.
.

Tổng Công ty Thuốc lá: Thực hiện tốt mô hình thí điểm dạy nghề

Thứ Sáu, 17/02/2012|21:58

 

 

Vừa qua, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đến năm 2020”.

Đoàn công tác bao gồm:Thứ trưởng Bộ Công Thương -Trần Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Ngọc Phi, ông Đàm Văn Eng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và đại diện Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh Cao Bằng và các bộ ngành khác…
Hình ảnh buổi họp
Hình ảnh buổi họp

Báo cáo của ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Cao Bằng cho biết: sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”… Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng đã tổ chức được 239 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp là 164 lớp; nghề phi nông nghiệp là 75 lớp, bao gồm các ngành nghề đào tạo phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế như: Trồng thuốc lá, trồng nấm, sửa chữa máy nông nghiệp, sản xuất phân vi sinh, chăn nuôi thú y, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, hàn sắt, dệt khăn, may công nghiệp… Sau đào tạo, 68% lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Trong 3 năm qua (2009 – 2011), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã thực hiện tốt mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn vùng chuyên canh thuốc lá tại nhiều xã thuộc hai huyện Hà Quảng và Hòa An (Cao Bằng) như: Chương trình này gắn kết 4 nhà cùng tham gia: Nhà nước – doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà nông. Qua tổ chức thực hiện chương trình, nhận thức của nông dân tại các xã có tổ chức dạy nghề được nâng lên đáng kể. Nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình trồng thuốc lá, sử dụng bảo quản, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và quan tâm đến bảo vệ môi trường, tạo được sự gắn kết giữa các học viên với nhau, giữa các học viên với các nông dân khác, tạo sức lan tỏa hiệu quả của mô hình trong cộng đồng dân cư tại địa phương. Đặc biệt, năng suất, chất lượng của thuốc lá nguyên liệu có sự gia tăng rõ rệt, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn công tác thăm mô hình đào tạo nghề của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam

Theo ông Đàm Văn Eng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, năm 2012, tỉnh phấn đấu tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 6.100 người. Trong đó, đào tạo trình độ trung cấp nghề khoảng 1.000 người; dạy nghề cho lao động nông thôn 3.200 người; lao động xã hội 1.820 người; dạy nghề cho người tàn tật là 80 người; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề tối thiểu đạt 70%. Tiếp tục thực hiện mô hình dạy nghề thí điểm tại các huyện Hòa An và Quảng Uyên; phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở hiện có; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề các huyện mới thành lập để đưa vào sử dụng; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý nghề… 

Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, tỉnh Cao Bằng kiến nghị liên Bộ Công Thương, LĐTB & XH tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc lồng ghép các chương trình đào tạo nghề cho nông dân, như: khuyến nông, khuyến công gắn với dạy nghề theo Quyết định 1956. Tăng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và đổi mới phương thức dạy, học phù hợp với trình độ nhận thức của lao động, nhu cầu tuyển dụng của thị trường.

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ghi nhận những khó khăn của địa phương, mặc dù còn nhiều hạn chế về chính sách, ngân sách, nhân lực…, nhưng Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Thứ trưởng đề nghị, Cao Bằng là một địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cần chú trọng phát triển kinh tế vùng; quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tránh tình trạng lãng phí. Thứ trưởng nhấn mạnh, dạy nghề phải nhằm mục đích nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, nên lưu ý Cao Bằng chú ý hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề; cần có chiến lược bền vững trong phát triển kinh tế vùng nông thôn; đào tạo nghề cho người lao động cần tập trung vào chất lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá lại các mô hình đã triển khai.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội- Nguyễn Ngọc Phi cũng ghi nhận những thành tích về công tác dạy nghề của Cao Bằng trong thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, triển khai áp dụng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp…Đặc biệt nghiên cứu áp dụng những mô hình kinh tế có hiệu quả vào sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải xác định rõ đối tượng, mục đích; rà soát nguồn nhân lực đào tạo; nội dung, phương pháp đào tạo phải linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương lớn của nhà nước như Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới… với Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. 

Báo Công thương

.
.
.
.