Tâm thế VICEM năm 2013
Ông Lương Quang Khải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên - TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) trò chuyện với phóng viên Báo Xây dựng về một số giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, mục tiêu chính mà TCty xác định thực hiện cũng như tâm thế đối phó khó khăn trong năm 2013.
Ông Lương Quang Khải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên - TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) |
Trong bối cảnh chung khó khăn của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, đặc biệt là năm khó khăn đối với ngành Xây dựng vừa qua, VICEM đã trải qua những thử thách như thế nào, thưa ông?
- Năm 2012, ngành Vật liệu xi măng có mấy khó khăn như sau. Thứ nhất là cung vượt cầu. Tổng công suất nhà máy đạt 70 triệu tấn, trong đó tiêu thụ có 55 triệu tấn. Dư thừa trong sản xuất gây khó cho tiêu thụ. Thứ hai là dòng tiền đa phần là đầu tư. Trong năm vừa qua, Chính phủ đã góp cho ổn định tỷ giá, hạ lãi suất nhưng lãi suất vẫn cao trên 10%, thực ra tất cả các dự án trên 10% đều khó. Dòng tiền khó gây ra chi phí về nợ, chi phí về bán hàng tăng, khả năng trả nợ của các hộ tiêu dùng khó khăn theo. Thứ ba là trong khi đó giá điện, giá xăng dầu vẫn tăng mà xi măng không thể tăng được giá và các điều kiện về sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thứ tư là diễn biến thị trường rất khác, cạnh tranh trong nước, cạnh tranh ngoài nước, nó chưa tuân theo quy luật nào cả dẫn đến làm cho tiêu hao năng lực cũng như chi phí tài chính của các DN kinh doanh xi măng. Ví dụ như xuất khẩu cũng bị cạnh tranh, không có một hệ thống nào ổn định. Thứ năm là nội tại trong chính những người sản xuất chưa theo kịp được một tư duy kinh tế thị trường như vậy, để mà chuẩn bị một tâm thế đối phó với tình hình khó khăn.
Trước tình trạng dư thừa xi măng như vậy, cộng với năm 2013 chúng tôi được biết sẽ có thêm 6 nhà máy sản xuất xi măng nữa ra đời. Ngành xi măng có biện pháp gì để tiêu thụ?
- Rõ ràng để tiêu thụ xi măng, có hai vấn đề: Giành được thị phần và độ phủ. Đầu tiên các nhà máy xi măng sản xuất phải cơ cấu lại sản phẩm và đảm bảo chất lượng để tận dụng tối đa các hộ tiêu thụ, các phân khúc thị trường. Điều đó VICEM phải làm. Chúng tôi đã có xi măng xây trát dành cho người dân dùng, giá hợp lý. Tiếp theo phải tổ chức các đội ngũ thị trường. Bám sát hơn với từng cơ sở, với nhà phân phối cấp hai, đến cửa hàng thì mới đáp ứng được nhu cầu hơn. Cái thứ ba là phải chủ động trong khâu xuất khẩu. Trong ngắn hạn, xuất khẩu vẫn là một kênh để giải quyết lượng tồn đọng trong nước. Chúng ta phải có quan hệ với những hệ thống bán hàng trên thế giới. Phải có những tổ chức trong nội địa thỏa thuận hợp tác với nhau mới giải quyết được. Đối với VICEM, để tối giản chi phí và nâng cao sức cạnh tranh, từ đó mới có chi phí khuyến mại, chi phí hỗ trợ, cho vay...
Ngoài ra chính sách mới như đường nông thôn, các công trình của Chính phủ thì chúng tôi quan tâm làm việc đó để giải quyết thêm lượng sản phẩm. Năm 2012, Vicem đã dùng cho các công trình nông thôn khoảng 500 ngàn tấn xi măng, giúp cho vấn đề xã hội, giúp vấn đề tiêu thụ. Năm tới, chúng tôi đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, các địa phương để làm tốt việc đó. Làm việc với các bộ, ngành để giải quyết công trình giao thông...
Ông nhận định như thế nào về việc quy hoạch các nhà máy xi măng trong thời gian tới?
- Quy hoạch các nhà máy xi măng cũng như chiến lược phát triển xi măng do Bộ Xây dựng xây dựng và trình Chính phủ. Thời gian vừa ra có những cái bị vượt quy hoạch. Nhưng gần đây, Bộ Xây dựng kiên quyết rà soát, cho dừng, hoãn những dự án không có khả năng hoặc dở dang... Theo tôi, đấy là động thái tốt. VICEM sẵn sàng tham gia cùng Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng để xây dựng một chiến lược và cơ cấu làm sao cho phát triển bền vững.
Tiêu thụ xi măng trong khó khăn, nhưng vẫn có những nhà máy đã và đang tiêu thụ tốt như: Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Hải Phòng, vậy nguyên nhân do đâu?
- Trước đây, chúng tôi phân phối xi măng qua nhà phân phối, qua hệ thống bán hàng như nhà phân phối chính, nhà phân phối cấp hai rồi xuống đến cửa hàng. Một số đơn vị bị giảm sản lượng, một trong những nguyên nhân là trước đây quá trông cậy vào nhà phân phối cấp 1. Khi gặp khó khăn thì các nhà phân phối này không linh hoạt và bám sát thị trường, các nhà phân phối cấp hai, các cửa hàng để hỗ trợ nó, tạo điều kiện bán hàng, gây khó khăn trong tiêu thụ.
Thực ra là phải bám đất, bám dân, bám thị trường, giải quyết nhu cầu từng khu vực một cách cụ thể lúc đó mới nắm bắt chắc nhu cầu thì sản xuất mới tránh được.
Mục tiêu năm 2013 của VICEM?
- Về mục tiêu năm 2013, trong hoàn cảnh này phải ổn định tài chính, để trả nợ kinh doanh. Trong ngắn hạn vấn đề đó là cần thiết. Tiếp theo nâng cao năng lực, nâng cao cạnh tranh mà trong sản xuất là khâu chủ động. Tối ưu hóa, đưa quản trị, đưa những biện pháp khoa học công nghệ để giảm chi phí. Đó là biện pháp cơ bản mà năm vừa rồi thực hiện đã giảm được trên 400 tỷ đồng, giờ phải tiếp tục thực hiện điều đó, vừa giải quyết trước mắt, vừa giải quyết lâu dài. Thứ ba là vấn đề tiêu thụ và thị trường. Từ suy nghĩ cách thức mới, rút kinh nghiệm năm 2012 và có nhìn nhận đúng hơn với thị trường. Lo tổ chức khâu phân phối, sản phẩm...
Tập trung cho đào tạo và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho 2013. Dự kiến 2013 sẽ sản xuất và tiêu thụ từ 19 - 20 triệu tấn sản phẩm. Trong đó sản xuất clinker là 15 - 16 triệu tấn. Doanh thu 30 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận không dưới 500 tỷ đồng, giữ vững được đời sống cán bộ công nhân viên, xây dựng văn hóa DN.