Hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu!
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, ngày 12/3/2012. Bộ Công Thương cũng đã đưa ra quyết định xử lý đối với Tổng công ty Hàng hải- doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã “bỏ” thị trường lúc khó khăn.
Nhập khẩu giảm mạnh
Báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm 2012, tổng nguồn nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối giảm mạnh, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 10% tổng hạn mức tối thiểu nhập khẩu cả năm. Trong đó, mặt hàng xăng giảm 15%; diezen giảm 57%, mazut giảm 62%. Tuy nhiên, nguồn mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng 17,6% so cùng kỳ.
Theo bà Lương Ánh Quỳnh- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu- phân tích: Sở dĩ tổng nguồn nhập khẩu và mua từ Dung Quất trong 2 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước vì nguồn cung trong 2 tháng đầu năm 2011 tăng rất cao (2 tháng đầu năm 2011 tăng kỷ lục tới 31% so với năm 2010), vì thế khi so sánh với cùng kỳ năm 2011 thì nguồn trong 2 tháng 2012 giảm một cách tương đối.
Mặc dù nguồn nhập khẩu và nguồn mua Dung Quất trong 2 tháng đầu năm giảm mạnh nhưng tổng nguồn cung và cơ cấu chủng loại vẫn bảo đảm nhu cầu. Lý do vì lượng tồn kho xăng dầu trong tháng 1/2012 cao hơn gần 23% so với cùng kỳ 2011; hơn nữa, trong 2 tháng, sản xuất trong nước có xu hướng chậm lại nên nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm khoảng 13%; đồng thời, giá xăng dầu trong nước đã bớt căng thẳng so với khu vực, cùng với các biện pháp phối hợp của các bộ, ngành đã có tác dụng ngăn chặn đáng kể việc xuất lậu xăng dầu qua biện giới. Những yếu tố đó khiến cân đối cung cầu xăng dầu được bảo đảm.
Do khó khăn về kinh doanh, tiêu thụ giảm, tồn kho lớn nên hầu hêt các doanh nghiệp đều giảm lượng nhập khẩu, mới đạt 10% hạn mức cả năm. Tuy nhiên, tính đến 8/3/2012, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối đều đảm bảo nguồn dự trữ lưu thông theo đúng quy định Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Tính đến ngày 1/3/2012, lượng tồn kho các mặt hàng xăng dầu đều cao hơn cùng kỳ năm trước: tồn kho xăng tăng 31%, diezen tăng 5%.
Năm 2012, có 12 doanh nghiệp đầu mối được giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu xăng dầu. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng chỉ có 11/12 đầu mối tiến hành nhập khẩu và lấy nguồn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Riêng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam “bỏ” thị trường, không nhập khẩu, không mua sản phẩm từ Dung Quất, lượng hàng tham gia thị trường không đáng kể. Trong năm 2011, tổng công ty cũng không nhập khẩu trong nhiều tháng.
Về tiêu thụ, phần lớn tiêu thụ xăng dầu của các doanh nghiệp không có biến động lớn so với cùng kỳ 2011. Ngoài Tổng công ty Hàng hải thì tình trạng bỏ thị trường dồn cho DN khác đã bớt hơn năm trước.
Bộ Công Thương đánh giá, trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012 thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là lỗ kinh doanh trong năm 2011 chưa có hướng giải quyết, sức ép thị trường và xã hội lên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất lớn, nhưng trong hoàn cảnh đó hầu hết các doanh nghiệp đầu mối đã tổ chức nguồn hàng, đảm bảo nhu cầu và duy trì mức dự trữ lưu thông đúng quy định là sự nỗ lực rất lớn.
Trong lúc thị trường xăng dầu chưa bớt căng thẳng, các công cụ như thuế, quỹ bình ổn đã sử dụng hết, thậm chí quỹ bình ổn tại một số doanh nghiệp đã bị âm… thì việc bình ổn nguồn cung xăng dầu sẽ hết sức phức tạp. Bà Lương Ánh Quỳnh kiến nghị: Các doanh nghiệp đầu mối cần liên hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương để nắm thông tin tình hình tồn kho, nhập khẩu, mua xăng dầu tư Dung Quất, quản lý nguồn nội địa, ngăn chặn việc xuất lậu qua biên giới để cơ quan quản lý kịp thời can thiệp, không để xảy ra tình trạng đứt nguồn cung xăng dầu trong bất kỳ tình huống nào.
Đảm bảo nguồn cung trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhận xét: Dự đoán, thời gian tới còn nhiều khó khăn hơn trong kinh doanh xăng dầu trong nước khi xu thế tăng giá của xăng dầu thế giới rất rõ, vì có nhiều yếu tố bất lợi tác động, thậm chí có những dự báo hết năm 2012 giá xăng dầu thế giới có thể lên 200 USD/thùng, điều đó có nghĩa các doanh nghiệp đầu mối phải chuẩn bị bước vào giai đoạn rất khó khăn. Trong khi đó, những vấn đề để xử lý bình ổn giá đã cạn kiệt, chúng ta đã lùi hết cỡ, như quỹ bình ổn giá có doanh nghiệp không còn, có doanh nghiệp thì đã âm, chỉ còn con đường duy nhất là tăng giá. Nhưng tăng giá thì chúng ta chịu sức ép rất lớn từ thị trường, từ xã hội... Khó khăn chồng khó khăn, chúng ta chưa có hướng giải quyết những vấn đề tồn tại trong điều hành như: doanh nghiệp lỗ rất lớn, chưa có hướng xử lý hoa hồng, hay việc mua ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu vẫn khó khăn... Mặc dù khó khăn nhưng quan điểm điều hành của Bộ Công Thương là: bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng vẫn phải bảo đảm không để đứt nguồn xăng dầu, đảm bảo nguồn dự trữ lưu thông và cơ cấu chủng loại đúng theo Nghị định 84. “Doanh nghiệp nào không thực hiện đúng quy định thì phải xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp đó. Chúng ta phải cương quyết làm đúng. Kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm!”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá về đảm bảo nguồn, thứ trưởng cho rằng, trong 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp đầu mối đã bảo đảm cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý: Nguồn nhập khẩu 2 tháng thấp hơn năm trước, kể cả nguồn tiêu thụ từ Dung Quất. Vì thế điều hành của Bộ Công Thương là đảm bảo nguồn nhập khẩu, vì nguồn xăng dầu từ Dung Quất là rất rõ ràng. Trong giai đoạn tới nếu khó khăn vẫn có khả năng đứt nguồn!
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, trong năm 2012, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát hệ thống bán lẻ xăng dầu, đồng thời công khai việc xử lý vi phạm trên hệ thống thông tin. “Việc xiết chặt quản lý hệ thống bán lẻ của đại lý, tổng đại lý phần nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đầu mối, vì thế doanh nghiệp đầu mối cần chọn lọc các doanh nghiệp làm đại lý, tổng đại lý có uy tín, đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu”- Thứ trưởng lưu ý.
Để triệt để xử lý vi phạm của các đại lý xăng dầu, Thứ trưởng đề nghị, đối với các tổng đại lý, đại lý vi phạm, doanh nghiệp đầu mối cần áp dụng biện pháp công bố công khai cho các đầu mối khác cùng biết, và các đầu mối khác cũng kiên quyết từ chối không hợp tác với các đại lý vi phạm, tránh trường hợp DN vi phạm chạy từ đầu mối này sang đầu mối khác.
Hạn chế quyền nhập khẩu của Tổng công ty Hàng hải
Cũng trong buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú dã công bố xử lý vi phạm đối với Tổng công ty Hàng hải do không nhập khẩu xăng dầu trong nhiều tháng năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012. Theo đó, mặc dù chưa rút giấy phép kinh doanh nhưng Bộ Công Thương sẽ rút bỏ toàn bộ hạn mức tối thiểu và quyền nhập khẩu xăng và diezen 0,05S của Tổng công ty Hàng hải. Tổng công ty chỉ còn hạn mức nhập khẩu tối thiểu và quyền nhập khẩu diezen 0,25S và dầu FO để hoạt động hàng hải. Bộ Công Thương sẽ thông báo cụ thể cho Tổng cục Hải quan để giám sát. Đồng thời, từ nay đến hết 2012, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoạt động của Tổng công ty Hàng hải để quyết định những xử lý tiếp theo.
Đồng thời với việc hạn chế quyền nhập khẩu của Tổng công ty Hàng hải, Bộ Công Thương sẽ giao lại hạn mức nhập khẩu của Tổng công ty Hàng hải cho đơn vị mới tham gia nhập khẩu để đảm bảo nguồn theo đúng yêu cầu chung.