Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bổ sung đầu tư khu công nghiệp là ngành kinh doanh chính: Nhiều lợi thế, hiệu quả cao
Trong đề án tái cấu trúc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam(VRG) trình Chính phủ, VRG có đưa chủ trương xin được bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp (KCN) là ngành kinh doanh chính. Theo đó, VRG đầu tư lĩnh vực phát triển KCN sẽ có nhiều lợi thế, góp phần đưa hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao.
VRG được ưu tiên phát triển KCN trên đất cao su
Theo VRG, phát triển KCN là một chủ trương lớn của Nhà nước, góp phần rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của các địa phương. Đặc biệt là bảo đảm về phân khu chức năng, tách biệt giữa dân cư, sản xuất và yếu tố môi trường. Một số các công ty cao su thuộcVRG nằm ở khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, trong khi đó quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp ngày càng ít, việc đền bù giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn. Các vườn cao su là địa điểm lý tưởng để thu hồi và chuyển sang đầu tư KCN vì đất thuận tiện cơ sở hạ tầng, chi phí xây dựng thấp và quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng nhanh.
Lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN được VRG bắt đầu đầu tư từ năm 1995. Sau năm 2000, các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển mạnh các KCN để thu hút đầu tư nước ngoài, hình thành xu hướng quy hoạch các KCN trên đất cao su. Trong giai đoạn này có gần 15 KCN được quy hoạch trên đất cao su. Trước thực trạng phải chuyển lợi thế của VRG cho doanh nghiệp, tổ chức khác, VRG đã trình Thủ tướng Chính phủ và trong thông báo 108/TB-VPCP ngày 30/3/2009 Chính phủ đã chấp thuận phương án khi chuyển đất cao su sang KCN, các địa phương phải ưu tiên giao cho VRG làm chủ đầu tư. Thực hiện chủ trương này, đến nay VRG hiện là chủ đầu tư 13 KCN với tổng diện tích đất đang sử dụng để cho thuê 4.500 ha.
Tình hình phát triển các KCN của VRG hiện nay khá tốt, nhóm đã phát triển ổn định gồm 3 khu đã cho thuê trên 80% diện tích, là các công ty đại chúng với tỷ suất lợi nhuận trên vốn trung bình 30%/năm. Nhóm đang đầu tư gồm 5 khu cho thuê bình quân 20% diện tích và bắt đầu có doanh thu, lợi nhuận từ năm 2011. Nhóm các KCN vừa xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư, mới bắt đầu hoạt động chính thức từ năm 2011 gồm 5 khu.
Phát huy lợi thế của doanh nghiệp lớn để thu hút đầu tư
Với quá trình và hiệu quả phát triển các KCN của VRG, VRG kiến nghị Chính phủ chấp thuận đây là lĩnh vực kinh doanh chính của VRG. Theo VRG, đối tượng kinh doanh KCN là đất cao su chuyển đổi nên liên quan mật thiết đến ngành chính của VRG. Ngoài ra, hiện VRG có quy mô các KCN thuộc loại lớn ở Việt Nam, tham gia đầu tư 17 khu trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 13 khu với diện tích đất tự nhiên 10.000 ha, đất cho thuê 5.000 ha, VRG đã hình thành được một bộ phận quản lý chuyên nghiệp, việc thu hút đầu tư và hiệu quả có tiến triển tốt. Ngành kinh doanh này không những không làm ảnh hưởng đến các ngành chính khác mà còn tạo thêm nguồn thu để phát triển VRG.
Việc VRG đầu tư các KCN đã đem lại hiệu quả tổng hợp. Cụ thể, đất cao su khi bị thu hồi không được đền bù tiền đất theo quy định của Luật đất đai, chi phí đền bù của nhà đầu tư khi lấy 1 ha cao su thấp hơn nhiều lần so với 1 ha đất của dân. Nếu VRG không đầu tư thì sẽ chuyển lợi thế của VRG cho doanh nghiệp khác. Trong thực tế từ khi có thông báo số 108/TB-VPCP ngày 30/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ cho phép VRG ưu tiên làm chủ đầu tư các dự án phát triển KCN, khu dân cư trên đất cao su chuyển mục đích sử dụng thì việc các nhà đầu tư nhắm vào đất cao su để lập dự án giảm hẳn, điều này giúp hạn chế việc giảm diện tích cao su.
VRG với vị thế là một doanh nghiệp lớn, rất thuận lợi trong đàm phán với đối tác để thu hút nhà đầu tư vào KCN, nhất là với các công ty đa quốc gia. Hơn nữa, đặc điểm đầu tư KCN là đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, nhà đầu tư thuê đất đến đâu mới đầu tư cơ sở hạ tầng đến đó. Khi công ty quản lý vườn cây thực hiện dự án KCN thì đất chưa cho thuê công ty vẫn tiếp tục khai thác cao su, đất không bị bỏ trống, trong khi đó khi giao đất cho nhà đầu tư ngoài VRG quản lý, công ty phải cưa cắt toàn bộ cây cao su, nếu chưa cho thuê hết đất sẽ được bỏ trống. Như vậy nếu VRG đầu tư thì đất đai sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.
Ngoài ra đầu tư KCN còn giải quyết việc sắp xếp một phần lao động khi phải cưa cắt cây cao su chuyển sang KCN. VRG cũng cho rằng đây là ngành kinh doanh có hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận trên 30% vốn điều lệ trong điều kiện hoạt động bình thường, sử dụng nguồn vốn tự có ít so với tổng mức đầu tư và tạo nguồn tích lũy khá lớn, do nhu cầu vốn chủ sở hữu không lớn nên không làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lực của VRG. Việc phát triển KCN gắn liền với khu dân cư sẽ là điều kiện thuận lợi để VRG giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân.
Sẽ có 2 đầu mối quản lý các KCN trong toàn VRG
Trong đề án bán cổ phần để chuyển thành công ty đại chúng các công ty cổ phần thuộc ngành chính, trong lĩnh vực KCN, VRG sẽ tiến hành bán cổ phần ra công chúng (IPO) đồng thời với việc tổ chức sắp xếp lại. Ngoài 4 công ty đã là công ty đại chúng sẽ đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện, các công ty còn lại sẽ thực hiện theo quy hoạch và đặc điểm từng khu vực. Sẽ tiến hành IPO khi cho thuê được 50% quỹ đất, dự kiến trong giai đoạn đến 2015 sẽ IPO 3 khu và sau 2015 sẽ IPO 4 khu. Do mối liên hệ chặt chẽ về đất đai, các công ty sau IPO VRG dự kiến vẫn giữ cổ phần chi phối, ngoại trừ Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - VRG. Đối với công ty này, VRG đang xem xét phương án thoái bớt vốn Nhà nước của VRG tại Công ty và chỉ đạo công ty đàm phán với các đối tác thành lập các KCN trong khuôn viên diện tích các KCN đang quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Khi sắp xếp lại mô hình tổ chức các đơn vị ngành KCN, Tổng Công ty cao su Đồng Nai sẽ là một đầu mối quản lý các dự án trên đất của công ty. Các KCN còn lại sẽ tập trung vào một đầu mối, công ty lớn nhất ngoài quản lý các khu hiện có sẽ quản lý với tư cách công ty mẹ với 7 công ty con.
Nguyên Khánh