.
.

Năm 2011- Ngành dệt may xuất siêu 6,5 tỷ USD

Thứ Hai, 09/01/2012|22:48

Từ chỗ bị động, giờ đây ngành dệt may Việt Nam đã chuyển sang thế chủ động, chọn lựa thị trường và sản phẩm XK theo hướng tận dụng được lợi thế, đạt hiệu quả cao. Năm 2011, ngành dệt may tiếp tục là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch XK, đóng góp lớn vào việc cùng cả nước giảm nhập siêu.


Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục


Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, sức mua và tiêu dùng giảm mạnh; thêm vào đó giá cả nguyên, phụ liệu dệt may liên tục tăng…, nhưng năm 2011 ngành dệt may Việt Nam vẫn giành được kết quả khả quan. Theo ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), riêng kim ngạch XK hàng dệt may đã đạt trên 13,8 tỷ USD, XK xơ sợi các loại đạt 1,8 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch XK ngành dệt may năm 2011 đạt 15,6 tỷ USD, tăng  38% so với năm 2010. Đây là mức tăng trưởng XK ngoạn mục mà ngành dệt may đạt được kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đáng chú ý, ngành dệt may đã xuất siêu 6,5 tỷ USD, đóng góp cùng cả nước giảm nhập siêu. Như vậy, theo ông Lê Tiến Trường, dệt may là một trong những ngành công nghiệp đạt được mức thặng dư cao nhất, trong khi đây là ngành mà các chuyên gia kinh tế cho rằng không có lợi thế về tài nguyên, vốn…, và là ngành thực hiện hoàn toàn theo kinh tế thị trường, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ trên thế giới.


Bên cạnh kim ngạch XK vào các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU và Nhật Bản tăng trưởng ổn định (châu Âu tăng 41%, Nhật Bản tăng 52%), một số thị trường NK dệt may mới nổi như: Hàn Quốc, Đài Loan, Canada cũng góp phần tăng kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam. Kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2010; một số thị trường: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng tăng mạnh; đưa tỷ trọng từ chỗ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch XK lên gần 20%. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chú trọng khai thác các thị trường ngách, giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như: Angola, New Zealand, Cuba… Tăng cường xuất khẩu ODM - hình thức bán hàng may mặc XK bao gồm cả thiết kế, hoặc phát triển mạng lưới kinh doanh và phân phối. Tỷ trọng sản phẩm ODM trong các đơn hàng đã tăng 5% năm 2011, dự kiến sẽ tăng lên 15% năm 2015 và 20% năm 2020.


Từ chỗ bị động với thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng, ngành dệt may đã chuyển sang thế chủ động, chọn lựa thị trường và sản phẩm theo hướng tận dụng lợi thế, đạt hiệu quả cao. Ngành dệt may, mà hạt nhân là Vinatex cùng các đơn vị thành viên đã làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị trường XK. Theo đó, thay vì XK tràn lan sang các thị trường, ngành dệt may đã chuyển hướng lựa chọn thị trường XK mục tiêu phù hợp, có hiệu quả cao, lựa chọn những sản phẩm có tính cạnh tranh cao để XK. Đơn cử như mặt hàng veston, đã có đơn hàng đến hết quý III/2012. Bên cạnh đó, ngành cũng xây dựng chiến lược đưa hàng dệt may vào các kênh phân phối lớn của nước ngoài, nhằm đưa thương hiệu dệt may Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng trên thế giới.


Cùng với đẩy mạnh XK, dệt may cũng là ngành chủ động phát triển thị trường trong nước, trong đó, Vinatex là đầu tàu hưởng ứng tích cực chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vinatex đã hợp tác với 40 Sở Công Thương trên toàn quốc, để đưa hàng về nông thôn, nhằm phát triển sâu hơn thị trường nội địa. Năm qua, tập đoàn đã tích cực phát triển hệ thống phân phối, hiện đã có gần 60 cửa hàng kinh doanh  mang thương hiệu VinatexMart. Cùng hệ thống cửa hàng của các tổng công ty như: Việt Tiến, May 10, May Đức Giang, Hanosimex,…


Năm 2012 - tăng trưởng XK 13%, xuất siêu 7 tỷ USD


Theo các chuyên gia kinh tế, XK hàng dệt may năm 2012 của Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nợ công ở một số nước châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Bên cạnh đó là xu hướng giảm giá đơn hàng do giá nguyên vật liệu giảm, khiến cho tăng trưởng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang các thị trường chính là Mỹ, EU và Nhật Bản có thể giảm khoảng 10-15% so với năm 2011. Cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước sản xuất hàng dệt may trên thế giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp XK dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với một số yếu tố tiềm ẩn như: Lạm phát cao hơn mức lạm phát bình quân của thế giới; nguồn vốn khả dụng vẫn tiếp tục khó khăn, các DN thiếu vốn để sản xuất và vốn để đầu tư mở rộng sản xuất...


Phân tích về khía cạnh thị trường, ông Lê Tiến Trường đánh giá, năm 2012 sẽ là năm thị trường có “triệu chứng” giống thị trường năm 2008, khi mà toàn thế giới bị khủng hoảng kinh tế, giá hàng hóa suy giảm. Dự báo, năm 2012, mặt bằng giá của toàn thế giới giảm, tất cả các ngành nghề đều có xu thế giảm. Khi đơn giá giảm, những nỗ lực tăng trưởng về số lượng chỉ có thể đủ bù đắp được sự suy giảm về giá. Do đó, năm 2012, ngành dệt may khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục về kim ngạch XK như năm 2011.


Với thị trường XK chính vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản, chiếm 80% tỷ trọng kim ngạch XK; để đạt được mục tiêu tăng trưởng XK 13%, xuất siêu 7 tỷ USD trong năm 2012, ngành dệt may Việt Nam sẽ tập trung chú trọng giảm dần sự phụ thuộc vào các đơn hàng gia công, nâng cao tỷ lệ FOB, ODM; củng cố gia tăng thị phần tại các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản. Tăng cường khai thác các thị trường mới như: Nga, Canada, Hàn Quốc… Đặc biệt, thâm nhập mạnh vào thị trường Trung Quốc, trước mắt là thị trường phía Nam Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế giới và có rất nhiều phân khúc thị trường sản phẩm. Do vậy, lựa chọn phân khúc hợp lý (từ trung bình đến khá) cũng là tiềm năng để phát triển thương hiệu dệt may Việt Nam tại thị trường này.


Theo kế hoạch, năm 2012, ngành dệt may sẽ tăng cường áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật mới, tiên tiến; sử dụng nguyên phụ liệu trong nước để giảm ngoại tệ nhập khẩu; tăng cường chuỗi liên kết ngành, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tăng diện tích trồng bông trong nước lên 15.000 ha; tăng cường sử dụng vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị sản xuất trong nước để tiết kiệm chi phí; đồng thời xây dựng chính sách đãi ngộ và tiền lương phù hợp để thu hút lao động.


Trong những giải pháp cơ bản trên, ngành dệt may đặc biệt chú trọng chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động với việc đầu trong thực hiện các chế độ, chính sách và điều kiện làm việc của người lao động. Nhiều DN của Vinatex (Phong Phú, Việt Tiến, Đáp Cầu, Hưng Yên) đã làm nhà cho công nhân ở. Một số DN có xe ôtô đưa đón công nhân đến nơi làm việc như: Hanoisimex, Hatexco... Không chỉ đảm bảo mức thu nhập cho người lao động, các DN đều lo bữa ăn công nghiệp cho người lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn ngon đủ chất...


Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp cải thiện đời sống cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài, nhiều năm qua, các DN trong Vinatex không có đình công, bãi công hay lãn công. Ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Vinatex - cho biết, tập đoàn đã xây dựng chính sách đãi ngộ và tiền lương phù hợp để thu hút lao động. Dự kiến từ năm 2013 trở đi, người lao động gắn bó làm việc với DN từ 3 năm trở lên thì mức thu nhập sẽ nuôi được thêm 1 người. Đồng thời, xây dựng thang bảng lương cơ bản phù hợp để khi người lao động nghỉ hưu được hưởng mức trả bảo hiểm xã hội đủ sống.


Tránh tình trạng để cho hàng dệt may nước ngoài thống lĩnh, năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015, ngành dệt may Việt Nam sẽ phát triển phân khúc sản phẩm cho thị trường nội địa, cố gắng đưa sản phẩm vào các chợ truyền thống; xây dựng mối liên kết dọc, tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa với dân số gần 90 triệu người.


Với những giải pháp quyết liệt, chú trọng quan tâm đến người lao động, ngành dệt may Việt Nam tự tin đặt mục tiêu XK toàn ngành năm 2012 tăng 13% so với năm 2011, xuất siêu 7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân thương mại nền kinh tế.


Lê Kim Liên

.
.
.
.