.
.

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước

Thứ Năm, 31/10/2019|21:27

Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò then chốt của nền kinh tế, như viễn thông, than, điện, xăng dầu, khai khoáng, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ công thiết yếu bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước diễn biến khá phức tạp, với nhiều loại hành vi khác nhau, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tham nhũng đã tập trung ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm như xây dựng, ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải… Đảng và Nhà nước ta quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Đảng ta nhìn nhận về tham nhũng, lãng phí

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.

Trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, thực hiện chính sách mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vấn nạn tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta nhìn nhận. Tại Hội nghị lần thứ năm, lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị đánh giá “Tệ tham nhũng trong nhiều cơ quan nhà nước và cơ sở kinh tế quốc doanh làm cho quần chúng rất bất bình”. Tại thời điểm này, Đảng ta cũng thấy rõ tác hại của tham nhũng là làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng tháng 6-1991 tiếp tục nhận định: tình trạng thất thoát và lãng phí rất lớn vốn đấu tư từ ngân sách. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tháng 2-2001 nhấn mạnh: “Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”; Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến; “Cơ cấu đầu tư chưa hợp lý; đầu tư còn phân tán, lãng phí và thất thoát nhiều…”.

Đặc biệt, năm 2006, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành nghề, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp…, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Nhằm tăng hiệu suất, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời kiểm soát, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời cũng là năm bắt đầu triển khai công việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định cùng với những thành tựu chung đạt được của đất nước, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được triển khai mạnh và có bước tiến mới đạt nhiều kết quả toàn diện, góp phần ngăn chặn, răn đe, cảnh tỉnh để “không thể tham nhũng”. Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, có tác dụng phòng ngừa có hiệu quả. Điển hình là Nghị quyết Trung ương 4,6,7 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nói riêng.

Chiến lược phòng, chống tham nhũng quốc gia đến năm 2020 đã nhấn mạnh: phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, qua đó kìm chế và từng bước ngăn ngừa tham nhũng.

Hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước

Tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa doanh nghiệp với cán bộ có chức có quyền đề giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, Doanh nhiệp “sân sau” vẫn là những vấn đề nóng, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội. Nhiều vụ án được đưa ra xét xử, nhiều bị can mới đây đang bị cơ quan chức năng điều tra như: Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn là thí dụ điển hình.

Tọa đàm khoa học “Sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 21/1/2019.
Tọa đàm khoa học “Sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức ngày 21/1/2019.

Qua những vụ án đã được điều tra và xét xử, chủ yếu các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước chủ yếu là: Thứ nhất, nâng cao giá trị hợp đồng, nâng giá trị thực của sản phẩm để hưởng chênh lệch. Hiện tượng này thường thấy trong việc mua sắm tài sản công, hoặc mua bán hóa đơn khống để chiếm đoạt tài sản nhà nước. Thứ hai, lợi dụng chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, những sơ hở trong quá trình định giá, thoái vốn để tham nhũng. Cụ thể như vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công (đất đai, nhà công…); dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc; …Thứ ba, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chi tiêu sai quy định. Thậm chí còn vượt quyền để quyết định những dự án không thuộc thẩm quyền. Bị can Nguyễn Bắc Son dù biết rõ dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt vẫn chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định số 236 và chỉ đạo các bị can Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện ký kết hợp đồng. Thứ tư, lập các công ty con, dựa vào vị trí, quan hệ của mình trong các doanh nghiệp nhà nước để trục lợi. Vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Thứ năm, tham nhũng thông qua việc dùng tiền công quỹ của doanh nghiệp trái quy định. Hiện tượng một số doanh nghiệp nhà nước (có doanh nghiệp thành viên của các tập đoàn kinh tế nhà nước) dùng tiền công quỹ “lót đường” cho những mối quan hệ khác nhau có lợi cho cá nhân hoặc doanh nghiệp cũng là hành vi tham nhũng. Thứ sáu, đầu tư ngoài ngành, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, có biểu hiện trục lợi, tham nhũng.

Giải pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu và cấu trúc lại các doanh nghiệp nói riêng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc kiểm soát và tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các doanh nghiệp nhà nước luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng. Cụ thể,  nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cụ thể hóa vai trò đầu tàu theo đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai, chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Không để tình trạng gia đình hay dòng họ “thao túng”, “chi phối” công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước. Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của doanh nghiệp nhà nước thì việc làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng. Thực hiện chặt chẽ quy trình quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, đảm bảo người có năng lực, đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm. Quá trình thực hiện cần dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghiêm túc thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền của Bộ Chính trị. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn có hiệu quả tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên tại các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ  ba, tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật phục vụ việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước. Điều chỉnh cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, quản lý tài chính và phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Tiếp tục hoàn thiện quy chế đánh giá việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thứ  tư, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tái cơ cấu, vận hành đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật; cơ chế giám sát tài chính, phát huy quyền giám sát của người lao động trong các doanh nghiệp. Tăng cường kiểm soát tài chính trong doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phát hiện điều tra, xử lý tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong các dự án lớn. Quá trình điều tra khi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước cần được thực hiện công khai, minh bạch. Xử lý kịp thời, cương quyết những hành vi tham nhũng. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xẩy ra tham nhũng trong doanh nghiệp nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý tham nhũng, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng; tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như tài chính, ngân hàng, đầu tư công, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản… và các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, các chương trình, dự án kinh tế trọng điểm.

Giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được thành lập theo Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 22/10/2007 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Đảng bộ Khối có 35 đảng bộ trực thuộc, gồm 33 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng và 2 đảng bộ cơ quan, với trên 81 nghìn đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công, nông nghiệp, năng lượng, kinh doanh dịch vụ, thương mại, ngân hàng, tổ chức chính trị,… Để phòng, chống tình trạng tham nhũng, lãng phí, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các cấp ủy trực thuộc đã xác định cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trong Đảng bộ thực hiện nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nhắc nhở, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương, Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/ĐUK, ngày 21/3/2014 của Đảng ủy Khối về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của doanh nghiệp, đơn vị; chủ động kiểm tra, thanh tra phát hiện và kiểm điểm xem xét trách nhiệm, thi hành kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và kịp thời đề nghị cấp trên xem xét, thi hành kỷ luật đối với những trường hợp đảng viên vi phạm thuộc thẩm quyền của cấp ủy cấp trên. Từ năm 2011 đến 2018, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 1.661 đảng viên bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ, với các nội dung: vi phạm những điều đảng viên không được làm; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tăng cường chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để kiểm soát quyền lực, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng; kiểm soát chặt chẽ các khâu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Khối tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan liên quan như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… để nâng cao hiệu quả, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối.

Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung và trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng được thực hiện thành công không chỉ có quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu, mà còn cần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, xây dựng văn hóa phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, thực sự coi trọng việc giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, từng bước xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, độc quyền. Thực tế cho thấy khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ và cơ chế đặc quyền, đặc lợi, độc quyền còn tồn tại sẽ nảy sinh tham nhũng, lãng phí và hình thành “nhóm lợi ích”./.

Phương Điền - Thanh Thúy

-----

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII.

2. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Báo cáo số 164-BC/ĐUK, ngày 31/10/2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015 – 2020.

4. Báo cáo số 182-BC/ĐUK, ngày 18/01/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đối với công tác kiểm tra, giám sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2011-2018.

5. Báo cáo số 174-BC/ĐUK, ngày 03/1/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

6. Báo cáo số 202-BC/ĐUK, ngày 26/6/2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2019

 

.
.
.
.