trách nhiệm cực kỳ lớn đặt lên vai những người làm công tác dầu khí lúc bấy giờ. Nên việc tìm ra dầu trong đá móng với trữ lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro sau đó như một phao cứu sinh cho cả dân tộc.

PV: Nếu như Vietsovpetro tìm không có dầu thì có lẽ ông là người chịu nhiều áp lực nhất phía Việt Nam trong Liên doanh?

TS Ngô Thường San: Vì tôi là người đứng đầu Liên doanh phía Việt Nam nên phải đứng mũi chịu sào nếu có những quyết định sai lầm. Lúc đó, trong “Báo cáo kinh tế kỹ thuật về phát triển và khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ” được hình thành trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá lại các tài liệu có được lúc đó là tài liệu địa chấn của Geco thu nổ và xử lý mạng 1*1 km năm 1978 và tài liệu giếng khoan mỏ Bạch Hổ - 1X (BH-1X) của Công ty Mobil khoan năm 1974, với nội dung là sẽ khai thác sớm mỏ Bạch Hổ với 2 dàn khai thác cố định MSP-1, MSP-2 và 6 giếng thăm dò BH-1, 2, 3, 4, 5, 6.

Có nhiều người thắc mắc là Vietsovpetro có quá phiêu lưu mạo hiểm đến khó hiểu nếu chỉ dựa vào tài liệu địa chấn và một giếng khoan của Mobil mà đã đầu tư xây dựng khu cảng, dịch vụ trên bờ, khu nhà ở 5 tầng và quan trọng hơn là xúc tiến xây ngay 2 dàn MSP, là quá rủi ro?

Và giả thuyết, nếu không gặp dầu trong móng thì từ câu hỏi trên sẽ là đầu đề của một hậu quả lớn, một bài học quá đắt trong lịch sử dầu khí Việt Nam, khi một đất nước đang dè xẻn từng hạt gạo và dốc hết sức để hy vọng đổi lấy dầu sẽ trở thành ảo vọng. Tại sao không thuê khoan một giếng tìm kiếm trước để kiểm tra lại số liệu của Mobil? Những câu hỏi như thế luôn là nỗi trăn trở của Ban Lãnh đạo trong nhiều năm, gay gắt nhất vào năm 1987-1988, cho đến tháng 9/1988 khi khai thác được tấn dầu công nghiệp đầu tiên trong móng.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về quá trình tìm dầu trong móng, một trong những kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam?

TS Ngô Thường San: Có thể nói số cột mốc quan trọng. Ngày 25/12/1983, tàu khoan Mirchink khoan giếng BH-5 gần vị trí giếng BH-1X của Mobil. Giếng dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích Đệ Tam với chiều sâu thiết kế 3.500m dựa theo cấu trúc giếng của BH-1X. Lúc này, cả nước đặt hy vọng vào kết quả của giếng khoan này.

Ngày 25-5-1984 thử vỉa, phát hiện dầu trong trầm tích Mioxen (tầng 23). Cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu và dầu chắc chắn sẽ khai thác được trong tương lai gần. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp được tổ chức trong đất liền. Nhưng những người ngoài biển chúng tôi thì rất lo lắng. Tầng 23 được khẳng định là có dầu nhưng trữ lượng mỏ Bạch Hổ là bao nhiêu, vì đó là yếu tố quyết định đến tương lai phát triển của Vietsovpetro, cần phải nhanh chóng mở rộng diện tích thăm dò. Vietsovpetro cương quyết bảo vệ luận điểm của mình yêu cầu khoan giếng BH-4 ở phía bắc mỏ Bạch Hổ… may thay nỗi lo cũng qua nhanh khi càng ngày Vietsovpetro càng phát hiện nhiều vỉa dầu mới.

Ngày 7/3/1985, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi tàu Gambursev ra thăm giàn Ekhabi và chứng kiến kết quả thử vỉa, tiếc là biển động mạnh, tàu quay vào bờ và hôm sau đồng chí Tố Hữu (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) làm bài thơ về chàng hoàng tử đánh thức nàng tiên cá.

PV: Dù đã tìm thấy dầu nhưng chưa đánh giá được trữ lượng bao nhiêu và có giả thuyết lúc đó là nếu trữ lượng dầu ở mỏ Bạch Hổ không đủ để khai thác dòng dầu thương mại thì tương lai của Vietsovpetro lúc đó thật mong manh. Có lẽ, phía Liên Xô, trong ban lãnh đạo cũng chịu nhiều áp lực không ít.

TS Ngô Thường San: Đúng là có những thời điểm cực kỳ căng thẳng trong Vietsovpetro. Khi chúng ta tiếp tục thử tầng 24… không có dầu. Trong bờ điện cho tôi lúc đó đang ở MSP-1, là phải nhanh chóng kết thúc thử vỉa để chuyển sang khai thác tầng 23, không để tàu Krưm phải chờ đợi. Nhưng sau khi xong cầu xi măng ngăn cách, việc bắn vỉa và khai thác tầng 23 được thực hiện theo chương trình và dòng dầu đầu tiên được chuyển về UBN-1 ngày 26/6/1986 trong niềm hân hoan chung của đất nước, của tập thể cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro và của những người tìm dầu nói chung. Nhưng đối với chúng tôi và các cán bộ ở Phòng Địa chất thì niềm vui ấy không trọn vẹn. Sản lượng chỉ hơn 100tấn/ngày, áp suất đầu giếng thấp, khoảng trên 20at, thể hiện năng lượng vỉa yếu, thấp hơn cả kết quả thử tầng 23 giếng BH-4 ở vòm Bắc.

Sự hoang mang cực độ bắt đầu lan dần từ Vietsovpetro ra Hà Nội, Tổng cục Dầu khí, lên cấp trên và đặc biệt ở Mátxcơva. Phản ứng đầu tiên của phía bạn là sự chuyển giao Vietsovpetro từ Bộ Công nghiệp Khí sang Bộ Công nghiệp Dầu. Nhiều đồng chí trong đoàn chuyên viên Liên Xô trước đó, kể cả Trưởng đoàn bị chuyển công tác. Sau này khi Vietsovpetro đã khai thác tấn dầu thứ 20 triệu tấn, tôi có dịp gặp lại đồng chí Belư - nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Bộ Khí lúc đó nói rằng: “Bây giờ Vietsovpetro đã đạt được những thành tích, nhưng thời gian qua chúng tôi bị hiểu không đúng, âu đó cũng là cuộc sống!”.

Giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ (ảnh: Hoàng Chương)

PV: Trong tình huống khó khăn đó, có lẽ các ông hứng chịu nhiều chê bai chỉ trích hơn là khen, nhưng cũng phải có một số người đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ và động viên chứ, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Có thể nói là rất gay gắt. Nhiều chuyên gia Liên Xô từ Viện NIPI gặp tôi vừa muốn tìm hiểu người “sáng tạo” ra chủ trương xây dựng 2 dàn MSP-1, 2, đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa tập trung phê phán gay gắt bước đi vừa qua là gây thiệt hại và không lối thoát. Về phía Việt Nam, tư tưởng bi quan cũng có tác động đến chủ trương của lãnh đạo, làm chậm lại việc đầu tư xây dựng cảng dầu khí, không tiếp tục xây dựng khu nhà ở 5 tầng, điều một số cán bộ chủ chốt ra Hà Nội. May mà lúc đó chúng tôi vẫn còn nhận được sự đồng cảm của một số vị lãnh đạo cao cấp của cả hai phía. Đích thân đồng chí Võ Nguyên Giáp có chuyến công tác tại Vietsovpetro yêu cầu tôi báo cáo thực trạng mỏ Bạch Hổ. Phía Nga thì Bộ Dầu có Thứ trưởng Philimonov dẫn đầu sang kiểm tra công việc… Tôi chờ đợi một sự phê phán và kết luận tiêu cực đối với mỏ Bạch Hổ thì ngược lại, các đồng chí chỉ tôi cách tổ chức kiểm tra khai thác sao cho tốt hơn, cần phải nhanh chóng tổ chức bơm ép nước và chuẩn bị khai thác thứ cấp bằng bơm li tâm…

PV: Bao lâu sau thì niềm tin quay trở lại, thưa ông?

TS Ngô Thường San: Trải qua bao vất vả, căng thẳng mà có những lúc tưởng chừng như không còn hy vọng thì ngày 11/5/1987 tàu Mirchink thử vỉa trong sự vui mừng và ngỡ ngàng khi phát hiện dòng có lưu lượng đạt trên 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6.

Tôi còn nhớ như in, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 6/9/1988, đồng chí Vovk điện cho tôi thông báo, trong quá trình rửa giếng ở đoạn cuối thì dòng dầu lên mạnh, áp suất đầu giếng khoảng 110at, hiện đang đóng đối áp để chờ ý kiến trong bờ. Tin vui đến quá bất ngờ. Không thể đóng giếng lâu vì lo thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế không chịu nổi.

PV: Vậy là áp lực bao nhiêu lâu nay đè nặng trên vai những người Vietsovpetro đã phần nào được giải tỏa.

TS Ngô Thường San: Đúng vậy. Không thể diễn tả bằng lời. Giếng cho dòng lớn, lúc đó không đo được nhưng ước tính là khoảng 2.000tấn/ngày. Không những cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro mà cả nước vui mừng. Nhiều đồng chí kể với tôi là có đồng chí lãnh đạo không nén nổi xúc động của mình.

PV: Quả là thành công ngoài mong đợi nhưng mãi đến sau này vẫn còn có nhiều người cho rằng, việc phát hiện dầu trong đá móng của Vietsovpetro là ngẫu nhiên.

TS Ngô Thường San: Không phải ngẫu nhiên mà đây là kết quả của cả quá trình diễn biến về nhận thức, có yếu tố khách quan và chủ quan, là công lao của một tập thể chịu biết bao thăng trầm, mà sự đóng góp của họ - những người đã chấp nhận rủi ro, thiệt thòi để đưa phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ vào hiện thực cần được ghi nhận và trân trọng.

PV: Trải qua bao sóng gió thăng trầm trong nghề, từ những ngày đất nước thiếu dầu trầm trọng, rồi tìm ra dầu và xuất khẩu dầu… đến hôm nay có thể nói ngành Dầu khí đóng vai trò lớn nhất trong nền kinh tế đất nước. Là người chứng kiến bao đổi dời như thế, theo ông để ngành Dầu khí ngày càng vững mạnh, thành công hơn nữa thì chúng ta cần những nhân tố nào?

TS Ngô Thường San: Thế hệ chúng tôi là thế hệ đầu của ngành Dầu khí nước nhà với áp lực và trách nhiệm là tìm dầu và khai thác để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Còn hiện nay, anh chị em trong ngành Dầu khí cũng áp lực không nhỏ, dù cuộc sống nay có khá hơn trước. Nhưng với trách nhiệm phải đảm bảo sản lượng khai thác, duy trì và tạo giá trị gia tăng, đồng thời phải phát triển ngành lọc hóa dầu của đất nước và dịch vụ kỹ thuật dầu khí có tỷ trọng khoa học công nghệ cao. Trách nhiệm càng tăng lên khi phải tăng hiệu quả đầu tư của công nghiệp dầu khí chứ không đơn thuần chỉ tìm kiếm, thăm dò và khai thác như trước đây. Phải đảm bảo sử dụng đồng vốn hiệu quả và quá trình luân chuyển đồng vốn có giá trị gia tăng. Điều đó cần rất nhiều sự đồng tâm hiệp lực của toàn ngành và không có gì là không làm được nếu chúng ta có sự đoàn kết cao để tạo nên sự phát triển.

PV: Ai cũng biết là ngành Dầu khí có những đóng góp cực kỳ lớn cho nền kinh tế của đất nước, tuy nhiên trong thời gian qua việc một số tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines làm ăn không hiệu quả, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng đã tạo nên dư âm không tốt về hình ảnh các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

TS Ngô Thường San: Hiện nay có nhiều người hoài nghi các tập đoàn kinh tế Nhà nước nhưng thử hỏi nếu không có các tập đoàn này thì làm sao có quá trình tập trung vốn lớn để tạo động lực cho sự phát triển mạnh; chính đó là tiền đề để kinh tế nước ta tăng tốc và nhảy vọt trong tương lai. Vấn đề còn lại là quá trình quản lý và thanh tra của Nhà nước phải chặt chẽ và minh bạch hơn nữa để tạo lòng tin nơi nhân dân. Dĩ nhiên ngành Dầu khí cũng có những khuyết điểm, có người đúng - có người sai, nhưng xét trên toàn cục thì chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của ngành đối với đất nước. Bằng chứng là nhân dân, Đảng và Nhà nước vẫn tin tưởng vào vai trò đầu tàu nền kinh tế của ngành Dầu khí.

PV: Hiện nay, ông đang là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, trước những khó khăn chung của ngành thì liệu Hội có những giải pháp hay sáng kiến nào để đồng hành cùng ngành?

TS Ngô Thường San: Có thể khẳng định Hội Dầu khí là những người đồng hành tháo gỡ khó khăn chung của ngành. Như trong tình hình căng thẳng trên Biển Đông hiện nay thì ngành cũng cần những bước đi cụ thể và quyết liệt hơn. Hội chúng tôi cũng có đề nghị nên đầu tư khai thác ở vùng biển sâu để bảo vệ tính hợp pháp vùng biển của ta ở Biển Đông. Điều này cần sự đầu tư rất lớn, trong đó quan trọng là sức mạnh của cả dân tộc mà ngành Dầu khí là một điểm tựa vững chắc.

PV: Nhưng đầu tư ở vùng nước sâu thì chi phí rất cao và rủi ro cũng rất nhiều, lỡ không thành công?

TS Ngô Thường San: Đó là vấn đề chiến lược của đất nước, có những cái đầu tư dù không đem lại lợi nhuận nhưng không phải là lãng phí. Ban đầu có thể nó chưa phát huy hiệu quả về mặt kinh tế nhưng về đảm bảo chủ quyền an ninh biển đảo của tổ quốc thì những giàn khai thác ở vùng biển sâu có vai trò cực kỳ lớn. Tôi cũng từng tâm sự với anh em trong ngành là, ta nên đầu tư xây dựng những dàn 2.000-3.000m nước, Trung Quốc có thể gây sức ép nhưng sẽ không dám tấn công những dàn khủng như thế. Vì nếu họ bắn chìm thì bản thân chính quyền Trung Quốc tạo nên scandal lớn trên thế giới, sẽ mất uy tín. Nên vấn đề ở đây không chỉ bản thân ngành Dầu khí mà còn là chiến lược của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự đồng thuận và chia sẻ của toàn dân tộc ta thì vùng biển đảo của Việt Nam mãi mãi là của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Thiên Thanh (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 149, ra thứ Sáu ngày 24/8/2012)

.
.
.
.